Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Giáp mặt “người lạ đời”

VĂN VIỆT
Ở một ngọn núi cao chới với, tên là Phương Bối Am, thuộc xã Đại Lào, thị xã Bảo Lộc có một lão già tên là Nguyễn Đức Sơn đã kéo vợ con lên đó “tọa sơn” từ sau giải phóng đến nay. Lão áp đặt cái kiểu sống biệt lập và hết sức dị thường với thế giới bên ngoài, có cảm giác tự đày đọa mình cùng với vợ con lão giữa những “đêm trường u tịch”. Người đời thường gọi lão là “Sơn Núi”

Cho đến đêm tối đen, tôi mới gặp một người quen của xứ trà Bảo Lộc dắt díu đến nơi tìm gặp “Sơn Núi”. Ra khỏi thị xã chừng vài km là đến cầu Đại Lào, rẽ phải là đường lên Phương Bối Am gồ ghề đất đá, hiu hắt những vạt rừng thông. Vượt lên những con dốc dựng ngược, chúng tôi dừng chân trước một ngôi nhà gỗ sơ sài. Rừng đêm hoang lạnh, tê buốt. Từ trong ngôi nhà, xuất hiện một người trong chiếc áo cà sa xám trắng, tay cầm một ngọn đèn dầu bước ra đón khách. Người dẫn đường nhanh nhẩu nói: “Đây là nhà của Nguyễn Đức Vân, con trai của “Sơn Núi” đó!”. Biết ý định chúng tôi, Vân ngài ngại: “Muốn đến nơi ở của ba cháu, cháu không ngại đưa đi. Có điều, cháu không thể vào cùng với các chú được!”.
 Theo chân Vân, chúng tôi lại phải mất hơn 20 phút vật lộn với những con dốc loằng ngoằng mới chạm bước đến nhà Sơn trên đỉnh núi. Đến nơi thì Vân cũng đã kịp lẩn vào bóng đêm, biến mất. Căn nhà “Sơn Núi” quá ư tồi tàn, chỉ che chắn lên bằng những tấm lá rừng và những cây gỗ mục nát. Không điện, không còn dầu hỏa để thắp đèn.  Mấy người con của Sơn đã chui vào trong tấm mùng ố vàng, nằm lăn lóc. Vợ Sơn lảng ra ngoài mé nhà làm gì không rõ…Sơn bấm đèn pin chóa rọi vào mặt từng người chúng tôi, rồi “mời”: “Hãy ra rừng đốt lửa lên thôi!”. Lửa rừng bốc nhanh rừng rực vì có đống củi khô chất sẵn gần đó.  Lửa hắt lên vật vờ, lồ lộ những vết nhăn rối rắm tràn khắp khuôn mặt Sơn Núi. Một đồng nghiệp đi cùng tôi thảng thốt : “Ông là người hay ma ?”. Sơn Núi trả lời tỉnh khô: “Chả có gì ghê gớm cả. Tôi là tôi của mọi người không ưa gì, thế thôi”. Gợi chuyện sang nhiều hướng khác, Sơn Núi cũng với cái giọng ương ương, dở dở. Rằng, người sống trong ánh điện thì coi như đã chết. Ở trên rừng, ăn chay trường, sống bằng “ngọn lửa tịch mịch” như ông mới là tuyệt vời nhất trên đời. Trong bầy con 9 người của ông thì toàn là “siêu lưu manh” cả - trừ một đứa đã chết. Cứ thế, nói chuyện với Sơn Núi có cảm giác muốn “sôi gan” lên, nhưng chúng tôi cũng còn may, không bị ông tống đuổi như những người khác đã từng lần dò lên đây. Đêm đó, giáp mặt Sơn Núi cũng đến 23 giờ khuya mới ra về, nhưng lai lịch về ông, chúng tôi không thu thập được điều gì…
Hôm sau ở Bảo Lộc rồi về lại Đà Lạt, chúng tôi mới tìm hiểu được biết danh tánh của “Sơn Núi” là Nguyễn Đức Sơn, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh (Thanh Hải), tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang), chánh quán tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh của “Sơn Núi” là giáo sư pháp văn ở Nha Trang thời đó. Hồi chế độ Sài Gòn cũ, Sơn có làm thơ, viết văn trên nhiều tạp chí ở miền Nam, nhưng rốt cuộc tạp chí nào cũng phải gạt bỏ tên vì cái tính gây hấn của Sơn. Trong bài viết trên tạp chí Văn năm 1973, có đoạn “khắc họa” Sơn: “Hình ảnh của con tê giác, từ tính tình đến cách