Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Dấu xưa Cầu Đất

Phóng sự VĂN VIỆT

Lại một năm chuyển mùa dã quỳ vàng, làm chuyến hành hương về xứ trà Cầu Đất, Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt hai mươi lăm cây số theo hướng bình minh lên, lữ khách được thả hồn trong không gian tĩnh tại, tìm lại những dấu xưa đã phủ dày qua gần thế kỷ. 

*Trăm năm cỗ máy xoay tròn
Tấm bảng “thôn văn hóa Trường Thọ” nằm giữa quốc lộ đi từ Đà Lạt về D’Ran đã giữ chân tôi đứng lại tần ngần. Một lão nông bản địa bảo cứ men đường vòng qua quả đồi vào đầu thôn Trường Thọ là chạm được ngõ “Sở trà Cầu Đất” xưa – nay gọi là Công ty Cổ phần chè Cầu Đất. Ông Hoàng Minh Cương, Phó giám đốc Công ty giới thiệu với “khách tôi”: “Thời gian với bao biến động nhưng cỗ máy chế biến chè đen vẫn cần mẫn tạo ra những sản phẩm chè đen “chuyển giao” từ kỷ thuật OTD của Pháp, ổn định thị trường xuất khẩu truyền thống qua các phương trời Âu, Á, Mỹ…Về trong nước, sản phẩm chè đen cũng đã đạt được Giải Sao vàng Đất Việt…”
Tôi hăm hở vào trong nhà xưởng mắt nhìn, tay chạm với dây chuyền thiết bị sản xuất chè đen. Một gian phòng rộng cả trăm mét vuông bao bọc 6 cỗ máy hiệu Mashall sắp hàng vận hành gần tám chục năm nay. Dù bề ngoài vẫn được tân trang hàng năm bằng các lớp sơn phết xanh, đỏ, vàng…nhưng dấu vết xưa cũ thì không thể nào che mờ hết. Đây là dàn máy có chức năng vò xát cọng chè, lá chè cho mở ra những đường “mao mạch” hấp thụ nhất đnh một lượng khí trời. Cả dây chuyền chuyển động bằng mô tô điện năng. Mỗi cối xay có chiều cao từ đáy lên khoảng 01m; đường kính chừng 1,5m. Trên mặt cối mở ra hình chiếc phễu hứng chè nguyên liệu chảy xuống từ đường ống hình vuông khá lớn trên trần nhà. Đấu cầu dao điện, 6 cỗ máy trỗi nhịp xoay đều rầm rập; từng dòng chè tươi tuôn xuống rào rào như suối chảy. Đầu ra bên dưới mỗi cối xay là những chiếc mâm hình chữ nhật có gắn bốn bánh xe cao su tổng hợp. Công nhân thao tác khá nhẹ nhàng, chỉ ấn nút và chuyển chè qua công đoạn tiếp theo bằng quán tính nhẹ tênh bởi những vòng bạc đạn trong bánh xe. Qua dàn máy sàng cạnh bên trông thật lạ mắt. Từ nước Pháp bên kia bán cầu đi qua Cầu Đất này hơn tám mươi năm rồi mà vẫn vận hành thoăn thoắt như khung cửi. Diện tích sàng phải hơn 06 mét vuông, chia thành 03 ngăn, ngày ngày lắc lư gõ nhịp để cho ra thành 03 loại trà sơ chế khác nhau.       
Dấu xưa dây chuyền cổ sản xuất chè đen Cầu Đất càng hiện rõ mồn một hơn khi nối liền với công đoạn ủ chè lên men. Ước tính căn phòng rộng gần trăm mét vuông vẫn còn sử dụng hệ thống lò sưởi được đốt bằng củi. Cánh quạt xưa trên tường cao vẫn miệt mài thổi nhiệt độ từ lò sưởi và hút khí lạnh từ thiên nhiên để trung hòa nhiệt độ trong phòng từ 20-35 độ C. Tường gạch men trắng; nền xi măng; trần gỗ…đã úa màu đến gần tuổi trăm năm. Ông Hòa, một Việt Kiều 60 tuổi từ nước Úc nhớ lại: Ông sinh ra ở xứ chè Cầu Đất. Hơn ba chục năm định cư nơi đất khách quê người, hương chè Cầu Đất vẫn rạo rực tươi xanh trong máu thịt ông. 
Hàng năm về nước, ông dành phần lớn thời gian dạo ngắm quanh những gốc chè xưa; uống nước chè xanh hôi hổi, lòng ông thật hạnh phúc. Thân sinh của ông Hòa nguyên là công nhân của Sở chè Cầu Đất  từ thời Pháp thuộc, mỗi lần về nước - về Sở trà Cầu Đất, đi một vòng giàn máy sản xuất chè đen nay vẫn còn bảo dưỡng vẹn nguyên nghe bồi hồi lắm. Bây giờ nó là dây chuyền gồm 06 cỗ máy cổ nhất Đông Dương với các chức năng vò, sấy, sàng, lên men, đánh bóng, làm sạch, đóng gói thành phẩm…suốt tháng quanh năm chuyển động dưới bàn tay vận hành thuần thục của hơn 30 công nhân đồng phục màu xanh Cầu Đất, sản xuất ra những cánh chè đen xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ. Ông tự hào có một thương hiệu chè đen Cầu Đất - quê ông - nơi có một quãng đời tuổi thơ ngập đầy kỷ niệm...   
*Giữa rêu phong chè cổ
