Ông chủ XQ Đà Lạt Sử Quán, Võ Văn Quân dẫn
tôi “cưỡi ngựa xem hoa” với không gian ẩm thực hàng ngàn mét vuông, hàng chục gian
hàng với nhiều tên gọi dài, ngắn khác nhau, có thể bằng hai từ đến một câu năm,
bảy từ; hoặc đôi, ba câu thơ kích thích sự hiếu kỳ đa chiều của thực khách. Cảm
giác đầu tiên với tôi là một từ “khiếp” bên “món ăn” có tên “chiếc giường rắn”.
Đây là chiếc giường cá nhân nhỏ, phủ tấm ra trắng nửa vời lên trên, giường kê
lên bởi một cũi lồng chứa những mớ rơm khô và vài cành cây khô làm môi trường
sinh sống cho 6 con rắn rồng đang bò trườn bên trong.
Chủ nhân Quân khích lệ
tôi: “Anh lên nằm một chút trên giường rắn sẽ có nhiều cảm giác với thế giới thần
thoại giữa người và rắn. Tất cả rắn ở đây đều là loài rắn rồng, không có nọc độc
!” Tôi rờn rợn sống lưng, loay hoay ở khu vực ngoài giường rồi đáp lời giả định:
“Nếu bây giờ tôi đã uống rượu thật say, may ra mới đủ to gan lên giường ngủ say
và thấy mình…hóa rắn ” (?!)
Thì ra trước khi nằm lên giường rắn, thực
khách được uống rượu của XQ Đà Lạt Sử Quán pha chế; rượu thăng hoa rồi ứng tác,
vịnh thơ, ôm đàn du dương hát. Khi rượu đã chếnh choáng ngấm thì thực khách được
mời lên giường rắn để đưa linh hồn về thế giới thần thoại của rắn. Câu chuyện
hóa rắn của của họa sĩ T được ghi lại ở đây là: Đêm say rượu tỉnh giấc hoảng sợ
vì thấy mình hóa rắn, xung quanh mọi người “cự tuyệt ” và không hiểu điều gì. Có
một cô gái thợ thêu đứng bật dậy và vươn cao tấm thân non trẻ “đã làm hồi sinh
và đổi mới cái thế giới cũ mòn và tập quán ước lệ” của họa sĩ T. Ngủ mê muôi đến
khi nghe tiếng gày gáy sáng, nghệ sĩ hồi dương trở lại cuộc sống thế nhân sau
lúc thoát khỏi giường rắn, ăn miếng“thịt gà gáy sáng” ở bên quầy ẩm thực đối diện
cạnh bên.
XQ Đà Lạt Sử Quán còn có những quày ẩm thực
đậm chất “quái” hơn như “uống rượu với người tử tù”, “ve sầu lột xác chiên bơ”,
“bọ cạp hun khói”…Nhưng không vì vậy mà không có những không gian ẩm thực khiến
thực khách dừng bước tự sự như “Quán bánh nơi con đã lớn lên”, “chiếc rương của
người thợ thêu sành nấu ăn gửi cho mai sau những hạt giống rau quý của Đà Lạt”…Ở
đây bắt gặp những chiếc lá chuối dẻo mềm, xanh mướt ở quê gói thành những chiếc
bánh gạo, bánh nếp phủ lên nhân bên trong gồm các loại đậu xanh, đỏ, đen…Hoặc
những chiếc bao tời đựng lúa, đổ lúa vào cối xay tre, dùng tay tre quay cối xay
tre, cho ra những hạt gạo lứt mặn đắng mồ hôi. Và trong những bình thủy tinh trắng
trong, thực khách tận mắt ngắm nhìn từng hạt giống rau Đà Lạt. Đó là màu đen của
hạt mướp, hạt cải xanh; màu xám tro của hạt cà rốt, xà lách, dưa leo; màu xanh
của hạt sú lơ, bắp cải; màu hồng phấn của hạt bó xôi, hoa mè.
Với sản vật từ rừng
có mật ong rừng Đà Lạt vàng ươm. Ở tấm bảng phía trên treo những chiếc sàn treo
đong đưa, có khắc câu chữ thể hiện nhãn quan của chủ nhân về vai trò của nông
nghiệp : “ Ai nói nông nghiệp là mẹ đẻ và là vú nuôi của những ngành nghệ thuật
khác, người ấy có lý” Cũng có lẽ từ nhận
thức này, chủ nhân XQ Đà Lạt Sử Quán đã lắp một khung kính từ một quày ẩm thực
rau Đà Lạt bên trong, nhìn ra một không gian trồng rau ngoài đồng Đà Lạt khá
khoáng đạt. Chắc hẳn những luống rau thẳng tắp, những bậc rau bậc thang nối dài
những quả đồi…là những cảm nhận thú vị của thực khách.
Dù chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng tôi
cũng được kịp dừng ghi những khoảnh khắc pha trộn các sắc màu của “hoa” ẩm thực
trong “Khu phố phù thủy” của XQ Đà Lạt Sử Quán. Khép xong một vòng “cưỡi ngựa”,
ông chủ XQ Đà Lạt Sử Quán, Võ Văn Quân hỏi đi và hỏi lại tôi: “Anh thấy sao về
nghệ thuật ẩm thực của chúng tôi ? ” Tôi trả lời hơi chậm một chút nhưng đó như
là lời phản xạ rất tự nhiên vậy: “Đây là phong cách của Võ Văn Quân”. Đà Lạt Tết Nhâm Thìn 2012