VĂN VIỆT
Trong cơ cấu nông nghiệp 5 năm tới, Lâm
Đồng đặt mục tiêu chiếm tỷ trọng trồng trọt từ 73- 78%; còn lại 22-27% đạt tỷ
trọng chăn nuôi và dịch vụ. Nhiều giải pháp đã và đang triển khai phù hợp với
lợi thế so sánh trên từng khu vực sản xuất trong tỉnh Lâm Đồng, nhằm đạt giá
trị thu nhập trung bình trên mỗi héc ta vào năm 2020 là 180 triệu đồng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu trước mắt trong 5
năm tới là bố trí lại cơ cấu cây trồng với quy mô hợp lý theo từng vùng cây
công nghiệp dài ngày và cây lương thực. Với cây cà phê đến năm 2020 ổn định
diện tích khoảng 150.000ha, đạt năng suất bình quân 3,1- 3,2 tấn nhân/ha ( dự
kiến năng suất cà phê niên vụ 2015- 2016 đạt 3 tấn nhân/ha). Trong đó, cây cà
phê vối chiếm 80% diện tích, tập trung thâm canh trên các địa bàn Bảo Lâm, Bảo
Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng; cây cà phê chè chiếm 20% diện tích, thâm canh
trên các vùng nông nghiệp Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà và Đam Rông. Cả 2 loại cà
phê vối và cà phê chè ở giai đoạn già cỗi, kém năng suất phải tập trung tái
canh trồng mới hoặc ghép cải tạo với các nguồn giống chất lượng và năng suất
cao, từng bước hoàn chỉnh quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn 4C và UTZ. Về
cây chè đến cuối năm 2015, Lâm Đồng ổn định tổng diện tích khoảng 24.000ha,
trong đó đạt từ 6.200- 6.500ha chè chất lượng cao, năng suất bình quân trên 9,5
tấn búp tươi/ha. Đến năm 2020, diện tích chè sẽ được mở rộng lên 26.000ha (vẫn
tập trung ở các địa bàn Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đà Lạt), diện tích
chè chất lượng cao cũng sẽ tăng lên thành 8.000ha, năng suất bình quân đạt 11
tấn búp tươi/năm. Áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn và cơ giới hóa trong
thu hái là 2 khâu ưu tiên đầu tư phát triển đối với cây chè.
Cây rau và cây hoa của Lâm Đồng đặt mục tiêu 5 năm tới
trở thành trung tâm sản xuất của cả nước và cả khu vực. Lộ trình phát triển
gồm: Đến cuối năm 2015, diện tích gieo trồng cây rau ở Đà Lạt và các vùng phụ
cận ( Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương) đạt 53.000ha, tổng sản lượng
đạt từ 1,9- 2 triệu tấn. Đến năm 2020, diện tích sẽ tăng lên 55.000ha và sản
lượng đạt từ 2,2 - 2,3 triệu tấn. Tương tự, cây hoa sẽ tăng diện tích từ 7.200
ha với sản lượng 2,4 tỷ cành (cuối năm 2015) lên 7.800ha với sản lượng 2,6 tỷ
cành vào năm 2020, chiếm 20- 30% sản lượng hoa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các cây trồng khác cũng nằm trong lộ
trình tập trung thâm canh phát triển đến năm 2020 ở Lâm Đồng như: Lúa ở Cát
Tiên, Đạ Tẻh, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà với tổng diện tích 15.000ha
gieo trồng 2-3 vụ, lúa chất lượng cao đạt diện tích 7.700ha, tổng sản lượng thu
hoạch 200.000 tấn/năm; cây dâu tằm bố trí các vùng đất thấp ven sông, suối,
không bị ngập lũ, diện tích gieo trồng từ 4.500- 5.000ha, trong đó chuyển đổi giống
dâu mới đạt 80%…
Giải pháp bền
vững để nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng là luôn gắn sản xuất với chế biến
và tiêu thụ. Cụ thể, Lâm Đồng tiếp tục nâng công suất và hiện đại hóa các cơ sở
chế biến chè, rau hiện có, đồng thời tích cực thu hút đầu tư đổi mới công nghệ chế
biến chè cao cấp tại Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà; xây dựng hệ thống nhà máy
cấp đông, sấy khô, chế biến và đóng hộp rau quả tại Đức Trọng, Đơn Dương, Đà
Lạt, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến cà chua tại Đơn Dương.
Tương tự về chế biến cà phê sẽ tăng tỷ lệ sơ chế ướt
lên 40% sản lượng; mở rộng các nhà máy phân loại, đánh bóng cà phê xuất khẩu;
phát triển các nhà máy sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan tại Bảo Lâm, Bảo
Lộc, Di Linh và khu công nghiệp Phú Hội, Đức Trọng. Riêng việc chế biến kén
tằm, từng bước chuyển đổi từ sản xuất ươm tơ thủ công sang sản xuất ươm tơ cơ
khí và tự động, khôi phục các cơ sở ươm tơ công nghiệp tại Bảo Lộc, không ngừng
nâng cao chất lượng sản phâm ươm tơ hướng đến các thị trường xuất khẩu cao cấp
như Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ. Với nghề trồng hoa, Lâm Đồng tiếp tục thu hút
đầu tư hiện đại hóa công nghệ bảo quản và chế biến hoa tại Đà Lạt, Đức Trọng đáp
ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
Dự kiến diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp Lâm
Đồng đến năm 2020 hơn 296.000 ha, trong đó chiếm 25- 30% diện tích sản xuất
theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các bước đột phá, nâng cao hiệu quả
sản xuất, chất lượng nông sản trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài./.
THANG 6/2015