Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Người ôm “kho báu” Tây Nguyên

VĂN VIỆT

( Chung khảo giải báo chí quốc gia năm 2006)

Hơn một phần tư thế kỷ rong ruổi khắp “thâm sơn cùng cốc”, ông đã sưu tập, sở hữu cả ngàn hiện vật đặc trưng bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên. Tên ông có thể được “lưu danh” vào Sách Kỷ lục Việt Nam.

Ông tên Đỗ Văn Toàn, năm nay 64 tuổi, hiện cư ngụ tại phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng). Từ một nghệ nhân chơi, tạo dáng sinh vật cảnh, năm 36 tuổi bắt đầu dấn thân vào hành trình góp tay bảo tồn văn hóa vật thể Tây Nguyên đến ngày nay. Ông sống chan hòa, gần gũi, cùng sẻ chia ngọt bùi với đời sống buôn làng, được đồng bào thân mật gọi ông là già làng K’Toàn. Có lẽ nhờ vậy mà các đạo diễn phim truyền hình HTV đã “hơi bị trúng” khi mời gọi ông thể hiện các vai diễn mang “hơi hướng” rừng rú như: AB’Lốc-người dẫn đường vua Bảo Đại đi săn ( phim Ngọn nến Hoàng cung), thầy cúng K’Rung ( phim Sương gió biên thùy)…    
 “Kho báu”…đầy nhà
Hiện tại ngôi nhà cấp 4 của ông bên đường phố Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát, Bảo Lộc phải “tải” chứa hơn 100 mét vuông-chiếm 2/3 diện tích căn nhà-làm “kho báu” cất giữ cả ngàn vật thể sưu tập trong 28 năm qua. Ông phân loại gồm 7 nhóm: đồ gia dụng, nhạc cụ, săn bẫy thú rừng, săn bắt dưới nước, dệt thổ cẩm, rèn và công cụ phát rừng rẫy trồng tỉa. Tất cả có 4 phòng “nhà kho”, phòng nào ông cũng chất đống hàng hàng, lớp lớp từ nền xi măng chật cứng lên đến…mái nhà. Chỉ chừa lại một lối vừa đặt…hai bước chân đi lại bảo quản hàng ngày. Rất nhiều những món đồ thường bắt gặp trong đời sống sinh hoạt của đồng bào là cồng chiêng, chum chóe, xà gạt, khung dệt thổ cẩm…
Và cũng có không ít những vật thể đã hiếm thấy từ lâu là: bể lò rèn, bếp 3 chân kiềng; bộ trống da nai; thuyền độc mộc, cỗ quan tài khoét rỗng từ thân cây… Tất cả đều là những công cụ tự chế của đồng bào các dân tộc Chill, K’Ho, Lạch, S’Tiêng, Mạ, Chu Ru…mà ông Toàn tìm kiếm được từ nhiều ngõ ngách buôn làng, hết sông sâu đến núi cao thuộc các vùng rừng Lâm Đồng, Đak Nông, Dak Lak, Bình Phước. Món đồ đầu tiên ông đưa về nhà trưng bày từ năm 1959 là một bộ cung nỏ, xà gạt, ống đựng mũi tên tre-nứa…Lúc đó, ông mang gạo, mắm muối vào “trao đổi hai chiều” với đồng bào ở buôn Bà Kẹ, Kohinda, Bảo Lộc. 

Nhưng rồi mãi đến năm 1978, ông mới có điều kiện dồn hết tâm sức, tiền của riêng mình để tập hợp, sắp xếp từng “bộ vật thể” thành những “tập đoàn” trong “vốn cổ” này. Ông Toàn là người con trai duy nhất trong gia đình, mồ côi cha mới lên 5 tuổi. Mẹ qua đời năm 1994 trong lúc hành trình “xây kho báu” của ông Toàn vẫn đang thúc bách, chưa biết khi nào đến “bến đậu”. Tính ra gần 30 năm làm “nghề sưu tập” này, ông Toàn đã “đầu tư” hết 3 chiếc xe máy; bán đi nhiều giàn sinh vật cảnh, nhiều sào đất trồng cà phê và dốc cả những đồng vốn hồi môn…mà chẳng chút băn khoăn, toan tính thiệt hơn.
Từ đó không gian sinh hoạt, nghiên cứu, học hành của vợ chồng ông Toàn và 5 người con dưới mái ấm này cứ thu hẹp dần bởi sự “xâm lấn” của “văn hóa vật thể” Tây Nguyên. Hiểu lắm cái tính đam mê đến quên mình của ông Toàn nên vợ và đàn con của ông phải tìm cách “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, sẵn lòng “nhường nhịn” ông như từng trải bao nhiêu năm vậy ! 