ăn nói, dáng đi. Húc bừa về phía trước không kể thiệt hơn, không tính hậu quả. Đơn độc quắt queo. Dã man nghiệt ngã. Chỉ thong dong chốn không người: rừng và biển”. Chính trong “tự truyện” có tên “Tưởng Chiều Tà” đăng trên tạp chí “Khởi Hành” năm 1957, lúc mới 20 tuổi, Sơn đã tự mỉa mai mình với mối tình học trò: “…Con đường chỉ thỉnh thoảng mới rợp bóng chiều tà, còn hầu hết nó sẽ chạy qua sa mạc rát bỏng nhảy dựng chân, qua đấu trường để chứng kiến giờ khắc uy nghi nhất đời mình, qua đại dương để đón nhận cuồng phong bão táp, qua những đêm trăng hàn lạnh và cô tịch trên một bờ biển hoang vu nào đó để nhận chân sự mong manh vô nghĩa của kiếp người…”. Trong bức thư gửi cho cha ngày 19/8/1972, dùng thay cho “Lời Tựa” trong một tập thơ, Sơn viết: “…Bởi con mà có cái tham vọng gì, con một thằng sống bằng lửa tịch mịch, bằng hơi lạnh thiên thu. Đến cả mộng mơ đích thực còn không có, hay chỉ có toàn là mộng không…”
Nguyễn Đức Sơn ăn chay trường mà không phải theo đạo gì hết. Sơn cho rằng như thế mới tỏ được chút lòng công bình tự nhiên với trời đất. Phương Bối Am là một thiền thất của một nhà tu hành xây dựng từ xa xưa. Giải phóng về, ngôi nhà này gần như đã bị sụp đổ hết. Còn lại bốn bức tường xi măng, Sơn đưa vợ con lên đó chắp vá lại ở (tất nhiên phải ăn chay như ông) từ  sau năm 1975. Những đứa con tiếp nối sinh ra từ đây, ông không cho chúng đi học mà ngày ngày phải vào rừng sống kiếp tự sinh tồn như loài thú hoang dã. Rồi một cảnh thương tâm như phải đến: Đứa con trai thứ hai của “Sơn Núi” tên là Thảo đã chết thảm vì đói đã vô tình ăn lá rừng ngộ độc. Ngôi mộ của Thảo hiện đang nằm cạnh nhà của “Sơn Núi”, không có khắc bia, không một viên gạch xây, chỉ là một nhúm đất nhô lên, cỏ mọc um tùm. Cách dạy con của “Sơn Núi” bằng đòn roi không vẫn chưa đủ. Ông đã từng cởi trần truồng con ông rồi dùng nước thải tưới xối xả vào người. Nhiều lần “Sơn Núi” vào rừng thì ở nhà các chum gạo đã khóa chặt sẵn, vợ và con chỉ biết…ngồi chờ. Lớn lên, không chịu nổi cái lối sống cực đoan lạ đời của ba mình, người con trai lớn tên là Thạch phải bỏ nhà ra đời tự kiếm sống, bị ông “từ” luôn. Còn đứa con trai tên là Vân vào chùa sống từ nhỏ, nay đã lẳng lặng đi ở riêng, tự học bổ túc văn hóa. Những đứa nhỏ còn lại vẫn đang “tiếp bước” theo những số phận cam chịu của anh nó…
Người ta nói, chị Phượng (vợ “Sơn Núi”) hiện tại như một kẻ “hết nhớ gì ”. Trong khi chị đã từng với chồng (“Sơn Núi”) "va chạm" vì những lý do hết sức vu vơ và khó hiểu. Sau cơn giải phẫu não hơn mười năm trước, chị Phượng vẫn thường hay tái phát, lâm trọng bệnh “ngơ ngẩn" cho đến ngày nay…
Trong một “tự truyện” “Ký ức tuổi thơ” của Nguyễn Đức Vân ( con trai “Sơn Núi”vừa đăng trên số báo cuối tuần của Lâm Đồng, có đoạn tự sự “Tôi hôm nay sẽ khác đi nếu có một quá khứ khác…Ôi ba tôi. Đó là một người đàn ông hiếm thấy trên đời. Thông thái như một nhà triết học, lãng mạn như một nhà thơ, lại chân chất như một nông phu, và hiền đức như một nhà tu. Nhưng lắm lúc cũng ngông loạn và cực đoan như một người không bình thường”. Để thay cho câu kết của bài viết, tôi chợt nhớ lại đêm giáp mặt, “Sơn Núi” có câu “luận thuyết” ( rất lạ đời) với chúng tôi rằng: “Sơn Núi” thà giải quyết sai một vấn đề đúng, còn hơn là…/.
Bảo Lộc – Đà Lạt Tháng 01/2002