Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Chàng khùng thổi hồn hoa Đà Lạt

VĂN VIỆT
Lãng tử nhiếp ảnh MPK vừa trình làng bộ ảnh nhụy hoa tại Công viên Xuân Hương, trung tâm phố Đà Lạt. Từng phong ảnh dán chặt lên khung vải bao tời, hết gắn đung đưa trên gốc thông, đến đặt trên giá đỡ khẳng khiu, trông “chẳng giống ai”. Bạn bè thân hữu, du khách gần xa nườm nượp ra vào thưởng lãm. Khá đông người cứ xuýt xoa không dứt: Lãng tử đã “khùng” lại “khùng” hơn…

Vào nghề…“khùng” !
Hai mươi mấy năm trước, chàng trai hăm lăm tuổi mới bắt đầu được…”khùng”. 
Áo quần luộm thuộm, phong phanh giữa rét mướt; đầu tóc búi đuôi gà để trần, ngày đêm lang thang trên phố hoa Đà Lạt với chiếc máy ảnh cũ kỹ trên tay. Trong khi các tay ảnh dạo khác bươn bả khắp những tụ điểm du lịch chực chờ, đeo bám, chào mời khách du lịch để cạnh tranh loại trừ nhau, cốt được thuê chụp thật nhiều ảnh, thu lấy thật nhiều tiền, nhưng Phước chụp hình dạo đột ngột tách ra, giành phần lớn thời gian để…chụp dạo cảnh thiên nhiên Đà Lạt. Bên ly Cà phê quán Tùng cứ mỗi sáng tinh mơ, Phước thường ngồi đó, thả hồn mình bồng bềnh theo từng làn sương bay vờn cuộn quanh ô cửa. Một vài mái ngói cổ xưa chênh chếch, chảy dài chút nắng, chút sương vương bước người đi qua góc phố, bãng lãng màu tim tím …Phước gọi đó là nơi chốn “hẻm trời” giúp Phước thăng hoa cho một ngày mới kiếm tìm nét đẹp thực-mơ của thiên nhiên Đà Lạt. Người không quen nhìn Phước trông dị thường, đôi lúc vẫn có lý khi cho là ngớ ngẩn. Không sao ! Một ngày như mọi ngày của Phước bắt đầu bằng những giọt đắng cà phê vậy đó, nếu thiếu coi như…không còn phần hồn của Phước nữa. Rồi qua phố, lúc nhận ra bóng Phước nghiêng dài trên Đồi Cù lộng gió; lúc thấy anh lon ton săn ảnh quanh hồ Xuân Hương, hồn nhiên như một đứa trẻ. Cũng có khi thấy anh chơi vơi đứng trên một tầm cao vút để thu được những tấm ảnh không gian bốn mùa trong ngày Đà Lạt. Và cũng rất nhiều lần, Phước lăn lê, bò toài bên vệ đường, trên cống rãnh hẻm hóc thành phố thu cho bằng đường những giọt sương rơi rơi trên cánh hoa dại…
 “Thằng Phước bị khùng rồi chắc ?!”-Tiếng ai đó thốt lên và theo ngày tháng đã lan tỏa nhanh thành tiếng gọi cửa miệng chung của số đông người trên phố dưới phường. Thế rồi từ tay thợ chụp hình dạo tên Nguyễn Văn Phước ngày nào chốc bị “chết danh” thành  “Phước Khùng”. Phản chiếu lại một quãng đời đã qua và sẽ qua, Phước tự khai sinh một cái tên mới cho mình là MPK. Phước cắt nghiã: “Mình sinh ra trong gia đình công giáo. M là tên thánh Michel được nhà dòng “phong” khi rửa tội từ nhỏ; P là Phước-tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho. K là Khùng-tên đệm do người xã hội “ban tặng””. Vậy là tôn giáo-gia đình-xã hội đã “tác thành” một nhà nhiếp ảnh lãng tử của Đà Lạt: MPK !
