VĂN VIỆT
Rời bục giảng dạy hóa- sinh cấp trung học cơ sở ở tỉnh Kon Tum, thầy giáo Hùynh Trung Quân (sinh năm 1975) rong ruổi khắp nơi với “nghề trồng trọt” rồi “đậu” lại vùng đất lành Bắc Hội ( xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) của Lâm Đồng để xây dựng cơ nghiệp bạc tỷ bắt đầu từ những luống mâm xôi….
Vì hoàn cảnh riêng, thầy giáo trẻ Huỳnh
Trung Quân phải từ giã phấn trắng bảng đen nơi học đường sau mới hai năm đứng lớp.
Quân bồi hồi nhớ lại: “Lúc hết dạy học, tôi mới 25 tuổi.
TỪ HỌC ĐƯỜNG ĐẾN “HỌC VƯỜN”
Với hành trang gồm các
công thức hóa – sinh trong trang giáo án, tôi hướng sang đất Lâm Đồng tìm việc
làm trên những vườn cây nông nghiệp để được sử dụng kiến thức của mình. Từ làm
thuê “học vườn” của những hộ gia đình sản xuất nhỏ, đến năm, bảy năm sau, tôi
được “nâng bước” lên làm công nhân rồi được tin dùng giao trách nhiệm quản đốc trồng
trọt ở các nông trại lớn thuộc các doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài. Từ đây
“duyên nợ” của tôi gần như khó rời xa với từng luống mâm xôi cho đến bây giờ…. ”
Quân không quên những ngày tháng cực nhọc nhưng đầy trải nghiệm công việc trồng trọt, đã làm “sáng rõ” lên trong kiến thức “màu xám” tích lũy bao năm ở giảng đường sư phạm và ở việc nghiên cứu giảng dạy cho học sinh. Đặc biệt khi quản lý nông trại với trên dưới 150 công nhân trồng mâm xôi hơn 10 ha tại các xã Đạ Ròn, Tu Tra thuộc huyện Đơn Dương, Quân mới “vỡ òa” rằng, đây là loài cây hoang dại trong rừng có thể mang đến giàu có, sung túc cho bất kỳ hộ nông dân nào khi nắm bắt được đầy đủ kỹ thuật “thuần hóa” trở thành cây trong vườn nhà. Năm 2008, Quân bất ngờ mất việc trong doanh nghiệp nước ngoài giải thể sau một số bất đồng từ nội bộ ban quản trị. Cánh đồng mâm xôi của Quân điều hành theo đó bỏ mặc cho nắng mưa giữa trời, nhưng Quân đã biến sự cố này thành cơ hội đưa giống mâm xôi (đã được các kỹ sư châu Âu “thuần hóa”) về khu vườn nhà của mình để chủ động thời gian chăm sóc, thực hành ước mơ mở rộng trang trại về sau…
“GIẢI MÔ PHIẾN LÁ HÌNH
CHÂN VẠC
Huỳnh Trung Quân kể rằng, những cây giống
mâm xôi “bỏ rơi’ nói trên được Quân đưa về hồi sinh trồng đầu tiên trên 2.000m2
vườn nhà của mình vào năm 2008 tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. “
Lúc này nhìn lại đã gần 10 năm, từ vị trí người công nhân làm đất, bón phân,
bán mặt cho đất, bán lưng cho trời gần như quên cả mệt nhọc, quên cả ngày cả
đêm, đến khi được các chủ doanh nghiệp châu Âu “cất nhắc” chuyển sang công việc
thủ kho vật tư rồi làm quản lý nông trại mâm xôi, tôi mới cảm nhận được “thông
điệp” của một loài cây dây leo, có phiến lá hình chân vạc, rất dễ nhân giống
nhưng lại rất khó chăm sóc để thu hoạch được năng suất, chất lượng trái cây đạt
giá trị kinh tế cao, mang lợi thế so sánh của vùng đất Bắc Hội của Đức Trọng,
Lâm Đồng…”-Quân nhớ lại.
Năm đầu trồng phúc bồn tử trên 2.000m2 vườn nhà, trong đó chỉ có 200- 300m2 nhà kính, còn chủ yếu diện tích trồng ngoài trời vì thiếu vốn, Quân chỉ đạt tỷ lệ cây sống từ 30-40%. Phần lớn tỷ lệ cây phúc bồn tử chết là do trồng ngoài trời, không “đề kháng” được những diễn biến bất lợi về thời tiết mưa, nắng thất thường…Kể cả những luống cây phúc bồn tử đưa về trồng trong nhà kính, vì thiếu vốn đầu tư nên khi dựng lên vẫn chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về mái lợp che, khung vách chắn…kết cuộc trồng và chăm sóc đến hơn 6 tháng sau mới thu hoạch đầu mùa, cộng hết sản lượng cả năm bấy giờ mới đạt 500- 600kg trái/1.000m2, chỉ bằng sản lượng thu khoảng 2 tháng trên cùng diện tích hiện nay…
“Nhưng tôi vẫn kiên trì theo đuổi tiếp những vụ mùa sau, bởi bù lại
những thất lại mùa đầu, tôi có những hiệu quả đạt cao nhất lúc này là “hiệu quả
vô hình”, là đã “giải mã” được đặc tính sinh thái của loài mâm xôi có lá phiến
lá hình chân vạc trồng ở vườn nhà, để thời gian sau được bổ sung, hoàn chỉnh những
công thức về làm đất tạo luống, xuống giống cây con, bón phân, tỉa cành, phun
thuốc, tưới nước…đạt kết quả sinh trưởng tốt nhất trong cả quá trình chăm sóc,
thu hoạch trái hàng ngày trong nhà kính….”-Quân kể tiếp.
