Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Xe ngựa ơi!…

Phóng sự VĂN VIỆT

Xe ngựa cổ “tái sinh” hai năm nay quanh những con dốc dài Đà Lạt đã tạo sự thích thú đặc biệt của du khách bốn phương. Nhưng rồi mấy ai thấu hiểu hết, khuất lấp đằng sau là những cảnh đời xà ích cùng với những con “tuấn mã” phải nếm trải những cơ cực, mỏi mòn chờ bến đậu đến tận bây giờ…

Chìm nổi mưu sinh
Mới hơn bốn mươi tuổi mà anh Bảy Chà trông vẻ già sọm như một bô lão. Anh lái xe ngựa hơn hai chục năm nay nhưng kinh nghiệm thừa hưởng của nghề thì ngược về ngày xưa xa hơn nữa. “Người thân, người xung quanh và…những người của Hợp tác xã xe ngựa Hợp Lực…tụ hội thành một người thầy lớn truyền cho tôi biết chạy xe ngựa làm kế mưu sinh… ” Rồi một thoáng ưu tư, Bảy Chà lại tỏ bày “Người nào còn tha thiết, nặng nợ thì còn giữ lấy nghề. Chứ phần đông đã chán nản bỏ xe, nhốt ngựa đi làm những việc khác hết rồi…Mà toàn là chuyển sang những phần việc lam lũ vườn tược nắng sương…”
Tổ chức hợp tác xã mang tên Hợp Lực, nơi pháp nhân của xã viên Bảy Chà vẫn còn giữ con dấu đỏ, có ban chủ nhiệm nhưng thực sự đã tê liệt hoạt động lâu lắm rồi. Ông chủ nhiệm đã quá tám mươi tuổi, ông phó chủ nhiệm đang chạm vào ngưỡng thất thập, phải tiếp xúc xã viên tại nhà riêng vì hơn chục năm nay đã không còn trụ sở. Nhà ở cả hai ông lãnh đạo hợp tác xã đều trong hẻm sâu tít dưới dốc ga đường Phạm Hồng Thái. Hẻm nhỏ, mùa mưa rất lầy lội; đi bộ còn cực khó nói chi đến chiếc xe gắn máy băng được vào đây. Thế rồi vì sinh kế, họ tùy nghi pha chế màu sắc, phối màu sơn phết lại xe, vỗ béo lại ngựa rồi tự in cái tên nhãn hiệu DaLat tourist, khi khách đến thuê mướn, thế là…gõ nhịp lọc cọc. Nói vậy chứ không đơn giản, phải có vốn đầu tư cả xe và ngựa trên dưới 15 triệu đồng mới chạy kiếm tiền được. Mà chỉ là loại xe 2 bánh cao su to và dày ( loại bánh xe ba-lua), sức chứa tối đa chỉ được 6 người. Thường chạy lòng vòng một buổi sáng lấy giá 100 ngàn đồng mỗi chuyến. Nhưng đó là những ngày cao điểm du lịch; chứ ngày thường chỉ cần 80 ngàn đồng và thậm chí 50 ngàn đồng cũng…không chê. Dẫu sao cũng hơn bỏ xứ đi nơi khác cày thuê cuốc mướn mà !  
Hợp Lực năm xưa hơn 40 đầu xe ngựa gõ nhịp giòn giã ngày đêm, nay chỉ còn con số “bảy nổi” khắc khoải chờ khách bên trước Vườn hoa thành phố Đà Lạt. “Đậu đỗ xe ngựa nơi đây là trái phép. Túng quá cứ lì chây ra vậy. Công an đến giải tỏa thì chạy. Công an rút đi thì ngựa xe quay lại, tự phân tài chuyến với nhau đón khách. Như một cái vòng luẩn quẩn ! ”-Bảy Chà chua chát !