Cứ thế “ngày tháng nào đã ra đi…” không biết; chỉ biết-thấy Phước đã  in chặt tấm thân tha thẩn, lấm láp bụi trần trên phố núi. Nhưng cái sự khùng của Phước xuất phát điểm cũng thật lắm nhọc nhằn, kham khổ. Vào đời giữa phố phường du lịch, mở cửa ra gặp trời-mây-nước-cỏ cây-hoa lá…mênh mông  đến vô cùng, Phước chọn liều nghề thợ chụp ảnh chỉ mong tự lo liệu nuôi bản thân đừng thiếu cơm, rách áo. Không có thầy, cũng không có bạn để học. Tiền sắm phương tiện lại càng gieo neo hơn. Phước rảo quanh khắp tiệm sửa chữa máy hình cũ, nhờ người quen đến bảo lãnh, mua nợ trả góp mỗi nơi mỗi “khúc” về ráp lại thành một “giàn máy”. Tự mò mẫm bật máy ra, ráp film vào, ấn nút chụp-thế là “hiên ngang” dạo đón khách chụp hình lưu niệm. Hàng chục cuốn film đầu tay mất trắng, công sức đổ xuống sông hồ. May thay, các “phòng tối” rửa ảnh thấy tội nghiệp, mách chỉ cho từng thao tác nghề nghiệp. Dần dần bài học vỡ lòng và theo suốt vào đời nghề chụp hình của Phước sau này là tìm chọn được “ba đúng”: Khoảng cách đúng, ánh sáng đúng và góc cạnh đúng !
Nhưng cứ chụp hình lấy tiền riết cũng…nhàm. Một sáng ven hồ Xuân Hương, bất chợt nhìn bình minh tỏa nắng lấp lánh giữa mờ sương Đà Lạt, Phước với tay đưa ống kính hướng lên trời cao, thu vào một góc vũ trụ thật tuyệt diệu. Nhìn thấy một kho tàng ngôn ngữ của nhiếp ảnh từ không không-sắc sắc, trong Phước chợt lóe lên những ước vọng cần được khám phá, chinh phục và “đọc” được nó. Tác phẩm ảnh nghệ thuật mang tên “Khát Vọng” đầu tay của Phước ra đời từ đây. Ý tưởng đem nét đẹp thiên nhiên vào ống kính nhiếp ảnh phục vụ tinh thần của con người được hình thành. Cuộc săn tìm, chờ đợi, nắm bắt những khoảnh khắc đẹp thiên đường nơi đất-trời Đà Lạt từ ấy câu thúc bước chân rong ruổi vào nghề “khùng” chưa thấy cảm giác dừng lại của Phước.  
 “Đốt cháy” nhiều ngàn cuốn phim
Triển lãm vườn ảnh nhụy hoa Đà Lạt tại Công viên Xuân Hương kéo dài từ ngày 18-12 đến hết ngày 26-12, MPK đã “cháy” hơn 20 cuộn phim để được…99 tấm ảnh trưng bày. “Đây là kết quả sau hơn hai năm mải miết với những loài hoa Đà Lạt”-MPK nói. Đó là thời gian MPK thai nghén, nặng lòng với hoa. Anh dấn bước khắp mọi nơi, “đốt cháy” hàng trăm cuốn phim cho một bộ sưu tập ảnh ngàn hoa Đà Lạt. Chỉ còn chưa đến tuần lễ nữa là ngày triển lãm ảnh, khi lững thững đem máy đi chụp thêm những bức ảnh cuối cùng, bỗng nghe vọng lại lời của hoa: “Nét đẹp của hoa tích tụ ở nhụy hoa”, anh chuyển hướng thay đổi “đề tài”. Liên tục trong vòng 72 tiếng đồng hồ, MPK không kể đó là những loài hoa “cấp” nào, ở đâu, cứ bắt gặp nhụy hoa tình cờ tạo nên sự rung cảm sáng tác là chụp; chụp mê mải đến ngày triển lãm mới được số lượng ngần ấy ảnh trưng bày.
Đến vườn ảnh nhụy hoa của MPK, mỗi người có một sự “cảm” riêng. Ấn tượng là một “khoảng không gian” phát tán lung linh sắc màu bởi từng nhụy hoa mỏng manh. Hai vùng “sáng-tối” thu mình phía trong cùng những cánh hoa nhiều dáng vẻ; có thể loài hoa này hiện lên nét e ấp, khiêm nhường, đằm thắm; loài hoa kia phô diễn sự kiêu sa, nồng nàn khát vọng….Nhưng tựu trung lại với một thông điệp chung “muốn cảm nhận được vẻ đẹp của đóa hoa, của một rừng hoa, con người hãy “tận tri”những điều bé nhỏ nhất, li ti nhất từ một đài nhụy hoa vậy !” như lời biểu lộ của chính tác giả MPK.   
