Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Đồng xanh thu mùa vàng

Phóng sự VĂN VIỆT
Từ huyện lỵ Đơn Dương về hướng đông hơn 5km là bước vào cánh đồng rau xanh ngút ngàn của xã Lạc Lâm trực thuộc. Cánh đồng so với mặt biển có độ cao trên dưới 1.000m, trải rộng theo lòng chảo bao bọc dòng sông Đa Nhim, tựa lưng vào dãy núi Trạm Hành, Đà Lạt, ngày ngày đón nhận những luồng nước, luồng gió mát lành để cà chua, cải bắp, hành tây, cải thảo, xà lách, tần ô, ớt ngọt…quanh năm thu mùa vàng cho người chăm trồng.

Thanh niên Lưu Vũ Trường Duy, cán bộ khuyến nông xã Lạc Lâm của huyện Đơn Dương khá sôi nổi với chúng tôi về “nghề rau” của gia đình mình ở thôn Tân Lập. Sau hơn 6 năm làm khuyến nông xã Lạc Lâm gíup Duy được tập huấn những kỹ thuật sản xuất từ trên huyện, trên tỉnh về phổ biến cho nông dân; rồi cũng từ người nông dân giúp Duy những kinh nghiệm thực tiễn hơn. Đặc biệt trong 3 năm qua, khi chương trình xây dựng nông thôn mới về từng ngõ xóm, gia đình, “nghề rau” càng được khích lệ chuyên sâu. “Hai tháng qua, trên 4.000m2 trồng ớt sừng, ớt chỉ thiên ngoài trời, mỗi sáng em kéo dây tưới nước chừng nửa tiếng đồng hồ xong 1.000m2; còn lại 3.000m2 có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Cứ 10 ngày thu khoảng 300kg ớt sừng, bán được 4,5 triệu đồng và khoảng 150kg ớt chỉ thiên, bán gần 3 triệu đồng. Từ trồng rau sang trồng ớt từ đầu năm 2013 đến nay, tăng thêm lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/1.000m2/tháng…”- Duy nói.
Duy dẫn chúng tôi theo từng cung đường bê tông giữa những cánh đồng rau “thường xanh”của xã Lạc Lâm. Đến thôn Lạc Lâm Làng, gặp anh Lê Tự Hoàng, một nông dân “6X” nhớ lại : “ Từ năm 2010, mỗi cuộc họp xóm, họp thôn, cán bộ địa phương động viên mỗi hộ gia đình cố gắng suy nghĩ, tìm giải pháp mới nâng cao thu nhập trên thửa rau của mình, cùng thiết thực xây dựng nông thôn mới cho xã, cho huyện. Gia đình tôi với 2ha đã tự “quy hoạch” từng “lô khoảnh” để đưa công nghệ mới về….” Theo đó công nghệ không chỉ do các cơ quan kỹ thuật nông nghiệp trong tỉnh hướng dẫn, mà còn được “chuyển giao” từ những hộ nông dân quen biết của anh Hoàng từ vùng rau Đà Lạt đến vùng rau Lạc Lâm. Giờ đứng trên bờ đường bê tông nhìn xuống đồng rau của mình, anh Hoàng tâm đắc: “ Trước mặt là khu vực 8.000m2 đã đầu tư công nghệ tưới phun các loại cây rau trồng luân canh như sú, cải..Bên này là 5.000m2 trồng cà chua, ớt cay được phủ bạt ni lông bên trên và lắp đặt hệ thống nước tưới ngầm bên dưới. Bên kia là 7.000m2 tưới tay chăm bón các giống rau ngắn ngày nhất ( trên dưới 30 ngày) như hành lá, tần ô xà lách…”
Mấy chục năm “nghề rau” cho anh Hoàng biết Lạc Lâm là vùng đất “dinh dưỡng nổi” trên bề mặt đất từ 30- 40 cm, rất thích hợp trồng rau xanh, nên phần lớn nông dân thường ngày trao đổi, bàn bạc ở đồng rau đa canh cho phù hợp từng thời điểm mới tránh được thị trường “dội chợ”. Nhờ vậy qua gần nửa năm 2013, trên mỗi lứa rau “gặt hái” ở thôn Lạc Lâm Làng đều “đón” thương nhân xe tải đến tận vườn cạnh tranh giá thu mua, ước mỗi héc ta thu lãi khoảng 30 – 40 triệu đồng/tháng. “Nhớ ngày xưa chỉ có cây mía chủ lực, nông dân làm sao dám mơ thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi héc ta rau mỗi tháng như bây giờ... ”- anh Hoàng tâm sự.
