Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

“Cây kéo vàng” Hà Thành

VĂN VIỆT
Được xuống phố trong những ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi tình cờ làm quen với “cây kéo vàng” Phạm Duy Hào. Qua chuyện trò được hiểu thêm về một nghề hớt tóc truyền thống của gia đình anh Hào đã điểm thêm một nét văn hóa của đất Hà Thành hào hoa. 

Mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, “cây kéo vàng” Phạm Duy Hào đã bước sang cuối tuổi năm mươi hai. Tiệm hớt tóc của anh mở tại nhà riêng (số 52, phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội) hiện chỉ năm người gồm cả thợ chủ và thợ thuê nhưng chứa đựng trong đó cả trăm năm chuyện nghề hớt tóc. “Mới mười bốn, mười lăm tuổi, ngoài giờ cắp sách đến trường là tôi đã cầm được kéo cắt tóc làm đẹp cho khách hàng. Có lẽ cái năng khiếu bẩm sinh tôi được thừa hưởng từ đời ông nội tôi rồi đến đời cha tôi truyền lại….”- Anh Hào vào chuyện. 
Mới hay ông Phạm Duy Hiền là ông nội của Hào nổi tiếng với tay nghề hớt tóc thời Pháp thuộc ở phố Hàng Quạt, Hà Nội. Và cơ duyên trong một ngày vi hành, vua Bảo Đại đã chú ý đến tay kéo của ông Hiền rồi đưa ông về kinh đô Huế để làm thợ cắt tóc riêng cho mình. Đến thời cha của Hào là ông Phạm Duy Đảng lúc hai mươi tuổi đã có tiệm hớt tóc khá đông khách hàng ngày ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Sau năm 1954, ông Đảng là Chủ nhiệm Hợp tác xã hớt tóc Đồng Tiến ở phố này. Phần Hào sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học được Sở Quản lý ăn uống và phục vụ Hà Nội tiếp nhận vào đào tạo nghề hớt tóc trong thời hạn sáu tháng. Tốt nghiệp nghề, Hào đạt thủ khoa với sản phẩm là một mái tóc cắt uốn bồng bềnh cho một người phụ nữ. Tay kéo của Hào bắt đầu truyền miệng cho sự chọn lựa của khách hàng từ cửa hàng hớt tóc ở phố Tràng Tiền rồi dần dần lan rộng ra trên ba mươi sáu phố phường Hà Nội. Lúc này tuổi của Hào chỉ mới mười chín, đôi mươi.
Đang lúc tuổi trẻ với ước mơ cống hiến và trưởng thành, Hào đã xung phong vào vùng đất mới Lâm Đồng để khai hoang vỡ đất  vào những năm 1980, nhưng vẫn không quên mang theo cây kéo trong một ngăn nhỏ chiếc ba lô của mình. Anh nhớ lại : “Tôi được tín nhiệm bầu làm Bí thư một chi đoàn của Tổng Đội Thanh niên xung phong Hà Nội, đóng quân tại vùng Lán Tranh của Lâm Đồng. Hàng tuần sau những giờ hăng say lao động ở rừng núi thâm u là giờ nghỉ ngơi cho tôi được lấy kéo ra hớt tóc cho đồng đội để đỡ bớt nhớ nghề…” 
Hoàn thành nghĩa vụ thanh niên xung phong, Hào trở về Hà Nội tiếp tục hành nghề hớt tóc ở một cửa hàng quốc doanh. Song chỉ một vài năm sau đó, anh Hào được đưa sang Liên Xô theo diện lao động hợp tác. Những ngày đi dạo chợ đầu tiên ở nước bạn Liên Xô là anh Hào tìm mua ngay một cây kéo. Khá nhiều du học sinh, sinh viên và lao động hợp tác của Việt Nam được anh Hào chăm sóc tóc vào các giờ nghỉ mà không lấy tiền. Sau đó, anh Hào được một cửa tiệm hớt tóc ở gần nơi ở của nườc bạn nhận vào làm công ngoài giờ hành chính. Hàng ngày hớt xong một đầu tóc, Hào nhận thù lao từ 5 rúp đến 7 rúp, mua được một chiếc bàn là Liên Xô lúc đó.
Cuối năm 1989 đầu năm 1990, về lại Hà Nội trong lúc các cửa hàng hớt tóc của quốc doanh đã lần lượt giải thể theo cơ chế thị trường, anh Hào ra phố Quang Trung hành nghề trong một khu chợ hớt tóc với hơn 50 tay kéo của làng nghề Kim Liên. Khu chợ hớt tóc ngày một nhộn nhịp và khá độc đáo của Hà Nội nên các hãng truyền thông lớn của nước ngoài đã không bỏ lỡ việc đưa tin, đưa hình ảnh ra thế giới. Trong đó hình ảnh người thợ Phạm Duy Hào thường in đậm nét giữa những trang tin. Từ đây một chương trình khôi phục làng nghề hớt tóc Kim Liên được chính quyền địa phương phường, quận xúc tiến triển khai mạnh mẽ hơn. 
Những tay kéo từ phố Quang Trung được trở về lại làng Kim Liên hành nghề ngay trong căn nhà của mình. Hàng năm, chính quyền phường đứng ra tổ chức cuộc thi “cây kéo vàng” để khích lệ sự phát triển của nghề hớt tóc. Chỉ tính riêng trong 3 năm liền là năm 2005, 2006 và 2007,  Phạm Duy Hào liên tục đoạt giải “Cây kéo vàng” của làng hớt tóc Kim Liên. Mấy năm gần đây, anh Hào không làm thí sinh nữa mà được mời vào ghế giám khảo cuộc thi. Trong dịp mừng Đại lễ, làng hớt tóc Kim Liên tổ chức một ngày hội biểu diễn nghề hớt tóc. Lễ hội được vinh dự đón lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo thành phố Hà Nội xuống tham dự và động viên khen ngợi nghề hớt tóc truyền thống của làng. “Trong buổi lễ trọng này, một lần nữa tôi được vinh danh là “cây kéo vàng” của làng nghề Kim Liên trên đất Hà Thành. Tôi thật hạnh phúc khi được chọn một nghề hớt tóc truyền thống của gia đình và của làng hết sức cao quý này…”- Phạm Duy Hào tâm sự./.  

Hà Nội- Đà Lạt Tháng 10.2010