Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày

VŨ VĂN
Huyện Di Linh đã và đang thay đổi diện mạo nông thôn từng ngày. Nếu như năm 2014 chỉ duy nhất xã Tân Châu đạt tiêu chí nông thôn mới thì trong năm 2015, danh hiệu này được công nhận thêm 3 xã gồm Gia Hiệp, Hòa Bắc và Gung Ré. Và mục tiêu đến năm 2018, huyện Di Linh đạt chuẩn Huyện nông thôn mới.

Từ những phương thức sản xuất mới
Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 17 xã đã được phê duyệt, từ năm 2010 đến nay, huyện Di Linh đã tổ chức gần 190 lớp tập huấn cho hơn 8.300 lượt nông dân về các nội dung chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống lúa cao sản (7- 8 tấn/ha), giống cây tiêu đạt thu nhập từ 800- 900 triệu đồng/ha trồng thuần và từ 400- 500 triệu đồng/ha trồng xen với cây cà phê. Gắn với các chương trình, dự án mục tiêu, nông dân Di Linh đã được hỗ trợ các nguồn giống mới để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các diện tích gồm: gần 123ha bơ ghép, gần 39ha mít nghệ, 35ha sầu riêng, gần 3,7ha chuối la ba. Bên cạnh đó nông dân Di Linh còn tích cực chuyển đổi khá nhiều những con giống vật nuôi được hỗ trợ từ nguồn vốn nhà nước như: hơn 90 con bò, hơn 50 con heo, gần 30 con dê…Ngoài ra, phối hợp với Dự án Lifsap và Qseap, huyện Di Linh đã triển khai cho bà con nông dân thực hiện 30 hầm biogas/9 xã; hình thành vùng chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn GAHP tại xã Gia Hiệp và xã Đinh Lạc với 240 hộ chăn nuôi; xây dựng 106 lò sấy cà phê với tổng công suất 300 tấn/ngày.
5 năm qua, toàn huyện Di Linh đã đầu tư trên 500 tỷ đồng xây dựng 140 trang trại sản xuất nông, lâm, chăn nuôi, thủy sản, thu hút 650 lao động thường xuyên và hàng ngàn lao động thời vụ. Trong đó, nhiều trang trại đạt hiệu quả kinh tế khá cao qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh như: liên kết trồng hoa hồng môn; hoa vũ nữ, trồng bơ ghép, chăn nuôi heo rừng lai, sản xuất và chăn nuôi tổng hợp…Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi trong thị trường cạnh tranh lâu dài, nông dân Di Linh đã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất sang mô hình kinh tế tập thể, đạt những kết quả đáng khích lệ. Tiêu biểu đó là 6 Tổ Hợp tác về sản xuất lúa ở xã Gung Ré, sản xuất cà phê bền vững ở xã Tân Châu, chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAHP; 3 HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Di Linh, Tây Di Linh và Cà phê Lâm Viên đã chủ động khai thác, cung cấp các nguồn phân bón trả chậm, liên kết các đối tác để không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho tất cả thành viên HTX.
Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phi nông nghiệp…ở Di Linh mới đạt 20% thì đến năm 2014 tăng lên hơn 28%, dự kiến tiếp tục tăng lên 30% vào cuối năm 2015.     
Đến những cơ sở hạ tầng mới
Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở huyện Di Linh giai đoạn năm 2010 – 2014 là 5.945 tỷ đồng, trong đó số vốn huy động nhân dân đóng góp hơn 22 tỷ đồng; tỷ lệ nguồn vốn lớn còn lại là vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn lồng ghép…Từ nguồn vốn này, những công trình kết cấu hạ tầng mới lần lượt được thi công khánh thành. Đáng kể như: nhựa hóa, bê tông hóa 125km đường trục xã, liên xã; cứng hóa gần 290km đường trục thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; xây dựng mới và nâng cấp nhiều công trình đập dâng, 4.000 ao, hồ nhỏ, 1.000 giếng khoan…sử dụng cho tưới tiêu cây trồng; lắp đặt 20km đường dây điện và hệ thống chiếu sáng ở trung tâm các xã, sửa chữa gần 15 hệ thống cung cấp nước sạch…Ngoài ra còn nâng cấp và xây dựng mới gần 40 trường trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo; 10 trạm y tế xã; gần 25 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở xã, thôn…
Kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ đã tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển, cải thiện và nâng cao rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của người dân Di Linh. Thống kê từ năm 2010 đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo, thôn nghèo và cận nghèo đã giảm từ hơn 25% xuống còn 3,27% ( tương ứng với 1.275 hộ). Phấn đấu đến cuối năm 2015, huyện Di Linh không còn thôn nghèo, cận nghèo, tiếp tục giảm xuống số xã và số thôn đặc biệt khó khăn.
Theo UBND huyện Di Linh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã gặt hái những thành công nói trên, không chỉ tạo nên một diện mạo mới trên khắp đường làng, ngõ xóm, mà còn thiết thực tăng cao thu nhập bình quân đầu người mỗi năm từ 18 triệu đồng ( năm 2010) lên 36 triệu đồng ( cuối năm 2014)./.
THÁNG 7/2015