Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Đưa cáp treo vào sản xuất

VĂN VIỆT
Nhiều khu vực ở Đà Lạt đang sử dụng cáp treo giăng ngang trên đường không trung hàng trăm mét, vượt độ cao cũng đến cả trăm mét để chở vật tư, phân bón và hoa lợi trong sản xuất, thay thế sức người phải mang vác nặng nhọc, leo dốc núi chênh vênh, lội suối sâu bì bõm, triền miên bao nhiêu năm. Đáng “ngưỡng mộ” với tác giả sáng chế những “cung đường” cáp treo này là một người nông dân “chính hiệu” của phố núi Đà Lạt.  

Vào hạ tuần tháng 9 năm nay, khu vườn của hộ gia đình anh Nguyễn Đình Hiếu ở đường Mimosa, Đà Lạt tiếp tục vận chuyển sản phẩm hồng ăn trái thu hoạch rộ trên đường cáp treo khá đồng bộ và nhanh chóng, chạy rào rào như đường cáp treo du lịch. Thật bất ngờ khi biết rằng, hộ gia đình anh Hiếu đã sử dụng hệ thống cáp treo vào sản xuất trên 1,5 ha cà phê trồng xen canh với hồng ăn trái đã hơn 8 năm qua; hàng năm đã vận chuyển trung bình trên dưới 10 tấn sản phẩm nông nghiệp và vật tư phân bón. Đường dây cáp treo nối hai điểm đi và đến bởi hai trụ xây bằng bê tông cốt thép, mỗi trụ cao 3,5 mét, chân móng sâu 1,8mét.
Từ đỉnh dốc cao, đặt hai cỗ máy chạy bằng điện và chạy bằng xăng hoán đổi nhau vận hành quay tròn các bánh xe kéo dây ròng rọc tải chở  từng “ca bin” từ dưới thung lũng sâu lên con đường lớn, chiều dài trên dưới 200 mét. Chiếc “ca bin” được hàn bằng 4 thanh sắt đứng ở phần thân và 4 thanh sắt chéo ở 2 đầu, có thể chất lên ngay ngắn trong đó với 3 chiếc bao tải đựng hàng (tổng trọng lượng khoảng 1,5 tạ). Anh Hiếu ước tính vận tốc của cáp treo khoảng 100 mét mỗi phút. Chỉ cần 1 người đứng ở điểm đi ( điểm vận hành máy quay ròng rọc) và 1 người đứng ở điểm đến ( điểm ở khu vườn sản xuất), một ngày mùa cao điểm, cáp treo ở đây đạt công suất vận chuyển trên dưới 2 tấn hàng hóa trên “cung đường” không trung dài từ 150 – 250 mét, tiết kiệm từ 4- 5 công lao động phải gánh và vác như trước đây. “Hơn 8 năm qua, mỗi năm bảo dưỡng toàn bộ hệ thống cáp treo, tôi chỉ tốn vài trăm ngàn đồng để mua mỡ bôi trơn và mua ốc vít siết chặt và căng các đường dây cáp mà thôi…”- anh Hiếu nói.