Buồn vui đong đầy

Ông Toàn nhớ lại: Thời gian đầu thấy ông mất hút thường xuyên ở rừng sâu, trống vắng quá khiến cả nhà lo lắm. Biểu hiện ở người mẹ già là dễ nhận ra nhất. Cụ bà than vắn, thở dài: “Giưã thời buổi thiếu thốn này, người ta gắng sức đi khai hoang, vỡ hóa, tạo lập rẫy vườn trồng tỉa làm ăn. Còn con thì bỏ tiền, bỏ công ra chi phí đi sưu tập những đồ đạc xưa lắc của người trong rừng về mà làm gì chứ ! Lỡ khi lâm cảnh đói khát, liệu có đem bán được những thứ đó để mua gạo không???” Còn đây là lời kế theo của người vợ : “Anh cứ xa vợ-con suốt ngày trong rừng sâu, xui rủi bị bề gì, ai sớm hôm cho anh ?! Làm sao anh tự xoay trở được?!” Vượt ra bên ngoài xã hội, một bộ phận trong dân cư xầm xì dè bỉu ông. Đại để, ông Toàn lại quay về lối sống mông muội, cổ lổ sỉ, hâm hâm-dở dở rồi (?!) Người đồng bào thiểu số đã, đang xách va li đi du lịch, chạy xe ô tô, gắn máy; ở nhà lầu-xe hơi; chứ còn đâu cảnh gùi con trên lưng, vác xà bách trên vai cắt rừng đi bộ nữa?! Vậy mà ông Toàn cứ ngày đêm hăm hở lùng kiếm những vật dụng đó chỉ để làm…chật nhà ông mà thôi (!)
Với gia đình, ông Toàn hóa giải bằng chính nỗi niềm chân thành của mình. Rằng, người ta có thể đắm chìm vào những thú vui cờ bạc, rượu chè, hoan lạc…rồi tự “giết” mình. Còn ông chỉ có sự đam mê tận cùng là sưu tập, lưu giữ những công cụ, vật dụng cổ xưa của đồng bào thiểu số. Dưới mắt ông, nó hiện hữu từng giờ, từng phút với những giá trị tinh thần, tạo động lực giúp ông xua tan cái viễn cảnh ngày kia sẽ mất dần đi những hình hài, sắc thái của văn hóa vật thể Tây Nguyên (?!) Với dư luận bên ngoài chưa thấu hiểu; thậm chí có ý mỉa mai, cạnh khóe nặng-nhẹ, ông Toàn vẫn lặng thầm trong việc mình làm, trong sự cuốn hút say sưa không gì có thể cưỡng lại được.
Ông Toàn đi sưu tập khắp bốn phương, tám hướng. Được tin nơi nào có vật thể“ đưa về “kho báu” được là phóng đi. Phương tiện “phản ứng nhanh” là xe máy. Lúc gặp may sáng đi-chiều về được năm, ba vật dụng. Nếu không thì ông vẫn dạn dày vượt đèo, băng suối năm, mười ngày. Thường những chuyến “công tác” dài ngày như vậy, ông Toàn lỉnh kỉnh mang theo nào quần áo cũ, cá khô, mắm muối, gạo, bánh kẹo, các đồ nghề…cắt móng chân-tay, hớt tóc cho đồng bào. Ông có nghề gia truyền bào chế thuốc nam chữa bệnh miễn phí nữa. Những bệnh “chuyên khoa” như rắn rết, bò cạp cắn phun nọc độc, ông chữa trị “đánh nhanh, diệt gọn” ngay tức khắc. Đáp lại, ông được đồng bào tạo mọi cơ hội, điều kiện cho ông hoán đổi những vật dụng để nằm lăn lóc không sử dụng nữa; hoặc treo lên giàn bếp; gần như vứt bỏ phế thải ngoài vườn, dưới suối; thiếu sự bảo quản giữ gìn…Có lúc gặp cúng lễ, liên hoan ở làng buôn, ông Toàn được mời họp mặt như người nhà thân thích. Múa-hát-trỗi nhạc thâu đêm; được học cách đánh chiêng, đánh trống theo từng tiết tấu “hợp xướng” khác nhau, ông biết thêm những thanh âm phong phú, đa dạng qua những nhạc cụ độc đáo này.
