Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Đi biển, nghĩ rừng

VĂN VIỆT

Cứ mỗi lần du ngoạn về phố biển Nha Trang tôi lại nghĩ về du lịch phố núi Đà Lạt. Mỗi lần là bất chợt hiện lên những điều trăn trở, và lần này là du lịch picnic biển, một loại hình đáng được tham khảo để phát triển thành mô hình du lịch chuyên đề dưới những tán rừng sinh thái xứ Nam Tây Nguyên.

Đi du lịch picnic được hiểu là du lịch sinh hoạt dã ngoại, tự phục vụ các  món ăn ngoài trời theo sở thích riêng. Rằm tháng giêng năm nay, một nhóm nhỏ hộ gia đình chúng tôi thuê bao chiếc xe trung khách, từ Đà Lạt đổ đèo xuống du lịch picnic Nha Trang. Giữa lỉnh kỉnh thực phẩm, đồ uống mang theo, chúng tôi chọn ưu tiên số một là rau tươi; kế tiếp là rượu vang, chát ĐàLạt; và cuối cùng là đồ ăn nguội được tuyển lựa thích hợp nhất cho khẩu vị riêng mình. 
Đã gọi là đi picnic mà ! Mang theo đồ ăn sẵn hay mang theo đồ tươi để chế biến là tùy ý thích của người đi. Tất nhiên nhóm hộ gia đình chúng tôi không quên mang theo bếp gas mini vì xuống biển mà không thưởng thức đôi món hải sản tự mình chế biến thì còn gì là thú vị nữa; ít nhất cũng phải bật lửa luộc chín hải sản tại chỗ để mình…phục vụ mình. Cả thùng xe du lịch phía sau rộng lớn, tha hồ mà chất “hàng” picnic, chỉ lo cho cái bao tử sẽ quá tải trong những ngày nghỉ mà thôi !
Trưa hôm đó, đoàn chúng tôi “thẳng tiến” đến Khu Du lịch Dốc Lết cách thành phố Nha Trang chừng bốn mươi cây số về hướng bắc. Trời đứng bóng, khách du khắp nơi vẫn tấp nập ra vào. Biển ở đây xanh và sạch như gương. Trên triền cát rộng lớn thoai thoải là rừng dương, khi vút cao, khi rì rào trong gió. Dưới bóng cây hàng dương là các resort sang trọng với nhà nghỉ, nhà hàng, bãi đậu xe thuận tiện. Nhưng cũng bên dưới hàng dương còn có những dãy “resort” lợp mái tranh, nằm san sát nhau, đếm đến vài chục căn. “Resort” tranh-tre-nứa thiết kế thật đơn giản. Nền móng hình tròn hoặc hình bầu dục,  bằng xi măng, xây cao hơn mặt cát chừng nửa mét. Đường kính của mặt bằng mỗi căn thoải mái đặt chiếc bàn với mười ghế ngồi. 
Cạnh đó còn giăng mắc thêm vài chiếc võng ngả lưng. Từ tâm điểm của mặt bằng, một cây cột lớn vừa gọn một nửa vòng tay người được chôn trụ vào bê tông, dựng thẳng đứng lên chiều cao khoảng hơn ba mét là xòe ra thành một chiếc dù lớn lợp tranh che nắng, che mưa mát rượi. Trên từng căn dù tranh có niêm yết giá sẵn, có 3 loại giá là 80 ngàn đồng, 100 ngàn đồng và 120 ngàn đồng, tùy theo khoảng cách từ căn nhà đến nơi tắm biển. Thời gian thuê không giới hạn. Đến ngồi nghỉ chân vài mươi phút rồi đi; hay nấu nướng, ăn uống tưng bừng đến qua đêm cũng bằng ấy giá tiền. Nộp tiền được nhận lại hóa đơn ghi theo quy định tài chính.
Đoàn chúng tôi thuê loại căn dù mái tranh loại trung bình giá 100 ngàn đồng, cách xa nơi tắm hơn năm chục mét. Đưa hết những đồ đạc mang sẵn vào đây, chúng tôi bách bộ đến khu chợ hải sản tươi chỉ cách một trăm mét. Chỉ độ 20 người bán nhưng lượng hải sản bày bán thì vô cùng phong phú. Họ là những ngư dân quanh năm dầm mình trong biển biếc, nên chưa quen nói giá thách. 
Thật ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy, tận tay cầm nắm những con cua, con ghẹ, con tôm, con mực…còn bơi trong thau chậu rất khỏe khoắn. Chỉ bớt chút đỉnh khi mua với số lượng nhiều. Nói chung tất cả hải sản bán ở đây với giá khá rẻ so với mặt bằng giá chung ở phố biển này. Mở công tắc lửa gas lên chiếc bếp mini, chốc lát sau, chúng tôi đã có được món ghẹ, mực, ốc…luộc, nướng bốc khói cuồn cuộn, nóng hôi hổi. An với rau tươi mởn của Đà Lạt mang xuống, cảm giác vừa ngon miệng, vừa rất dễ chịu. Không bị quấy rầy. Không cần phải có người phục vụ đứng bên chăm sóc đến từng cây tăm. Sau bữa trưa, cả đoàn nhảy ùa xuống biển lặn ngụp tắm táp. Và rồi…kéo dài đến thêm buổi chiều nữa, chúng tôi lại lên bãi, quây quần trong căn dù mái tranh ấy, thưởng thức những món hải vị “tự biên tự diễn” cho thỏa thích...
Nhưng không riêng gì chúng tôi mà cả khu “resort” mái dù hôm ấy người người đông vui. Hôm sau chúng tôi ra đảo Hòn Tằm, cách cảng biển Nha Trang chừng nửa giờ du thuyền. Cũng chọn thuê một căn dù tranh không hạn chế thời gian, đủ tiện nghi bàn ghế ngồi ăn uống, tăng võng nằm nghỉ ngơi. Số mái dù lợp tranh ở Hòn Tằm phải đến vài chục, lúc nào cũng đông khách. Bên cạnh là những dịch vụ vui chơi khá dân dã nhưng hấp dẫn như: cho thuê dụng cụ chơi bóng đá, bóng chuyền, gương lặn biển, chiếu nằm phơi nắng…Mạo hiểm hơn là thuê canô cao tốc tự điều khiển, xé sóng biển, vượt thác ghềnh. Hay chơi dù lượn làm hải âu quần đảo trên biển. Và nhiều nữa những trò vui chơi giải trí trên biển giành cho mọi giới, mọi lứa tuổi, trò chơi khá lôi cuốn và hài lòng du khách.
Riêng chúng tôi với ba ngày cuối tuần đi chuyến picnic Nha Trang còn lưu lại những suy tư về phố núi Đà Lạt. Mô hình xây dựng “resort” dù mái tranh cho du khách thuê trong chuyến picnic sinh thái biển với số vốn đầu tư không đáng kể, nhưng hiệu quả kinh tế của nó đã kích thích mạnh sự phát triển của cách dịch vụ du lịch “bổ trợ” khác. 
Mô hình này nhìn rộng ra cũng khá phù hợp với du lịch sinh thái rừng Đà Lạt - Lâm Đồng. Dưới tán thông ngút ngàn, dưới khu rừng nguyên sinh đậm chất hoang dã, du lịch chuyên đề picnic đầy tiềm năng bao giờ được đánh thức ?! ./   Nha Trang- Đà Lạt Tháng 3/2007