Phập phồng bến bãi
Một ngày hứng chí, tôi xuống ngã ba đường Đinh Tiên Hoàng đón cỗ xe ngựa bốn bánh dạo chơi một nửa chu vi hồ Xuân Hương. “Khứ-hồi 6 km bên này đường hồ là 80 ngàn đồng !”-Bên nhà xe báo giá. Tôi gật đầu. Thoắt cái, người xà ích dắt con ngựa to khỏe từ dưới bờ hồ lên; cột nhanh dây cương vào xe và…tung vó. Tôi bảo anh xà ích đi chầm chậm còn ngoạn cảnh nữa. “Tôi thường đưa du khách ghìm cương ngựa chạy 30 phút đến 40 phút một tour nửa vòng hồ Xuân Hương. Thích lắm, nhưng họ vẫn cứ nói đường tour cứ ngăn ngắn làm sao ấy  !”-“bác tài” có tên Lê Vui nói.
Lê Vui nguyên là một trí thức 46 tuổi, sinh ra tại Đà Lạt, anh phải rẽ hướng về nhà kiếm một nghề sinh sống tự do bởi hoàn cảnh riêng. Loanh quanh mãi cuối cùng anh dốc lòng nuôi ngựa và chạy xe ngựa du lịch. Theo anh Lê Vui, nghề này ở Đà Lạt thật đặc sắc, có thể đeo đuổi mà sinh sống lâu bền. Đến nay đã 10 năm, công việc ngựa-xe của Lê Vui gần như trở thành “nhất nghệ tinh” rồi ! Ngày nào Lê Vui cũng thu được bạc trăm ngàn. Dịp lễ, tết quốc khánh vừa qua, có ngày chạy miệt mài không mỏi, anh thu được đến 500 ngàn đồng.
Nhưng Lê Vui cũng không thoát nỗi phập phồng của Bảy Chà là không có bến bãi. Vẻ ngoài xe ngựa Lê Vui mang dòng chữ hình cánh cung “Công ty Cổ phần du lịch Ngọc Lan”; hay dừng ở ngã ba đường Đinh Tiên Hoàng như là ổn định theo danh chính ngôn thuận vậy. “Không phải. Chỉ là chỗ tạm dừng thôi mà đã đến hai năm rồi đó ?!”-ông Trần Mến, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty này nói thẳng !
Lê Vui là một trong 20 chủ xe ngựa “gốc” ở Hợp tác xã Hợp Lực chuyển sang Công ty Ngọc Lan hành nghề theo tỉ lệ ăn chia 7-3. Vào Công ty Ngọc Lan, anh góp cổ phần bằng hình thức đóng mới cỗ xe hơn 20 triệu đồng và “tuyển” chú ngựa giá trị hơn 15 triệu đồng. Tất cả đều đầu tư, thiết kế theo mô hình mẫu xe ngựa cổ được ngành giao thông vận tải Lâm Đồng thông qua. Quy trình xét duyệt bắt đầu từ ngày 03/10/2003, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản số 3281 chấp thuận Công ty Cổ phần Du lịch Ngọc Lan khôi phục mô hình dịch vụ xe ngựa cổ Đà Lạt với tổng vốn 1.200 triệu đồng, thời gian đầu tư đến hết năm 2004. Trước mắt  xe ngựa hoạt động ở những tuyến đường có mật độ lưu thông không lớn, độ dốc không cao; quanh những khu vực sinh thái, ngoại vi thành phố. Đến ngày 25/11/2003, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, UBND thành phố Đà Lạt, Sở Du lịch Thương Mại, đã thống nhất cho công ty hoạt động thử nghiệm xe ngựa cổ trong thời gian ba tháng, lưu thông trên các luồng tuyến: Cầu Đen _ Nhà nghỉ Công đoàn;  Cầu Đen _ Thung Lũng Tình Yêu;  Vườn hoa thành phố _ Khu Du lịch hồ Than Thở. 
Sau thời gian này, nếu cơ quan chức năng kết luận tình trạng kỷ thuật của xe ngựa đảm bảo, phong cách phục vụ đạt yêu cầu, sẽ chính thức bố trí luồng tuyến hoạt động lâu dài.Thế là 20 chiếc xe ngựa cổ nhanh chóng đại tu, đóng mới; chọn những “tuấn mã” béo khỏe nhất; vừa “trình làng” đúng vào mùa du lịch trước và sau tết Giáp Thân nên hút khách rất đông. Kết quả doanh thu năm 2004 đạt 264 triệu đồng;  đến 6 tháng đầu năm 2005 đã tăng lên 282 triệu đồng.
