Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Giáo sư nông dân

VĂN VIỆT




Tôi không quen biết gì ông trong một “dây mơ rễ má”nào. Một thời gian đi làm điều tra những vụ án phá rừng ở Lâm Hà (Lâm Đồng), tôi hẹn năm lần bảy lượt mới gặp được ông. Xong xuôi công việc tác nghiệp ra về, tôi chưa thấy ấn tượng gì về ông... 

Nhiều lần gặp sau đó cũng thế! Mãi đến khi theo Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ về Lâm Hà–lại một sự ngẫu nhiên cùng Đoàn đến đối thoại, tiếp xúc, xác minh ngay trên những cánh rừng, dãy đồi đầu tư làm ăn, nghiên cứu khoa học của ông bị lấn chiếm, tôi mới nhận ra hình ảnh một lão nông hiền lành ấy chính là nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo và là nhà đầu tư  nhiều năng lực trên đất Lâm Hà-Lâm Đồng.
Ông sinh ra trong một gia đình bần cố nông ở xã Bình Thạnh anh hùng của tỉnh Đồng Tháp Mười. Thời Pháp thuộc chống sưu cao thuế nặng, Thân sinh của ông từ Quảng Ngãi xuôi vào Nam di tản và sinh ông ra tại đây. Nhà nghèo hiếu học và quê hương nơi chào đời vốn có truyền thống cách mạng, ông thuộc giới trí thức miền Nam tham gia đấu tranh nửa bí mật, nửa công khai thời chống Mỹ. Sau giải phóng ông được kết nạp Đảng và được Nhà Nước chính thức công nhận học hàm Giáo sư và học vị Tiến sĩ của ông. Năm 1993, ông lên Lâm Hà-Lâm Đồng, người ta chỉ biết là một doanh gia rất nhiều tiền, nhưng mang đậm tính cách của một nhà nông xứ miền Trung cần mẫn và lối sống phóng khoáng của vùng sông nước Cửu Long. 
Quả thật là ông có rất nhiều tiền, nhưng không hề tiếc khi bỏ ra để hướng tới tiêu chí riêng ông, vì ổn định cuộc sống cho những người nghèo và cao nhất là vì tiềm năng cho cả vùng đất rộng lớn Lâm Hà. Nhắc lại hồi tháng11/2000 vừa qua, Đoàn công tác liên ngành của Chính Phủ về, từ các cơ quan pháp luật đến các cơ quan chuyên môn và chính ông Chủ tịch huyện Lâm Hà đều có chung nhận xét: Công ty TNHH Đa Dâng của ông là một doanh nghiệp làm ăn rất đàng hoàng. Ông chủ doanh nghiệp là người trí thức, lại thêm tấm lòng nhân đạo đáng được trân trọng. Đầu tư tại xã Đan Phượng (LâmHà) thấy đời sống, sinh hoạt đồng bào quanh vùng, nhất là đồng bào dân tộc thôn 5 còn gặp nhiều khó khăn, ông chủ động đến gặp nhà chức trách địa phương để đóng góp tiền bạc xây dựng trường mẫu giáo, đường liên thôn, đập nước, trạm xá…cả thảy hơn 400 triệu đồng. Với ông, trừ phi những chuyện“chẳng đặng đừng”, chứ hoàn toàn không thích mọi việc va chạm, tranh chấp phải đưa ra bàn cân công lý. Chính vậy, ông sẵn sàng bỏ ra gần 900 triệu đồng thương lượng với những hộ dân lập vườn, trả lại đất lấn chiếm mà Nhà Nước đã cấp cho ông. Ông đã bỏ ra 5 tỷ đồng kiến thiết trên 500 ha rừng, đất rừng Đan Phượng và có thể gấp nhiều lần như thế nữa, ông vẫn không ngại. Rất tiếc còn khá nhiều trường hợp lấn rừng nhận đủ tiền“bồi thường”của ông vẫn chưa“biết điều”, đến nỗi Đoàn công tác của Chính Phủ phải về tận nơi giải quyết, nhưng ông không trách họ làm gì; chỉ nóng lòng cho những dự án, kế hoạch của ông phải bỏ dở thời gian…

