VĂN VIỆT
Người
ta trồng hoa kim châm chỉ để làm cảnh hoặc bứt vài nụ xào nấu “ăn chơi” trong
nhà, nhưng ông mở rộng trồng cả chục ha. Thương lái, các tổ chức kinh tế khắp
nơi đổ xô tìm đến thu mua, cung cấp các nhà hàng sang trọng trong nước và xuất
khẩu, ông bước lên “làm vua kim châm” của núi rừng cao nguyên. “Ông vua” tạo
việc làm thường xuyên cho đồng bào dân tộc thiểu số và giúp đỡ nhiều người khác
làm giàu từ hoa kim châm.
Tên
“ông vua” là Nguyễn Đệ Đạt, ở tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng,
bị cụt một tay hồi chế độ cũ trước “bảy lăm”. Nhà nghèo, đông anh em ở xứ nắng
gió Bình Định, ông “đơn thương độc mã” lên Lâm Đồng tìm đất mới vỡ hóa khai
hoang từ năm “bảy sáu”. Tài sản là cây cuốc, chiếc dao phát và sức vóc tuổi ba
mươi còn lại…một tay!
MỘT CÁNH TAY ĐI MỞ ĐẤT
Khó có thể kể hết cái “thiên tình
sử” mở đất như ông nôm na gọi. Đất ông khai phá là một trảng bằng dưới chân đèo
Prenn, ven quốc lộ 20, nhưng sát bên rừng hoang vu, thú dữ còn sinh tồn cả bầy
đàn, ông phải sống chung với chúng bằng cả trí thông minh của loài người. Che
lên một lán trại, mỗi tuần ông dành ra một ngày đêm vào rừng lượm củi gùi bộ vượt
đèo lên Đà Lạt bán đổi gạo. Lúc thiếu hụt, ăn luôn cả ổi rừng, măng dại, nóng
cồn cào trong ruột vẫn chịu đựng.
Nhưng một tay ông vẫn cố giữ thăng bằng cuốc
bới đất, lật cỏ. Để có ánh sáng, ông gom nhặt những xăm xe hư, mang về rẫy đốt
lên, hết cuốc ngày lại cuốc đến thâu đêm, tứa cả máu trên bàn tay còn lại. Cuốc
đến đâu, xuống giống hồng ăn trái ( xin đồng bào quanh vùng) đến đó. Cứ thế vài
năm sau, sự nhẫn nại của ông được bù đắp: Vườn hồng 4 ha của ông thành hình,
cây nhú chồi mơn mởn xanh. Rồi hồng cho trái, tiếp tục mở rộng trồng cây dâu ăn
trái. Hoa lợi tăng nhanh, ông nghĩ đến việc trồng xen dưới tán cây hồng, cây
dâu một loài cây ngắn ngày gì đó. Và tình cờ, ông đã tìm đến một loài “hoa lạ”:
Hoa kim châm!
ĐỔI ĐỜI, “LÊN NGÔI” TRIỆU PHÚ !
Giữa lúc ấy có một người đàn bà
“đứt gánh giữa đường”, tay xách nách mang 4 đứa con có cảm tình ông. Thế là bén
duyên thành vợ, thành chồng. Đời ông sang trang mới. Hoa kim châm cũng “bén
duyên” đưa ông từng bước “lên ngôi” triệu
phú. Bà Hồ Thị Huệ, vợ ông kể lại: “Đầu tiên thấy nhà ông Tám Mập ở làng cạnh
bên trồng hoa kim châm có thu nhập lai rai hàng ngày, xin giống về nhà “gầy”
dần lên được vài sào. Nhưng tính “ổng” (ông Đạt) làm việc gì cũng phải quy mô
mới chịu. Cứ 6 tháng vừa nhân giống một lần, vừa lên Đà Lạt thu nhặt hoa kim
châm từ những khuôn viên hoa vứt bỏ, dần
dần hoa kim châm ở nhà phát triển đến 4 ha.”
Thế là hoa kim châm đã thu về cho
gia đình ông Đạt tiền triệu triệu trong suốt 6 năm qua. Trên 4 ha ấy ( được cấp
“sổ đỏ” đã lâu), thời kỳ thu rộ liên tục 6 tháng “mùa mát” cao nguyên, cứ hai
ngày hái hoa tươi bán ra từ 2 tạ đến 3 tạ, giá mỗi kg trên dưới 10 ngàn đồng. 6
tháng mùa mưa nhiều, bông phải “ngủ nghỉ” khá nhiều nhưng cũng thu được mười
mấy kg mỗi ngày. Thương lái đến tận nhà, đặt cọc tiền trước thu mua nhưng không
đủ hoa tươi để bán. Năm ngoái, ông Đạt thuê đất mở rộng thêm 6ha hoa kim châm
nữa; cả vùng Hiệp An đến vùng sân bay Cam Ly, Đà Lạt, nhờ ông “khuyến nông”,
nông dân theo nhau trồng khoảng 30 ha-tất cả đều bắt đầu thu hoạch, song “hàng”
vẫn cứ “khát”!