Vườn ảnh nhụy hoa tại Công viên Xuân Hương, Đà Lạt là triển lãm ảnh cá nhân lần thứ chín trong hăm mấy năm cầm máy của MPK. Hơn 500 bức ảnh được người thưởng thức nghệ thuật trong và ngoài nước ngưỡng mộ, yêu mến MPK. Tất cả ngôn ngữ ảnh ở đây đều tập trung tôn vinh nét đẹp trong cõi thiên nhiên Đà Lạt. Trước kia, MPK đã “đổi” nhiều ngàn cuốn phim để có những chủ đề ảnh như: Đà Lạt bốn mùa, Đà Lạt hoa-cỏ-lá, Đà Lạt lời cỏ hoang, Đà Lạt hoa dai, Đà Lạt mưa trăng sương…“Nét đẹp sẽ cứu rỗi con người khi bị cuốn vào những vòng quay tội lỗi. Nét đẹp thiên nhiên qua nhiếp ảnh càng giúp con người cảm thấy bình an hơn, đáng yêu cuộc sống hơn ! ”-Lãng tữ MPK quan niệm.
Mải miết thói “khùng”
Bây giờ bóng dáng MPK thả bước trên phố phường Đà Lạt đã quen thuộc lắm rồi. Nhưng với một phần tư thế kỷ nhiếp ảnh, đeo trên vai MPK vẫn là một “cỗ máy” ảnh cổ lỗ sĩ. Dàn cơ hiệu Ricoh, ống kính norman hiệu Pentacon. “Nếu cho người ta cũng không muốn lấy, huống chi nói giá trị bao nhiêu ”-Phước Khùng nói. Vậy sao có thể chụp nên những bức ảnh “không giống ai” nhưng nghệ thuật thì trông bắt mắt đến thế?!  Thực tế giới nhiếp ảnh Đà Lạt ai cũng phải “bái phục” sự “vượt khó” về thiết bị kỷ thuật của MPK. Chẳng hạn để chụp những giọt sương long lanh, li ti nhỏ, MPK “phát minh” cách lật ngược ống kính norman, nối thêm một đoạn “ống nhòm” nữa để đẩy xa tiêu cự, làm tăng cao độ hội tụ.
Mải miết thói phong lưu, ngoảnh lại MPK đã chấp chới tuổi 50 rồi. Vẫn một mình một bóng đi về ngày dài, đêm thâu trong căn phòng chưa tới 10 mét vuông, ngổn ngang một hành trình phim-ảnh ở đường Thủ Khoa Huân, Đà Lạt. Không sắm nổi chiếc xe máy hay xe đạp, MPK lại băng băng bằng…”đôi chân vạn dặm”. Có những đêm không trở về phòng riêng, anh lặng lẽ leo tới đỉnh Langbian, ở lại trên cao hơn 2.000mét để chờ thu lấy khoảnh khắc đẹp nhất của vũ trụ rạng đông. Đất lạnh, gió rét, sương mù vây phủ; rồi muỗi-vắt, rắn-rết…hình như đã quá nhiều lần “tha mạng” cho anh. Hoặc có năm đón xuân về, trong lúc say sưa chọn bố cục cho những tấm ảnh hoa mai anh đào Đà Lạt, MPK bất thần bị té ngã từ một độ cao nhiều mét, nhưng sau đó cũng được “tai qua nạn khỏi”. “Ơn trời đã cứu tôi thì phải ! ”-MPK nói.  
Bao nhiêu lần chuẩn bị triển lãm ảnh cá nhân là bấy nhiêu lần MPK…gánh nợ. Ơn trời sau đó, có nhiều “sô” đến thuê chụp ảnh và nằng nặc được…”boa” cho anh thêm tiền. Anh cố “giật gấu vá vai” mới trả dần được nợ theo kiểu cuốn chiếu. Và cũng ơn trời, các chủ nợ là những cửa hàng rửa ảnh, bán phim cũng thông cảm “du di” cho hoàn cảnh MPK, chưa đến mức phải đòi nợ ráo riết !
MPK sinh ra tại Đà Lạt. Anh đã tạo dựng một gia tài lớn về những bộ ảnh thiên nhiên Đà Lạt. Không ít lần những người giàu có đến đặt vấn đề mua bản quyền ảnh với giá cao. Bán đi sẽ giàu lên. “Nhưng tôi chưa giám vì sợ người ta mua ảnh tôi về sẽ đặt không đúng chỗ, sử dụng sai mục đích thì đau khổ cho những đưá con tinh thần của tôi !”  MPK tự sự. Còn dự định phiá trước ư? “Không. Tôi không dự định gì cả-ngoại trừ hàng ngày không cầm máy ảnh xuống đường, ra phố, lên rừng là tôi không chịu được. Như nhu cầu cơm ăn nước uống hàng ngày vậy ! ” Vâng, nỗi đam mê tận cùng của Nguyễn Văn Phước đến Phước Khùng và MPK của Đà Lạt là vậy đó ! Đà Lạt Tết 2005