VĂN
VIỆT
Nép
mình vào cuối con dốc Trương Công Định, quán Art Đà Lạt trở thành một điểm hẹn
thân thiện của lữ khách vào chiều tối mỗi ngày. Gần hai năm qua, chủ quán đã
“níu chân” khách qua những bức tranh vẽ bằng…đầu ngón tay.
Người
đàn ông tài hoa đó là Võ Trịnh Biện. Những năm học phổ thông, Biện từng là một
cây cọ khá nổi trội về thiết kế báo tường, cắm trại hội hè, sinh nhật cho bạn…Rồi
những ngã rẽ gập ghềnh khi vào đời khiến cho những cảm hứng của Biện mải ngủ
vùi đâu đó trong vùng tiềm thức. Lên Đà Lạt, Biện sống bằng nghề dạy kèm tiếng
Anh. Và tại đây, Biện chợt phát hiện ra khả năng hội họa tiềm ẩn dưới những
ngón tay của mình. “Mỗi đêm lên lớp, theo thói quen mình hay dùng năm đầu ngón
tay xóa bảng qua loa rồi lấy phấn viết lên những từ vựng mới. Bỗng nhiên mắt
mình bắt gặp những đường vân tay mềm mại, sống động đến lạ kỳ…”- Biện nhớ lại.
Sau
giờ dạy lịch sử đó, Biện mua một lọ mực Tàu, một cuộn giấy carton trắng đế thực
hành. Biện lấy ngón tay làm cọ vẽ nên từng đốt mực đậm nhạt cho đến khi hoàn chỉnh
bức tranh khóm trúc trên bờ sông, ẩn hiện xa xa là hai ngọn núi nhấp nhô. Ngắm
đứa con đầu lòng tròn trịa, Biện sung sướng vô cùng. Sau đó, những bức tranh
tre – trúc - mai vẽ bằng đầu ngón tay liên tiếp ra đời, được đóng vào khung
kính, mang ra quán Art của Biện để trưng bày. Lữ khách gần xa vào quán của Biện
bắt gặp những bức tranh này đều không giấu được vẻ ngạc nhiên khi chúng được vẽ
bằng đầu ngón tay mà tác giả chính là chàng chủ quán lãng tử. Thế là những bức
ký họa tại chỗ của Biện đã “níu chân” du khách gần xa, đặc biệt là du khách nước
ngoài đều đặn đến đây vào mỗi chiều hàng ngày.
Anh
Erivo, người Đan Mạch đã đến Đà Lạt hơn bốn tháng qua, tuần nào cũng phải ghé
quán Art đôi ba lần để ngắm tranh của Biện. Erivo cho biết anh đã đi nhiều nước,
nhiều vùng miền trên thế giới, nhưng lần đầu tiên mới được nhìn thấy người ta vẽ
tranh bằng đầu ngón tay thành thạo, tạo ra những bức tranh đẹp, bố cục có chiều
sâu đến như vậy…
Trên
tầng bốn của Khách sạn Nam Việt (bên cạnh quán Art), Biện mở một gallery nho nhỏ,
trưng bày hàng chục bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, thư pháp, chân dung…
Những giờ
quán Art vắng khách, Biện quỳ gối xuống nền nhà để vẽ. Những bức tranh độc đáo
nối tiếp nhau ra đời, cuốn hút trí tò mò của du khách. Có lẽ vì thế mà cô gái
Nhật, Saito Atsuko 28 tuổi, đã nài nỉ đến đây xin được học vẽ. Atsuko tâm sự: “
Học vẽ bằng đầu ngón tay khó lắm, nhưng cũng thích lắm”. Cô cho biết còn hơn ba
năm rưỡi nữa mới hết thời gian công tác ở Đà Lạt, cô phải cố gắng học vẽ cho
thành công.
Cách
đây hai năm, tranh của Biện đã được gửi sang Anh Quốc, Hồng Kông…Hiện anh đang
chuẩn bị để cuối năm nay tổ chức triển lãm tranh tại Đà Lạt. Hy vọng sau cuộc
triển lãm này, tranh của Biện sẽ được biết đến nhiều hơn, trở thành một sản phẩm
du lịch đặc sắc, góp phần “níu chân” du khách đến lưu trú Đà Lạt dài ngày hơn…
Đà Lạt tháng 9/2006