Đến cuối năm 2013 anh Hoàng sẽ xây mới các nhà kính trồng rau như nhiều hộ gia đình khác ở Lạc Lâm thu bạc tỷ đồng trên mỗi hec ta hàng năm. Theo lời anh Hoàng, khuyến nông viên Duy đưa chúng tôi về hướng Nam cũng theo đường bê tông đến cánh đồng Đông Hưng của Lạc Lâm rộng đến 65.000m2. Trời trưa nắng nóng bỗng dịu mát khi chúng tôi vào nhà lưới trồng ớt ngọt của nông dân Nguyễn Đức Cường, người sinh ra tại Lạc Lâm đúng vào năm đầu thế hệ “6X”. “Tôi trồng 2.000m2 ớt ngọt nhà kính, năm 2012 thu lãi hơn 280 triệu đồng. Đầu năm 2013 đến nay, mỗi tháng thu được khoảng 1.300kg, giá bán mỗi ký từ 15-20 ngàn đồng… ” -anh Cường tính nhanh. Mới hay, anh Cường là cán bộ Mặt trận xã, ngoài giờ hành chính về làm nông dân “kiêm tuyên truyền viên” vận động bà con sản xuất giỏi hơn để xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng gia đình văn hóa khu dân cư. Tháng 9 năm ngoái - 2012, anh Cường được bầu làm Tổ Phó Tổ Hợp tác nông nghiệp Đông Hưng với 12 tổ viên sản xuất trên 65.000m2, trong đó có 2.000m2 nhà kính ớt ngọt đi tiên phong của anh Cường.
Tổ Hợp tác của anh Cường là mô hình điểm trên cánh đồng lớn Lạc Lâm. Tất cả 12 tổ viên tự nguyện vào Tổ Hợp tác, người có diện tích ít nhất (3.000m2) và người có diện tích nhiều nhất (16.000m2) đều bình đẳng phân chia trồng từng cây rau để đảm bảo hợp đồng với các đối tác tiêu thụ “chốt giá” đầu vụ; tổ viên tự thu hoạch và nhận đủ tiền bán ra sản phẩm rau của mình. “ Cấp ủy, UBND xã Lạc Lâm đang chỉ đạo khuyến nông khảo sát, vận động thành lập thêm nhiều mô hình hợp tác liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau một cách ổn định, lâu dài…”-Duy cho biết.  
Nhìn “toàn cảnh” đến nay xã Lạc Lâm có 1.626 hộ ( với 8.560 nhân khẩu), trong đó chiếm 70% số hộ làm “nghề rau” với 4 vụ/năm đạt diện tích 1.080ha; riêng các diện tích sản xuất rau công nghệ cao gồm: nhà lưới 80ha, nhà kính 5,62ha, phủ bạt 300ha, tưới tự động, nhỏ giọt 45ha. Cây rau đã góp đáng kể vào thu nhập bình quân đầu người xã Lạc Lâm tăng lên mỗi năm: 17,6 triệu đồng năm 2010 tăng lên 23 triệu đồng năm 2011 và 30,4 triệu đồng năm 2012.
Bí thư Đảng bộ xã Lạc Lâm, ông Huỳnh Văn Quang phân tích: “ Lạc Lâm bắt đầu xây dựng nông thôn mới vào năm 2010 thì đến năm 2012 triển khai đồng loạt các giải pháp phát triển sản xuất nâng cao thu nhập người dân. Đảng bộ xã chỉ đạo chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện chương trình nông thôn mới đến tất cả 10/10 thôn, tuyên truyền, vận động qua các cuộc họp, tọa đàm đã khơi dậy vá phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực của người dân. 

Đến tháng 6/2013, Lạc Lâm hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới; 3 tiêu chí còn lại sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo quy hoạch, chọn mô hình điểm để xây dựng và nhân rộng, gắn sản xuất với tiêu thụ đã góp phần đưa nhiều tiêu chí nông thôn mới hoàn thành trước kế hoạch như thu nhập, quy hoạch, giao thông, thủy lợi, chợ, giảm nghèo…” 
 

Vậy là Lạc Lâm, xã đầu tiên của quê mới Đơn Dương đã cho chúng tôi đầy đặn những dữ liệu về mùa vàng nông thôn mới hôm nay và ngày mai…
Đơn Dương - Đà Lạt Tháng 5/201