Ông Đạt cho biết: trồng hoa kim
châm dễ nhất trong tất cả các loài rau, hoa xứ lạnh. Mỗi sào chỉ đầu tư giống,
phân bón chưa đến 1 triệu đồng mỗi năm nhưng thu hoạch từ 20 năm đến 30 năm
sau. Nó chỉ “khó tính” về thổ nhưỡng,
khí hậu. Vùng đất Lâm Đồng chỉ thích hợp với nó khi trồng từ ngã ba Phi Nôm
(Đức Trọng) lên đến Đà Lạt mới có năng suất, chất lượng. Miễn là phải trồng
dưới tán lá cây ăn quả dài ngày, mật độ sao cho hoa hấp thu độ ánh sáng và lưu
lượng mưa vừa phải. Hoa chỉ bán được khi còn là chồi búp, chúm chím nở; chứ để
nở rực rỡ lên thì không ai mua làm gì nữa. Mấy năm qua, hoa kim châm khô Trung
Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, nhưng hoa kim châm tươi ở Lâm Đồng vẵn
thắng thế đầu bảng chất lượng, giá thành. Vượt ra ngoài nước, nhiều công ty đến
ông Đạt đặt vấn đề hợp đồng xuất khẩu dài hạn. Ông Đạt “chưa dám” bởi các “mối”
truyền thống trong nước, ông vẫn cung cấp chưa đủ. Đành hẹn vài năm tới xem sao
đã!
“ÔNG VUA” NGHĨA TÌNH!
Năm
năm trước, ông Đạt đã xây dựng một ngôi biệt thự rộng 300 mét vuông ngay tại
vườn hoa kim châm lộng lẫy, khang trang đến hơn 100 cây vàng. Giàu có, ông mới
có điều kiện “nghĩ” đến người khác. 6 năm qua, nông trại kim châm của ông luôn
thu hút thường xuyên việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số quanh vùng
(chủ yếu buôn Kà Rèn và Định An) thường xuyên từ 30 đến 40 người, lúc mùa vụ
lên đến 60 người. Giao trực tiếp quản lý có; giao trực tiếp sản xuất, thu hái
có; bình quân thu nhập mỗi tháng một người từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng.
Một tuần, công nhân nhận lương một lần. Ông Đạt nói: “Hồi mới lên khai hoang,
không vợ con, đói kém, bệnh tật thất thường, không nhờ có đồng bào thiểu số
láng giềng là mình “tiêu” luôn rồi. Giờ làm công cho mình, tôi luôn bảo họ là
xem như người nhà, không phải “chủ-tớ” gì cả!” Quả thật buôn làng rất quý “ông
vua” kim châm từ lúc còn cơ hàn mãi cho tới ngày nay. K’Jon, dân tộc Chill, 41
tuổi, một “Trại trưởng” của ông Đạt từ 4 năm nay bộc bạch: “hai vợ chồng tôi
đều làm công cho ông Đạt, thêm thu nhập khá, nuôi 8 đứa con ăn học đầy đủ. Tại
đây, tôi còn học cách trồng hoa kim châm và đã trồng vài sào đất ở vườn mình,
sống bắt đầu có dư dả! ” Trường hợp
khác, cha của Ha Thương là bạn “nối khố” của ông Đạt, không may chết đột ngột, để
lại cảnh gieo neo cho gia đình. Ông Đạt gọi Ha Thương về nhận làm con nuôi, dù
năm nay đã 23 tuổi. Ha Thương bày tỏ: “Em vừa lấy vợ. Hai vợ chồng em được bố
Đạt cưu mang nhiều lắm. 3 ha đất bố mẹ em để lại, nhờ bố Đạt, em đã trồng được
hoa kim châm lên rất tốt. Mùa kim châm rộ tới đây, em lại khá hơn là cái chắc!”
Trước khi chia tay, “ông vua kim
châm” cứ nằng nặc bảo tôi ghi 4 câu thơ (của một thi sĩ nào đó, ông rất thích từ khi nghèo khổ đến giờ, nhưng
không nhớ tên) để làm “kỷ niệm”. Ông đọc, tôi chép: “Yêu mãi, yêu rồi, đâu hết
yêu/ Cuộc đời như mảnh đất phì nhiêu/ Trồng bao nhiêu vụ còn tươi tốt/ Hạt gieo
xong rồi, hạt lại gieo.” Có lẽ do được “nhập” vào cuộc đời 4 câu thơ ấy mà ông
Nguyễn Đệ Đạt từ kẻ tật nguyền đã thành “vua” sau 30 năm thủy chung với
đất?!./.
Đà
Lạt Tháng 10/2003