Nhưng giữa chốn rừng xanh hun hút ấy cũng không thể lường hết mọi bất trắc đối với một người quen thói “độc hành” như ông Toàn. Ngày đó-năm “tám mươi”, “con ngựa sắt” của ông “trở chứng” nằm lại giữa rừng. Màn trời kéo xuống tối đen mà buôn làng còn cách xa quá. Có thể gặp thú dữ quanh quất đâu đây. Ông quyết định chọn một cây cổ thụ, neo cột “con ngựa sắt” dưới gốc; rồi leo lên ngã lưng trên một tán cây  an toàn nhất. Vừa chợp mắt đã chớm sáng, bên dưới gốc cây trông thấy nhiều thanh niên đứng-ngồi quây quần canh chờ ông. “Không kể hết bao nhiêu lần tôi đổ bệnh nằm liệt giường tại buôn làng, đồng bào đã chăm sóc tôi hết lòng, lo lắng từ muổng cháo đến từng viên thuốc hiếm hoi trong rừng… ”-ông Toàn còn bộc lộ chân thành rằng, ông còn nặng nợ với họ thật nhiều, nhiều lắm !
“Hồn ở đâu bây giờ”?!
Cái quy luật bất biến của tuổi tác già nua thường đi theo liền với bệnh tật. Do bệnh tai biến thiếu máu não đột ngột xuất hiện nên cả tháng qua ông Toàn không thể đi vào những buôn làng thân quen được. Nhiều già làng, thanh niên cảm thấy bồn chồn, lại từ rừng ra phố “thăm ngược” ông. Sẵn lúc, họ mang theo nhiều vật dụng bổ sung bộ sưu tập “kho báu” của ông Toàn. Trong khi giới sử học; các cơ quan văn hóa-thông tin từ cấp thị xã Bảo Lộc đến cấp tỉnh Lâm Đồng cũng đến rất nhiều lần để trực tiếp khảo cứu nhưng họ “chưa nói gì cả” như lời trình bày của ông Toàn. Tại TP HCM và Bảo Lộc, ông đã đưa năm, bảy trăm “báu vật” đi trưng bày đôi lần trong các gian hàng nằm gọn lỏn trong cả khu vực hội chợ lớn. Cũng có tài trợ nhưng như “muối bỏ bể”. Đến dịp lễ hội Đà Lạt 110 năm, ông muốn lắm mà không thể đưa một “vật thể” nào đi giới thiệu rộng rãi cho du khách được. Không đủ “năng lực tài chính” nên đành…bất tòng tâm.    
Nếu vậy những “mảnh hồn” Tây Nguyên của ông Toàn cứ “ẩn mình” nằm la liệt trong các “kho lạnh” mãi hay sao ?! Biết giữ “hồn ở đâu bây giờ” ?! Chỉ những người tâm huyết, đầy trách nhiệm với việc bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể Tây Nguyên mới có “đáp án” nhanh nhất, đầy đủ nhất cho những ưu tư này. Chứ tự thân ông Toàn thì chỉ có…tinh thần, sự bền chí “còn sống, còn đi sưu tập” là đáng để ghi nhận, khích lệ lắm rồi ! Mới đây, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập các dữ liệu thông tin để ghi tên nghệ nhân Đỗ Văn Toàn-người đạt kỷ lục sưu tập hiện vật của đồng bào thiểu số Tây Nguyên nhiều nhất Việt Nam. 
Bảo Lộc- Đà Lạt cuối năm 2005