ĐỘT BIẾN MÂM XÔI
Những năm tiếp theo, triển khai thành
công các công thức mới trồng mâm xôi tại vườn nhà của mình ở thôn Bắc Hội, xã
Hiệp Thạnh, Đức Trọng nói trên, Quân tiết kiệm các nguồn vốn thu nhập tự có và
huy động thêm từ các nguồn khác bên ngoài ( chấp nhận lãi suất cao), đã mở rộng
dần diện tích trồng mâm xôi trong nhà kính đến nay thành 13.500m2. Thực tế vào đầu
hè năm 2013, thời tiết đã nóng lên, nhưng vườn cây mâm xôi trong nhà kính này của
đã chủ động được nhiệt độ “tương thích” từ bên trong, thu hái trái đều đặn mỗi
ngày trên dưới 100kg/ha, bán hết nhanh tại vườn giá từ 240- 270 ngàn đồng/kg.
“Đây là giá bán của hộ gia đình chúng
tôi xây dựng trên các cơ sở từ các nguồn vốn đầu tư, khấu hao tài sản, công lao
động, hàm lượng kỹ thuật, công thức mới, nguồn giống tự tạo mới…cùng cấu thành với
nhu cầu sức mua của thị trường… ”-Quân nói. Theo đó, thị trường trái cây mâm
xôi các siêu thị lớn ở 3 miền Bắc- Trung- Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ
Chí Mình gần như đang duy nhất mang nhãn hiệu “Huỳnh Trung Quân”, nhãn hiệu được
Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký vào
ngày 24/01/2011 với hiệu lực đến hết 10 năm sau. Và ngày 17/11/2011, Sở Y tế Lâm
Đồng đã cấp Giấy Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm phúc bồn tử (mâm xôi) của Cơ sở
Huỳnh Trung Quân “phù hợp với các quy định hiện hành về chất lượng, vệ sinh, an
toàn thực phẩm” ( có giá trị đến ngày 11/7/2014)…
Với giá thị trường mâm xôi bán ra vào
cuối tháng 5/2013 là 240- 270 ngàn đồng/kg, trừ hết chi phí đầu vào ( kể cả khấu
hao tài sản), ước tính Quân đạt lãi tăng đột biến lên từ 1 -1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Quân thu hút từ 10- 15 lao động địa phương vào sản xuất phúc bồn tử, thu nhập mỗi
người từ 130- 150 ngàn đồng/ngày.
NHÂN RỘNG MÂM XÔI ĐẦU DÒNG
Vẫn không thôi nghiên cứu hàng ngày
trên vườn của mình, Quân đã tạo ra nhiều giống mâm xôi đột biến mới với thân và
nhánh lá hoàn toàn không có lông và gai xù xì. Điều này, tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng hãy tích cực cùng với
nông dân trẻ Huỳnh Trung Quân ( sinh năm 1975) để nhân rộng các giống mâm xôi đầu
dòng mới này cho vùng rau Đà Lạt và các vùng phụ cận trong thời gian trước mắt
cũng như lâu dài...
Hiện Quân đã cung cấp giống và chuyển
giao kỹ thuật trồng cây mâm xôi cho 4 hộ nông dân ở xã Hiệp Thạnh và xã Tân Hội
của huyện Đức Trọng, hộ trồng thấp nhất là 2.000m2, hộ trồng nhiều nhất là
5.000m2, cả hai đều đã thu hoạch hàng ngày trên 10 kg trái/1.000m2. Toàn bộ sản
phẩm trái mâm xôi thu hoạch của 4 hộ nông dân liên kết, Quân trực tiếp thu mua
toàn bộ. Mới đây, Quân tiếp tục vay vốn bên ngoài hơn 2 tỷ đồng, đang xây dựng
nhà kính trồng mới 6.200m2 mâm xôi (phúc bồ tử )mới, cũng tọa lạc tại thôn Bắc
Hội, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng.
Theo ông Phan Xuân Tịnh, Chủ tịch xã
Hiệp Thạnh, Đức Trọng, cây mâm xôi (phúc bồn tử) do anh Huỳnh Trung Quân, người
đầu tiên đưa về hoàn thiện quy trình sản xuất đạt thu nhập cao, mở ra khả năng
đột phá làm giàu phổ biến khi được chuyển giao đến với người nông dân địa
phương. Về phần Quân đang rất mong muốn xây dựng một nhà máy chế biến trái cây mâm
xôi tại vườn nhà của mình, bởi yêu cầu đặt hàng của thị trường ngày một mở rộng,
nên rất cần được nhà nước giải quyết ưu đãi những nguồn vốn vay phát triển nông
nghiệp công nghệ cao, giảm chi phí đầu tư và tăng thêm việc làm và thu nhập cho
lao động địa phương./.
Đức Trọng- Đà Lạt Tháng 5/2013