VĂN VIỆT
Mong muốn góp tay làm trong lành môi
trường du lịch xanh Đà Lạt, ông Nguyễn Hòa, một công dân Đà Lạt đã sáng chế,
vận hành nhiều cỗ máy gom rác trên hồ Xuân Hương và trong chợ rau Trại Mát rồi
chế biến thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Xay gỗ, củi
khô…bón cho vườn ươm hoa
Gắn
bó với nghề làm sạch đẹp hồ Xuân Hương mười mấy năm qua, ban đầu ông Nguyễn Hòa
vừa là lao công vừa là đốc công trên dưới 20 lao động với các dụng cụ cuốc,
xẻng, xuồng chèo tay, kéo lưới… thu gom năm, ba khối rác hàng ngày. Đến đầu năm
2009, rác thải đổ về hồ Xuân Hương cứ tăng lên gấp nhiều lần nên ông Hòa quyết
định thành lập Doanh nghiệp Môi trường xanh, huy động số vốn hơn 800 triệu đồng
mua cơ giới về thay thế phương tiện thô sơ. Trong đó gồm một chiếc xe, gắn lên
trên cần cẩu một chiếc rổ tự che, cạp rác từ lòng hồ đưa lên bờ. Đoạn cửa dẫn
nước vào hồ Xuân Hương cũng
lắp đặt 300 m dây phao ngăn rác từ hồ lắng tràn qua. Trên 40 ha mặt nước hồ
được bố trí 03 chiếc xuồng máy, ngày đêm
gom sạch rác đưa lên bờ, mỗi xuồng có 2 người điều khiển, công suất gom
rác tối đa đến một mét rưỡi khối rác mỗi chuyến. Chỉnh trang toàn bộ bờ cỏ hồ
Xuân Hương là 03 chiếc máy cắt cỏ hoạt động thường xuyên.
Hai
năm 2009- 2010 , tất cả rác thải được Doanh nghiệp Môi trường xanh của ông
Nguyễn Hòa vớt lên từ mặt hồ Xuân Hương rồi vận chuyển đổ ra bãi rác vùng ngoại
ô, có ngày lên đến mấy chục khối. Nghĩ và lên thiết kế từ lâu nhưng đến đầu năm
2011, ông Nguyễn Hòa mới hoàn chỉnh được cỗ máy xay rác thải rắn tại chỗ, công
suất xay mỗi ngày lên trên 20 mét khối rác. Ước tính mất khoảng 1,5 tấn sắt, ông
Hòa mới “nhào nặn” thành cỗ máy này với “đầu vào” gỗ, củi mục… và “đầu ra” là
phân hữu cơ. Vào những thng cuối
năm 2011, ông Hòa cho ra đời thêm chiếc máy tự chế xay rác thứ 2, lắp đặt mới
chiếc băng chuyền đưa thành phẩm phân bón ra ngoài, công suất chế biến trên
dưới 30 mét khối rác thải rắn đổ về hồ Xuân Hương trong ngày. Trung bình cứ 3
mét khối rác thải được xay ra thành 1 mét khối phân bón hữu cơ, dùng bón trực
tiếp cho hàng ngàn cây giống hoa mai anh đào, hoa ban, các loại cây xanh đường
phố khác… trong vườn ươm của Doanh nghiệp Môi trường xanh của ông Hòa name trên
bờ hồ Xuân Hương.
20 tấn rác rau
thành 1 tấn phân bón
Đà
Lạt hiện có chợ rau tọa lạc ở vùng Trại Mát, mỗi ngày thải ra lượng rác rau
tươi ước khoảng trên dưới 20 tấn, đều được doanh nghiệp của ông Nguyễn Hòa chế
biến thành phân bón hữu cơ hơn một năm qua, chế biến hoàn toàn từ dây chuyền
máy móc tự sáng chế, lắp ráp. Đó
là diện tích nhà xưởng rộng hơn 150 mét vuông, mái lợp tôn, bốn bức tường trống
để thông gió. Ông Nguyễn Hòa giới thiệu các công đoạn của dây chuyền gồm : Rác
thải đưa vào máy xay nghiền, chuyển qua máy ép đến máy đánh và cuối cùng là máy
trộn. Từ máy trộn cho ra phân bón thô, che ủ oai mục trên mặt đất 20 ngày rồi
đóng vào thành từng bao thành phẩm, xuất bán cho nông dân bón cho vườn rau,
vườn cà phê…Để chế biến thành trên dưới 1 tấn phân thô mỗi ngày, dây chuyền đã thu
gom hết trên dưới 20 tấn rau rác tươi thải ra ở Chợ rau Trại Mát, Đà Lạt. Hiện
có gần 10 công nhân đang vận hành hàng ngày trên dây chuyền này.
