Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Làng tạm trú

Phóng sự VĂN VIỆT
26 gia đình với chừng 130 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho đang tạm trú ở một làng thiếu điện, đường, trường, trạm và nước sạch. Làng chưa có tên, nằm giữa rừng núi âm u, thuộc hai địa phận xã Xuân Thọ ( Đà Lạt) và xã Đạ Sar ( Lạc Dương).

MỘT CHỐN ĐÔI QUÊ
Trưa nay già làng Liêng Hót Ha Krang ở lại dưới nương xa đến chạng vạng chiều mới về nhà. Già cơm đùm cơm vắt mang theo. Cũng đã gần hai chục năm, già vác xà gạc vào đây vung sức phát cỏ, khoanh nuôi khoảng 2 mẫu đất trồng bắp, đậu, cà phê tươi tốt quanh năm. Năm ngoái trên 5.000 cây cà phê catimor của già thu hoạch non non cả tấn nhân. Nhìn lại hơn mười năm- từ khi vườn rẫy ổn định, già làng Ha Krang dựng nhà gỗ, lợp mái tôn rồi cùng vợ và 6 người con tạm trú luôn. Nơi cư ngụ chính của già ở khu vực trung tâm xã Đạ Sar ( Lạc Dương), hộ khẩu, nhà cửa đình huỳnh lắm, nhưng già chỉ đi đi về về.
Làng tạm trú suy tôn Ha Krang là già làng thứ ba. Hai già làng trước đây đã qua đời, kịp tạo dựng những vạt nương màu mỡ cho con cháu. Sơn nữ Lơ Mu Ka Hoa, 20 tuổi, con của cố già làng Ha Tang khoe: “ Em mới về cưới chồng, được mẹ cho 2 sào cà phê catimo, sang năm là mùa thu hoạch, bán có tiền giữ riêng rồi…” Chồng Ka Hoa là Liêng Hót Ha Lương, 26 tuổi, một trai làng chịu khó, lao động giỏi. Trước tết vừa qua, Ha Lương cùng gia đình ba mẹ thu hái hơn 2 tấn cà phê nhân.
Nhớ những ngày đầu xâm canh, anh Liêng Hót Ha Ming, 44 tuổi kể: Cuối năm 1989, Ha Ming từ Đạ Sar vô làng phát dọn từng bụi cây tạp, từng lùm cỏ tranh để đào luống tỉa bắp, đậu. Năm, bảy mùa rẫy cực nhọc đi qua, khi cái bụng đủ no là nghĩ đến cái để dành. Thế là đất rừng được đào lên thành hố, đặt cây con cà phê xuống. Đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng trên 8 sào cà phê, năm rồi Ha Ming thu hơn 1,5 tấn nhân. Thương lái lội rừng vô mua tại vườn, Ha Ming bán được 22 ngàn đồng mỗi ký.
Phấn khởi, Ha Ming đang ươm khảong 1.500 cây giống cà phê mới, chờ mùa mưa rộ vào tháng bảy đến tháng tám tới lại mở rộng thêm 1,5 sào cà phê nữa. Cây cà phê đang mở ra nhiều hy vọng cho Ha Ming, cho cà làng tạm trú. Nhưng cảnh một chốn hai quê của người làng thật gian nan. Con em đang đi học thì ở lại làng chính Đạ Sar, tự chăm lo bản thân. Thường mỗi tuần người lớn chỉ về thứ bảy để sáng chủ nhật đi lễ nhà thờ, sẵn hỏi han con cái qua loa. Mờ sáng thứ Hai phải trở vào nương rẫy. Ha Ming nói: “Về làng chính phải đi bộ luồn rừng. Đường về xuống dốc mất chừng 3 tiếng đồng hồ. Đường vô leo dốc mất đến 5 tiếng đồng hồ… ”    
VỀ HAY Ở?
Ở dưới vực sâu hun hút của làng tạm trú, người dân tự đào mấy chiếc ao lấy nước tưới rau màu, tiện thể dùng làm…nước ăn. Nhà K’Long Ha Ba ( 22 tuỏi) cùng vợ và 2 con nhỏ sử dụng một ngày hết 50 lít nước ao. Ha Ba dùng xe máy cài số mạnh lên xuống núi múc nước chứa trong hai chiếc can nhựa dính đầy bụi đất. Người không xe máy thì mang vác gùi, gánh…nước về. Không một ai dùng một cách lắng lọc thủ công nào. Cứ đổ nước tự nhiên vào ấm, nồi…và bắc lên bếp củi đun sôi rồi sử dụng. Hỏi sao không lợp nhà mái tôn, lắp đặt máng xối để trữ nước mưa sử dụng thì họ bảo mất công, tốn tiền. Và hỏi về nỗi lo bệnh tật, họ đều trả lời rất hồn nhiên: “Đồng bào quen rồi. Có thấy đau ốm gì đâu?!”  
Còn đây là sự hồn nhiên ( rất rất hồn nhiên) của một thiếu phụ 19 tuổi, tên là Bon Đơn A Rớt. Đang mang thai đứa con đầu lòng khá nặng nề, A Rớt nói sẽ lên Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng nằm sinh, xong rồi đưa con về làng tạm trú nuôi luôn. Ở làng tạm trú có y, bác sĩ nào đâu mà theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nhưng xem ra A Rớt vẫn không một chút lo âu gì. Thay câu trả lời, A Rớt chỉ tay về phía lưng đồi nói : “Ha Sen và vợ vừa dẫn vô làng 5 đứa con nhỏ, dựng nhà vách nứa, lợp mái tranh lên ở. Cả hai vợ chồng làm thuê vườn rẫy cũng kiếm được bốn mươi, năm mươi ngàn đồng mỗi ngày…” Rồi mời tôi vào nhà trong, A Rớt cho thấy một gian phòng chất lớp lớp bao cà phê nhân, cạnh đó là 3 chiếc xe máy dành riêng 3 việc khác nhau: chở nước ăn, chở phân bón, chở cà phê và…chạy lên Đà Lạt chơi.
GIẢI TỎA HAY KHÔNG?
Làng tạm trú đang đặt ra những băn khoăn của các cơ quan nhà nước tỉnh Lâm Đồng. Nếu quy hoạch, thành lập một làng mới cần có một khoản kinh phí khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, dân sinh…Trong khi nương rẫy của bà con đều thuộc diện lấn chiếm đất rừng, đâu thể cấp sổ đỏ sử dụng lâu dài được. Ngược lại nếu động viên, thuyết phục đồng bào về sống ổn định ở làng chính Đạ Sar thì đặt ra hàng loạt vấn đề giải tỏa, đền bù, bố trí thêm đất tái định cư, thay đổi thói quen sống giữa rừng hoang dã…Giải pháp thứ hai em ra khả thi hơn, nhưng có lẽ đang chờ điều kiện, thời điểm để triển khai, thực hiện. Giải pháp tình thế bây giờ vẫn tăng cường công tác quản lý an ninh trật tự và tích cực hơn nữa về công tác nhân đạo, từ thiện. Bởi vậy nỗi lo về sức khỏe cộng đồng, nhu cầu đời sống tinh thần nơi làng tạm trú này vẫn cứ thường trực mỗi ngày…
Đà Lạt tháng 3/2007