Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Làm báo với hành trang quê hương

VĂN VIỆT
Vậy là thiên niên kỷ cũ đã hết và cũng là 17 năm trời, tôi  làm người Bình Định xa xứ. Ngày rời khỏi quê hương với sức vóc và nhiệt huyết ở tuổi mười chín, vừa “gác bút nghiêng”ở môi trường phổ thông, tôi hứa với má tôi rằng, dù ở nơi đâu, làm việc gì, tôi luôn là con của má. Má bịn rịn nắm tay tôi tiễn đưa và chỉ có cầu mong duy nhất cho tôi được chân cứng đá mềm. Thời gian dần trôi, tôi thấy mình như lớn lên từng ngày trong lời dặn dò của má. Mỗi độ tết đến, xuân về, nhớ về má, tôi váng vất lặng người đi khi nhận ra bóng dáng quê hương mình…
Thuở nhỏ, tôi là thằng nhóc con thích di chuyển, hiếu động nhưng lại dễ yếu đuối, nhiều xúc cảm. Bom đạn bùng phát cày xới trên đồng lúa An Nhơn quê tôi, má tôi phải dành nhiều nỗi lo nhất về tôi trong năm anh em trong nhà. Nhiều lần sơ tán dài ngày mà chiến dịch chưa ngớt, nhớ nhà quá, tôi trốn má chạy băng băng giữa cánh đồng hun hút trong làn bom rơi đạn lạc để bước chân đến làng, sụt sùi trước ngôi nhà mình, trước xóm thôn đổ nát; rồi lại vụt chạy đi. Không riêng gì má tôi mà cả làng nhiều phen thót tim lo lắng vì tôi như thế. Lúc ấy, tôi chưa kịp hiểu chiến tranh là gì...
Làng tôi có một dòng sông chảy vắt ngang thích lắm. Không riêng gì những tháng hè mà mỗi tháng có trăng sáng nào cũng vậy, tôi cùng lũ con nít làng thường tắm thật lâu, rồi phơi mình chơi đùa trên bãi cát cho tới khi trăng lặng sau lũy tre xa lắc mới chịu về. Dòng sông làng tôi không có tên riêng, chỉ gắn liền với tên của xóm – Dòng sông Thái Thạnh. Má tôi kể, đó là chi nhánh của dòng sông Kôn, dòng sông bắt nguồn từ làng “ông”Quang Trung ở thượng nguồn. Lúc ấy nghe nhiều giai thoại về “ông” Quang Trung, tôi mê lắm với một lẽ rất hồn nhiên vì “ông” rất giỏi binh pháp, võ nghệ lại cao cường. 
Đêm trăng còn là đêm luyện võ từ  xóm trên đến xóm dưới. Luyện võ ở làng tôi thời ấy khá đặc biệt. Người có “đẳng cấp” cao dạy lại người đẳng cấp thấp; người có “đẳng cấp” thấp chỉ dẫn lại cho người chưa biết gì về quyền thảo. Không có một võ sư nào đứng ra mở lò võ dạy thu tiền, nhưng cả làng từ trẻ đến già, hầu như  ít nhiều, ai cũng biết võ. Với lũ đầu trần chân đất chúng tôi, sau mỗi buổi tập thường ùa nhau chạy lên sông làng đắm mình cho thỏa thích. 
 Hồi học phổ thông, tôi rất mê văn chương; đến lớp 8 đã là học sinh giỏi văn của trường huyện An Nhơn. Đến lớp 12, tôi là cán sự văn của lớp. Ở cấp 2, tôi có thầy Xuân; Cấp 3, tôi có thầy Hoàng; Đặc biệt cô Thúy dạy văn là người chủ nhiệm lớp 12 đã giúp tôi rất nhiều hiểu biết về quê hương đất võ Bình Định; về những nhà thơ, nhà văn “ngang dọc”  một thời; sống mãi những tác phẩm trong lòng công chúng. Tôi chọn vào ngành Sư phạm văn, nhưng vẫn vui lòng tạm “ đóng khung” lại giấy báo nhập học để lên đường làm anh bộ đội…Rồi chính tôi cũng đâu ngờ từ đó tôi làm người Bình Định ly hương đi mãi chưa về…

Tấm giấy báo học ngành sư phạm của tôi chỉ còn là một “báu vật” kỷ niệm ngày cất bước vào đời. Rời quân ngũ, tôi được chuyển lên Đà Lạt, Lâm Đồng để từ đó tôi lại đi đào tạo một hướng khác để thành một nhà báo rong ruổi trên đất lạ, xứ người. Trong hành trang quê hương mang theo trong nghề báo, tôi thấy mình có lỗi nhiều ở nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi mê mãi, đắm mình trong dòng chảy của cuộc sống, khi ngoảnh lại ngày xưa chợt thấy bóng dáng mình chơi vơi ở miền dĩ vãng ắp đầy ký ức. 
Nhiều lần hội thảo báo chí miền Trung – Tây Nguyên, tôi thường được “Đoàn khách” Bình Định mời thưởng thức đặt sản Bầu Đá, lòng thắt lại. Làm sao tôi có thể hồn nhiên được như một thời cắp sách đến trường ở quê ?Làm sao tôi có thể thốt nên lời để mọi đồng nghiệp kịp nhận ra, đó là hương vị của một miền quê đã sinh thành, dưỡng dục ra tôi? Những ngày như thế, tôi biết nói gì hơn khi lòng mình thổn thức…
Người Bình Định định cư ở Lâm Đồng khá nhiều, trong đó người theo nghề báo chuyên nghiệp cũng trên cả chục. Ở đây không thành lập Hội đồng hương; chỉ có bằng việc làm cụ thể từng người để tự bảo nhau cố gắng trưởng thành vươn lên. Không chỉ làm báo của địa phương mà còn làm báo đại diện khu vực ở Lâm Đồng - Tây Nguyên. 
Trên 135 xã, phường của tỉnh Lâm Đồng và khắp các miền đất thân yêu của Tổ Quốc, những người làm báo Lâm Đồng, trong đó có “dân” Bình Định chúng tôi luôn có mặt nhập cuộc cùng với hơi thở cuộc sống.  Rất nhiều giải báo chí cao trong tỉnh Lâm Đồng, trong nước mà những Nhà báo Bình Định chúng tôi có được tại Lâm Đồng là nguồn động viên chung cho những con cháu Quang Trung theo đuổi nghiệp báo xa quê. 
Phần tôi, kết thúc thiên niên kỷ cũ, năm nay, tôi lại đạt giải báo chí cao nhất tại Lâm Đồng – xin báo công quê hương -  xin quê hương ; xin má tôi hiểu dùm tôi, con của má luôn giữ trọn lời hứa với má; với quê hương Bình Định. 
Má ơi, Quê hương ơi!  Con luôn mang nặng trĩu trên vai với những hành trang thuở thiếu thời để tiếp bước trên một con đường đi mãi... Tết này con vẫn là một nhà báo ly hương…./.
Đà Lạt tháng 12/2000