“Riêng cỗ máy xay nghiền rác trong dây chuyền, tôi tự
chế 01 máy đang hoạt động và 01 máy dự phòng. Tất cả nguồn năng lượng vận hành
đều dẫn từ nguồn điện 3 pha, rất an toàn và rất dễ thao tác…”- Ông Nguyễn Hòa
nói thêm. Nhưng để lắp đặt thành công
dây chuyền chế rác thành phân bón, ông Hòa đã phải mất nhiều năm liền tự tìm
tòi nghiên cứu, phác thảo và chọn ra một dây chuyền chuẩn xác nhất. Cỗ máy xay
rác sáng chế lần thứ nhất đặt tại Chợ rau Đặng Thái Thân, Đà Lạt sau mấy ngày
chạy thử thì rác nghiền nát không đều, các bánh máy quay chưa khớp răng cưa với
nhau. Tiếp tục bổ sung thiết bị tự chế mới, đến tháng 7/2010 mới hoàn thành một
dây chuyền liên hoàn 3 cỗ máy cùng lúc sản xuất những mẻ phân bón đạt yêu cầu ở
khu chợ rau Trại Mát. Đồ nghề tự chế giàn máy xay rác ở Chợ rau Trại Mát của
ông Hòa gồm các loại như máy hàn, máy khoan, máy cắt…sắt thép; 5 tấn sắt thép nguyên
liệu, ước tổng kinh phí cả nửa tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hòa thích độ chỉnh và tự chế tạo các thiết bị
cơ khí từ khi còn là học sinh phổ thông. Năm 2009, được cơ quan chức năng của
tỉnh Lâm Đồng và của thành phố Đà Lạt cho phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân
Môi trường xanh Đà Lạt, ông Hòa nghĩ đến và chế tạo các cỗ máy chế biến phân
bón rác thải đổ về hồ Xuân Hương đã và đang hoạt động hiệu quả như nêu trên.
Với khu vực Chợ rau Trại Mát, Đà Lạt, từ việc thu gom rác tươi hàng tháng trước
đây ngân sách chi trả trên 35 triệu đồng, đến nay ông Nguyễn Hòa đã thu gom
sạch rác và tạo ra thêm khoản doanh thu trên dưới 1 tấn phân bón hữu cơ sản
xuất mỗi ngày. Dòng sản phẩm phân bón này đang được Ủy ban nhân dân thành phố
Đà Lạt và cơ quan bảo vệ môi trường của Pháp chọn làm cơ sở sản xuất phân rác
thử nghiệm để mở rộng trên địa bàn Đà Lạt- Lâm Đồng.
Hy vọng trong thời gian sắp tới đây, phân bón rác thải từ
hồ Xuân Hương, từ đồng rau Đà Lạt sản xuất qua dây chuyền máy móc tự sáng chế của ông Nguyễn Hòa sẽ được chính
thức công bố chất lượng sản phẩm. “Khi đó tôi tiếp tục đề nghị được thu gom tất
cả lượng rác cây, cỏ, rau, củi, lá…không chỉ vớt lên từ hồ Xuân Hương mà còn
thải ra tất cả những khu chợ lớn, nhỏ trong thành phố Đà Lạt để chế biến phân
bón bán ra thị trường. Đồng thời làm thủ tục với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm
Đồng để đăng ký bản quyền sáng chế sản phẩm dây chuyền máy chế biến rác thành
phân bón này. ”- Ông Nguyễn Hòa nói.
Đà Lạt cuối
năm 2011