Xe ngựa ơi !…
Và đến giờ….bỗng dưng một chiều  ngang qua công viên Yersin, dõi nhìn vào một góc đường hẻm nối liền với đường Phạm Hồng Thái, thấy lăn lóc những cỗ xe cùng những chú ngựa lầm lũi gặm những bao cỏ xác xơ mà xót xa. Hiện còn số đông đầu xe ngựa của Hợp tác xã Hợp Lực cũ đang muốn tiếp tục chuyển sang gia nhập với công ty để nâng cao chất lượng, số lượng đầu xe hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Nhưng không thể thực hiện được do chưa có bến bãi, luồng tuyến được cơ quan thẩm quyền chính thức bố trí. Nhiều và rất nhiều văn bản thỉnh cầu bức thiết của công ty nhưng vẫn chưa thấy kết quả.
Người chủ nhiệm già Phan Văn Điền hơn 80 tuổi, đã mười năm nay ôm đơn đệ trình lên tỉnh xuống thành tìm bãi đậu xe cho xã viên không biết bao nhiêu lần vẫn không thành. Rồi “bang giao” với Công ty Cổ phần du lịch Ngọc Lan, có được tiếng nói chung về quyền lợi, nghĩa vụ đôi bên, nhưng lại rơi vào điệp khúc “biết rồi, nói mãi”…chờ bến bãi (!)Cấp tỉnh chỉ đạo cho thành phố. Cấp thành phố lại “phản hồi” rằng không thể giải quyết được, vì phải chờ cuộc họp Hội đồng nhân dân mới (?!) Cứ thế, đến nay đã hơn hai năm mà thử nghiệm xe ngựa cổ vẫn là…thử nghiệm !
Không có bến bãi “an cư” đón khách hợp pháp thì làm sao giám nâng số lượng đầu xe ngựa nhiều thêm. “Đất”  ở đâu mà cổ đông xe ngựa chia nhau đủ “hạn mức” giúp nhau cùng sinh sống được?! Trở về góc khuất của riêng mình, cụ Điền tâm tư: “Tuổi tôi sắp sửa đi theo ông bà tổ tiên rồi. Mắt mờ, tay run, chân chậm…làm sao rong ruổi với ngựa xe được nữa ! Chỉ lo tiếc cho con cháu tôi thấy chạy xe ngựa hẩm hiu quá; lại nặng tâm lý bi quan, không còn màng đến nghề truyền thống nữa. Cái nghề này đã tồn tại với núi đồi Đà Lạt trăm năm nay rồi chứ đâu ít !”
Mòn mỏi nữa là người phó chủ nhiệm Phạm Đứng, tuổi 70, cứ đau đáu một đời nghề: “Tôi hành nghề xe ngựa gần 30 năm rồi. Để khỏi “thất truyền” gia đình tôi bỏ vốn sắm thêm 2 đầu xe ngựa mới thì mấy năm nay…lâm cảnh chết dở sống dở thế này đây. Chúng tôi kêu mãi bến bãi; kêu không còn thiếu nơi nào nữa; kêu quá nhiều lần mà vẫn rơi vào thinh không…”
Chung cảnh ngộ “xe ngựa ơi!…”, ông Trần Mến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần du lịch Ngọc Lan thổ lộ: “Nếu hôm nay được bố trí bến bãi; hôm sau công ty sẽ tiếp nhận tất cả những đầu xe của Hợp Lực về nâng cấp đủ tiêu chuẩn mô hình xe ngựa cổ phục vụ du lịch Đà Lạt ! Nguồn vốn đầu tư cho sản phẩm này luôn đáp ứng sẵn !”
Bất chợt, tôi nhớ đến đồ án quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt, có cho phép phát triển dịch vụ xe ngựa thuộc loại hình du lịch giải trí. Ấy mà- gần hết năm 2005 rồi mà vẫn chưa thoát ra khỏi ách tắc luồng tuyến, bến bãi. Vì sao và…vì sao?! Đà Lạt tháng 9.2005