Ông nói: “Đã là doanh nghiệp tư nhân hay Nhà nước phải đặt lợi nhuận làm sự sống còn, nhưng tôi lên Lâm Đồng điều đó không hẳn!”. Vậy điều gì ông cần ở Lâm Đồng? ông kể liền một mạch rằng, mấy năm đầu tư nghiên cứu khoa học tại thổ nhưỡng Lâm Hà, ông đã phát hiện và khuyến nghị bà con nông dân nên đầu tư phát triển càfé Katimo, bỡi xu hướng thị trường thế giới ngày càng chuộng chất hương càfé đặm đặc này. Trong khi nhiều nhà máy chế biến công nghiệp lớn trên thế giới phải thu mua càfé Arabica và Robita về phối chế, tỉ lệ: 60% và 40% mới cho vị tượng trưng của Katimo. Chính công ty của ông từ tháng 8/2000 đã triển khai xây dựng nhà máy chế biến Katimo, đến nay sắp sửa đi vào hoạt động. Nhà máy này với khả năng hiện có ban đầu, hàng năm có thể sản xuất và xuất khẩu trên 10ngàn tấn càfé thành phẩm. Nguyên liệu sẽ thu mua từ nông dân ít nhất bằng giá gấp đôi giá thị trường trên mọi thời điểm. 
Nhưng đó chỉ là một thành công trước mắt. Có một thành công lớn hơn kể từ khi đặt chân lên Lâm Đồng là ông đã đưa giống quế và giống trầm hàng đầu thế giới về trồng, phát triển tốt trên đất Lâm Hà. Qua thời gian thực nghiệm, ông khẳng định giống trầm (còn gọi là cây gió bầu) đã trồng trên khu vực rừng Đan Phượng trên 1000cây sinh trưởng khá tốt, có tên là Aquilaria agalocha. Giống này do Bộ NN&PTNT cung cấp, có rất nhiều ưu điểm hơn hẳn loại trầm Aquilaria sinensis nhập từ Viện Đại học Havard-Mỹ, hiện đang trồng tại Châu Đốc (An Giang). Vài năm nữa, bước sang năm thứ 7, ông sẽ kích thích gây men đột biến để cho ra búp trầm tại Đan Phượng (Lâm Hà). Với cây trầm, giá thị trường thế giới 1kg búp luôn ổn định ở mức trên dưới 3.000USD. Nếu đúng như ông nói thì mới biết câu ngạn ngữ người xưa “ngậm ngải tìm trầm”giờ vẫn còn nguyên vẹn giá trị thực tế…
 Đối với công trình nghiên cứu cây quế Việt Nam, ông say sưa xuôi Nam ngược Bắc hơn một năm trời; chưa kể trước đó, ông đã đi tìm hiểu ở các nước Pháp, Nhật, Trung Quốc…Sắp tới đây, ông sẽ báo cáo đề tài cấp Bộ về khả năng phát triển cây quế Việt Nam. Ông cho biết, thời giá hiện tại 1kg quế vỏ trên thế giới là 54USD, gồm3 giống quế chính là:cassia (Trung Quốc), ceylanicium (Silanca) và loureii (Mianma) đã du nhập vào các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ lâu, nhưng người trồng quế luôn“kêu cứu”vì quế vỏ không xuất khẩu được hoặc bán ra với giá trị vô cùng thấp; doanh thu không đủ chi phí đầu tư, nhất là những tỉnh trồng quế nhiều từ Yên Bái đến Quảng Ninh. Nguyên do các giống quế này cho thấy không thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới Việt Nam, nên sản phẩm quế vỏ không đủ phẩm cấp, chất lượng, không được thị trường thế giới chấp nhận như cùng sản phẩm đã trồng ở các nước khác. 
Ông lại lần dò đến Trà Mi, Trà Bồng (Quảng Nam) tìm cây quế lâu đời của Việt Nam có tên quốc tế là Cinamomum obtusifolium B. Tại đây, những cơn hỏa hoạn đã thiêu cháy hàng chục ha; bên cạnh đó, bệnh “tua mực”liên tục hoành hành trên thân cây, khiến cho diện tích đã ít, nay lại càng thu hẹp hơn. Ông quyết định lấy mẫu về phân tích thì quá bất ngờ khi “thông số”kết quả đã ngoài sự tưởng tượng ban đầu. Đó là hàm lượng tinh dầu cinamaldehyd trong cây quế Việt Nam chiếm đến 70%, đứng hàng đầu so với 3 giống quế đang trồng phổ biến trên thế giới. Mừng quá, Ông lại tiếp tục đưa giống quế Trà Bồng, Trà Mi về trồng trên đất “làm ăn”của mình tại Lâm Hà. Là người Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ này, ông sẽ thông qua báo cáo khoa học, đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT phát triển dự án 1triệu ha, bắt đầu từ năm đầu thiên niên kỷ mới; lấy tỉnh Quảng Nam làm điểm thực nghiệm mới để mở rộng ra những địa phương trong nước.
Đến giờ, ông cũng không thể diễn tả trở lại những sung sướng của mình lúc đó, dù sang thế kỷ mới, tuổi ông đã là 65. Những năm còn lại của đời mình, ông chuyên tâm khá nhiều công việc. Ở Lâm Đồng với tư cách pháp lý là Giám đốc công ty TNHH Đa Dâng (Lâm Hà). Ở TPHCM, ông dạy chuyên ngành hóa-sinh (Đại học khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia TPHCM), hệ cao học trở lên. 
Trong nước, ông làm Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến ca-cao Việt Nam. Còn với quốc tế, ông làm đại diện tổ chức quốc tế cộng đồng phát triển của Nhật tại Việt Nam trên các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục; dạy nghề; phát triển lâm nghiệp…Vâng, tất cả những công việc ấy khởi nguồn từ trí tuệ và tấm lòng của một con người-Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Qui. Vậy xin giới thiệu đôi nét về ông như thế, có lẽ bạn đọc chắc sẽ hết thắc mắc vì sao tôi hẹn năm lần bảy lượt mới gặp được ông./.

Lâm Hà- Đà Lạt Tháng 02/2001