Ở Lâm Đồng nếu B’Lao là thủ đô chè thì Cầu Đất phải là cội nguồn chè đã nối tiếp trăm năm. Về đây ngắm nhìn ngàn ngàn ha chè phủ xanh núi đồi, dập dềnh giữa lưng chừng trời; cảm giác mênh mang, bất tận. Anh Nguyễn Hữu Phước, cán bộ nông nghiệp của Công ty Cổ phần chè Cầu Đất dẫn đi thăm một nương chè cổ vừa khoanh vùng quy hoạch du lịch, bảo tồn nguồn gien. Đây là giống chè Shan được người Pháp du nhập về Sở chè Cầu Đất vào những năm đầu thập kỷ mười của thế kỷ trước. Nương chè trải dài hơn một ha, xoãi lưng nghiêng theo một triền dốc dẫn xuống thung lũng, chạy dọc ven hồ nước có tên là hồ nước Tăng Gia rộng lớn. Bên kia quả đồi là hồ nước Phát Chi có từ lâu đời. Phía sau nữa là Hang Dơi - nơi trú ngụ của các loài dơi hoang dã, đã và đang thu hút rất lớn lượng khách du lịch vào đây khám phá thiên nhiên kỳ thú. Bốn bề non non, nước nước ôm trọn khoảng không gian khoáng đạt đến tận cùng. Đặt chân vào trong khu vườn chè cổ, từng hàng cây cao quá ngực người trông chắc cành xanh lá. Dang hai cánh tay ướm thử làm thước đo, ước tính đường kính vòm lá trung bình ở mỗi cây chè cổ thụ từ 2m đến 4m. Số đo của gốc cây chè dao động trong khoảng trên dưới 0,5m. Thời gian non một thế kỷ trôi qua đã dày lên những lớp rêu phong bám víu từ gốc cây đến thân cành. Một màu rêu trắng phếch dưới tán lá ngát xanh, gợi bao điều liên tưởng về cõi nhân sinh…
Cắn đôi một quả chè mọng nước, anh Phước bảo: “Uống chè xanh giống cổ này có tác dụng rất tốt cho việc ngăn ngừa các bệnh béo phì, gan, thận và thậm chí tránh được bệnh ung thư nữa…” Từ hàng ngàn ha chè cổ xứ Cầu Đất-Xuân Trường, nay người chủ vườn đã thay thế gần như tất cả diện tích chè giống mới, thích ứng theo lợi nhuận cạnh tranh của thị trường. Công ty Chè Cầu Đất không thể đứng ngoài vòng xoáy này, nhưng vẫn thủy chung giữ lại nguồn gien chè cổ gồm 127 ha tiếp tục chăm bón, sản xuất, chế biến; và 01 ha chăm sóc với “chế độ đặc biệt” dành phục vụ khách tham quan. Hạch toán cho thấy mỗi ha chè cổ chăm sóc tốt vẫn thu được trên dưới 15 triệu đồng mỗi năm. Tính ra giá trị kinh tế hiện tại không cao bằng các giống chè cao sản mới, nhưng giá trị lớn nhất mà Công ty chè Cầu Đất muốn lưu lại thật thiêng liêng : “Cổ”   !
Điều khá bất ngờ từ sau Festival hoa Đà Lạt đến nay, giới chơi cây cảnh ở địa phương, các tỉnh, thành bạn đã tìm mua khá nhiều cây chè cổ về làm bonshai, tạo tiểu cảnh trong các khu du lịch. Trung bình mỗi cây chè cổ giá mua đến 500 ngàn đồng; cá biệt có cây hơn 01 triệu đồng vì có dáng tự nhiên sần sùi, già cỗi đến…vô thường. Mô hình du lịch sinh thái chè ở Cầu Đất-Xuân Trường dẫu chỉ trong thời gian khởi động nhưng đã hiện ra một tour du lịch mới thật lôi cuốn, thật hấp dẫn cho Đà Lạt. Người “phát kiến” ra ý tưởng này là ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Cầu Đất này. Ông Khanh cho biết rằng, việc đầu tư du lịch sinh thái chè nơi đây không phải sôi nổi như những mô hình khác. Có chăng chỉ mở rộng những con đường mới để xe du lịch vào ra nương chè cổ được thuận tiện hơn. Những nhà khoa học đến đây được đối chứng giữa giống chè cổ với giống chè mới đang có sức hút mạnh với thị trường. Khách du lịch không chỉ thưởng thức tại chỗ cốc chè cổ, sóng sánh nước xanh nóng ấm; mà được trút bỏ mọi ưu phiền thường nhật. Khi tinh mơ đón sương mù bồng bềnh trôi; chiều ngắm hoàng hôn dát vàng nơi đỉnh núi ra-da cao nhất của Đà Lạt, cho hồn bay về chốn tiên cảnh trong những câu chuyện mẹ kể ngày xưa…
*Khép kín một ngày đàng
Chậm rãi rảo bước xuống vườn chè cổ lên xưởng máy cổ Cầu Đất khép kín một ngày đàng, lữ khách được trôi về miền hoài cổ trăm năm. Cuối tháng 12/2006 này, nơi đây là địa chỉ vàng diễn ra festival chè suốt 04 ngày. Lữ khách dịp này được thưởng thức tách chè cổ pha theo phong cách cổ giữa đêm cao nguyên lồng lộng; giữa bình minh lãng đãng mờ sương. 
Khi nắng vàng sưởi ấm, lữ khách được dong thuyền ra dòng sông La Bá giữa nuí non K’rông Pha hùng vĩ. Hoặc vào Hang Dơi khám phá những điều bí ẩn của thiên nhiên. Triển vọng sau festival chè 2006, Sở Trà Cầu Đất có thêm cơ hội vàng để lôi cuốn lữ khách với nhiều ngạc nhiên và sâu lắng hơn. Và chắc hẳn sẽ nhân lên nhiều lần con số 1.000 lữ khách hàng năm về đây “du khảo”.
Đà Lạt cuối năm 2006