Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Rất cần thông tin thị trường nông sản

VĂN VIỆT
Hơn 6 tháng đầu năm 2015 đã qua, một số mặt hàng nông sản Lâm Đồng vẫn còn tái diễn tình trạng được mùa, mất giá, thậm chí mất cả mùa và mất cả giá, nhưng thường đề cập đậm nét các nguyên nhân do thiếu những mô hình liên kết dọc, liên kết ngang với quy mô lớn…mà chưa quan tâm đặc biệt đến đòi hỏi bức bách của việc tiếp cận thông tin thị trường ở thời điểm trước, trong và sau vụ mùa sản xuất, thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, với một vùng nông nghiệp phát triển ngày càng rộng lớn, đa dạng theo hướng công nghệ cao, nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm ở Lâm Đồng đạt những thành công bước đầu nhờ có “tai mắt” tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước để cập nhật thông tin về chủng loại, khối lượng các mặt hàng đang và sẽ sản xuất, thời điểm thu hoạch, chiều hướng giá cả lên xuống…để làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai trên từng thời vụ sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện đất đai, năng lực tài chính, ứng dụng dụng khoa học kỹ thuật của mình. Ngược lại, nhiều nhà sản xuất do thiếu cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu thông tin thị trường, nên đã chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng theo “tâm lý đám đông”, dẫn đến hệ quả ứ đọng hàng hóa, thua lỗ kéo dài. Những mặt hàng cao su, cà chua, hành tây, hành tím và nhiều loại rau xanh khác ở Lâm Đồng đã lâm cảnh ế thừa trong vài thời thời vụ gần đây là những minh chứng.
Để đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin thị trường sản xuất nông sản hàng hóa đang trở nên cấp thiết hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nêu ra 4 giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, thường xuyên điều tra diện tích đất sản xuất cây trồng cùng loại trong tỉnh, trong vùng để dự báo tình hình biến động cung- cầu. Thứ hai, xây dựng hệ thống thu thập thông tin giá nông sản bán sỉ, bán lẻ phủ kin ở các khu vực chợ đầu mối, đại lý thu mua, cơ sở chế biến, trang trại…Thứ ba, cập nhật, phổ biến thông tin giá cả nông sản gắn với hoạt động khuyến nông trên nhiều kênh thông tin đại chúng ở địa phương. Thứ tư, bố trí nguồn nhân lực cùng những trang thiết bị hiện đại để không ngừng nâng cao hiệu quả thu thập, phân tích và xử lý thông tin thị trường nông sản.
4 giải pháp trên được “vận hành” đồng bộ, rộng khắp, hy vọng sẽ góp phần giảm thiểu tối đa những rủi ro đối với các nhà sản xuất nông sản hàng hóa cạnh tranh ở Lâm Đồng. 
THÁNG 7/2015