Trò chuyện với anh Nguyễn Hữu ( sinh năm 1958, trú tại đường Khe Sanh, Đà Lạt), người sáng chế cáp treo đưa vào sản xuất nông nghiệp, được biết với giá thị trường tháng 9/2012, kinh phí thiết kế, xây dựng toàn bộ đường cáp treo của hộ gia đình anh Nguyễn Đình Hiếu như trên khoảng 60triệu đồng. Đây là công trình “lần thứ mười mấy” của anh Nguyễn Hữu sau 2 năm sáng chế, lắp đặt thành công công trình đầu tay trên diện tích 4 ha cà phê, hồng của một hộ gia đình tại khu sản xuất nông nghiệp Hố Tôm, phường 10, Đà Lạt. Anh Hữu kể lại : “ Từ lúc phát sinh ý tưởng đến lúc hoàn chỉnh mô hình trên bản vẽ thiết kế và lắp đặt đầu tay, đưa vào hoạt động hệ thống máy quay ròng rọc, quay tròn đường vận chuyển hàng hóa trên dây cáp treo nối hai đầu trụ đỡ… chỉ mất thời gian chưa quá 3 tháng. Tôi không nói hết  được cảm giác sung sướng của nghề cơ khí tự học của tôi lúc chuyển được “giỏ ca bin” hồng trái đầu tiên từ dưới suối vượt lên trên đường lớn với chiều dài hơn 200 mét ở Khu nông nghiệp Hố Tôm của phường 10, nơi tôi sinh ra và tạo lập cơ nghiệp đến giờ …”
Đến nay sau gần 10 năm sáng chế, anh Nguyễn Hữu thống kê đã thiết kế, lắp đặt trên dưới 70 hệ thống cáp treo chở hàng hóa trên không trung thành phố Đà Lạt, thuộc các khu vực sản xuất nông nghiệp Hố Tôm, Chùa Tàu, Sở Lăng ( phường 10); khu vực nông nghiệp xã Xuân Thọ và có cả khi vực dân cư ở đường phố hẻm nhỏ Ba Tháng Tư dùng để vận chuyển bánh mì từ lò sản xuất ra mặt tiền đường lớn, chiều dài trên dưới 50 mét, tổng kinh phí đầu tư trên 10 triệu đồng. Còn chiều dài của cáp treo ở các khu vực sản xuất nông nghiệp có từ 150-250 mét như chiều dài đường cáp treo của nông dân Nguyển Đình Hiếu nêu trên, tồng kinh phí đầu tư mỗi hệ thống trên dưới 60 triệu đồng. tất cả hiện vẫn đang quay đều với trọng tải từ 1,5 tạ đến 3 tạ hàng hóa mỗi lần, đạt vận tốc bình thường mỗi phút từ 100 mét trở lên. Riêng hệ thống cáp treo dài hơn 1,5 km, độ cao từ 80- 100 mét, quay vòng khép kín trên vùng chuyên canh 10 ha chuối dưới chân Núi Voi, huyện Đức Trọng, anh Nguyễn Hữu đã hoàn chỉnh thiết kế với dự toán khoảng 320 triệu đồng. Nếu không có gì thay đổi thì hệ thống cáp treo mới này, anh Hữu sẽ tập trung đầy đủ nhân công, vật tư để lắp đặt hoàn thành và đi vào sử dụng trong tháng 12/2012.
Để sản xuất những khối lượng vật tư lắp đặt hoàn chỉnh từng hệ thống cáp treo trong 10 năm qua, nhà sáng chế Nguyễn Hữu chỉ sử dụng một “cơ xưởng” xây dựng tại nhà riêng trên đường Khe Sanh, Đà Lạt với diện tích...8 mét vuông; trang bị các máy khoan, mài, cắt, hàn...với tổng số tiền đầu tư hơn 10 triệu đồng. Anh Hữu tâm sự: “Vì điều kiện gia đình khó khăn, tôi chỉ học văn hóa đến lớp 10/12 thì nghỉ để theo nghề phụ xe tải kiếm sống. Hàng ngày bảo dưỡng và sữa chữa các thiết bị của xe tải trên khắp lộ trình, nghề cơ khí đã khiến tôi yêu thích lúc nào không hay. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi chính thức sống bằng nghề làm công sửa chữa xe hơi chuyên phần cơ khí tại cơ xưởng ở Sài Gòn, Bảo Lộc rồi về quê hương Đà Lạt đi sửa chữa lưu động tại nơi khách hàng yêu cầu;  và sau cùng là tự thiết kế, sản xuất, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống cáp treo phục vụ sản xuất liên tục cho đến bây giờ…”
Về những thành công của nông dân Nguyễn Hữu từ sáng chế đưa cáp treo vào phục vụ sản xuất, anh Tô Hoàng Phương, Chủ tịch Hội Nông dân phường 10, Đà Lạt đánh giá đây là sản phẩm khá hữu ích để tăng năng suất lao động cho vùng sản xuất nông nghiệp địa phương. Hội Nông dân Phường 10, Đà Lạt tiếp tục giới thiệu rộng rãi việc sử dụng hế thống cáp treo sáng chế đến với nông dân địa phương, đồng thời sẽ liên hệ các nguồn vốn vay tín chấp để giúp nhà nông Nguyễn Hữu mở rộng hơn nữa cơ sở sản xuất cơ khí của mình…
Đà Lạt tháng 9/2012