Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Du mục cùng ong


Phóng sự VŨ VĂN
Mùa khô Nam Tây Nguyên nắng vàng óng, mưa lấm tấm phủ đều trên cây lá, là mùa lý tưởng nhất trong năm dành cho đàn ong bay đi tìm hoa lấy mật. Bên đường cái quan đi qua Xuân Trường, Đà Lạt, một ngày đầu tháng tư năm nay, tôi đã có được những khoảng không gian du mục cùng ong. 
    
MẬT NGỌT TRÊN CAO
Tháng tư, những con đường dốc đồi đi qua Xuân Trường, Trạm Hành, vùng đất cửa ngõ Đông Nam thành phố Đà Lạt, chập chùng một màu hoa cà phê catimor trắng trong, ngan ngát, có sức quyến rũ đặc biệt đối với loài ong đi tìm mật ngọt cho cuộc sống con người. Dừng chân dưới tán thông xanh rợp mát bên đường, anh Vũ Quang Trường, người chủ trại ong du mục từ cao nguyên Di Linh lên cao nguyên Xuân Trường, Đà Lạt, đón tôi như một khách hàng đến mua sữa ong thường ngày: “Sữa mật ong vừa thu sáng nay đang rất thơm mùi hương hoa cà phê Xuân Trường, Đà Lạt. Anh mua mấy ký, tôi bán ngay cho, chứ chút nữa là tôi chuyển hết về cửa hàng bán đặc sản sữa ong cao cấp ở thành phố Bảo Lộc…” Để dẫn chứng, anh Trường dẫn tôi đến giữa trại ong dã chiến, cho tôi cầm lên một thanh cầu ong trên hai tay, đón nhận một mùi sữa thơm dịu tỏa ra. Hỏi “ bao nhiêu một ký phấn sữa ? ” Trường đáp nhanh : “Dạ, 700 ngàn đồng một ký bán bằng với giá sỉ. Ngoài thị trường có thể hơn 01 triệu đồng mỗi ký nhưng bây giờ ngoài trại ong của tôi, đoan chắc không có trại ong nào sản xuất dòng phấn sữa từ mật hoa của cà phê catimor Xuân Trường, Đà Lạt năm nay…”
Trò chuyện một lúc sau, Trường kể thêm: Đã hơn 5 năm vào nghề nuôi ong, đây là lần đầu tiên Trường vượt 70 cây số từ trại ong của mình ở số nhà 132, thôn Phú Hiệp, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh đến Xuân Trường, Đà Lạt dựng lều trại chăm đàn ong lấy mật gần suốt cả tháng qua.Với tất cả đàn ong triệu con nuôi trong 700 thùng gỗ, Trường thuê 4 chiếc xe tải chở chầm chậm từ Gia Hiệp, Di Linh đến Xuân Trường, Đà Lạt căng tấm bạt che mưa che nắng để cùng ong đi tìm mật ngọt. Lúc vừa đến nơi, thấy vẫn còn ánh sáng mặt trời, Trường mở cửa tất cả 700 thùng ong, thả toàn bộ đàn ong bay hút vào hướng rừng cà phê catimor tìm mật ngọt ngay. Một ngày, hai ngày và tuần đầu tiên, biết được kết quả ong hút với lượng mật hoa dồi dào, Trường và 4 người trong gia đình nữa yên tâm ở lại Xuân Trường, Đà Lạt cùng với đàn ong của mình cho đến khi hoa cà phê catimor bắt đầu thời kỳ kết nụ…   
  NGÀY “ĐI HOANG”, ĐÊM CHO SỮA
Ngồi giữa trại ong vào tầm 9 giờ sáng trời trong, phần lớn đàn ong triệu con nuôi trong 700 thùng gỗ của anh Vũ Quang Trường đặt tại Xuân Trường, Đà Lạt, đều tung cánh bay xa với bán kính trên dưới bốn cây số để hút mật hoa cà phê catimor.  Gần tháng qua cứ bắt đầu một ngày mới khi mặt trời ló dạng ở đằng đông thì triệu con ong của Trường vụt bay ra khỏi từng thùng gỗ để “đi hoang” lấy mật. Đến khi mặt trời còn lại những vầng ráng đỏ đằng tây thì đàn ong mới trở về lại “tổ ấm” của mình. Toàn bộ thời gian suốt 12 giờ về đêm, từng con ong cần mẫn sản xuất ra từng giọt phấn sữa li ti đặc quánh; hợp lại với triệu con ong sản xuất thành từng muỗng nhỏ sữa phấn đượm nồng.  
Anh Vũ Quang Triệu, em ruột của Trường nói rằng sau một ngày chăm chỉ ngoài đồng cà phê, đến đêm về mỗi “tổ ấm” đã kết sẵn trong từng thùng gỗ, ong lặng lẽ vặn mình tiết ra tửng giọt sữa bám dính trên mỗi ô nhựa nhỏ bằng đầu ngón tay. “Ong đi hút mật hoa ban ngày rồi chuyển hóa trong cơ thể của ong đến ban đêm mới tiết ra một lượng sữa phấn đậm đặc cho người nuôi. Sữa đạt chất lượng an toàn cao nên trại ong chúng tôi không có đủ số lượng để kịp bán ra trên thị trường đặt trước. Có lẽ khí hậu tháng tư ở địa hình Xuân Trường, Đà Lạt cao hơn 1.500 mét, cả ngày đêm mát lạnh đã khiến cho hoa cà phê catimor rực nở một màu trắng tuyết lâu tàn, ong hút được nhiều lượng mật vượt trội so với những vùng đất khác ở Lâm Đồng có địa hình thấp hơn… ”
Trở lại lời kể của chủ nhân trại ong dã chiến, anh Vũ Quang Trường: Những mùa hoa cà phê trước đây, nhóm của Trường gốm 5 người trong gia đình chỉ du mục cùng ong ở những vùng đất quen thuộc từ huyện Di Linh lên huyện Đức Trọng và qua huyện Lâm Hà. Nhưng rồi cuối cùng cũng đến lúc “đất chật, ong đông”, đàn ong triệu con của Trường phải nhường bớt phần ở các khu vườn hoa thơm mật ngọt cho những đàn ong triệu con của những hộ gia đình khác trong tỉnh Lâm Đồng. Vậy là đầu năm 2011, Trường quyết định vượt lên đỉnh đèo Prenn để “du khảo” thực địa ở khắp vùng chuyên canh cà phê catimor Đà Lạt. Từ ngày 01/4/2011 đến nay, Trường đã được chính quyền địa phương cho phép chọn một khoảng không gian chuyên canh cà phê catimor đang nở hoa với bán kính trên dưới 4 cây số để tập kết đàn ong đi lấy mật. Và đất lành Xuân Trường, Đà Lạt đã hào phóng ban tặng cho đàn ong của Trường những nguồn thức ăn ngọt lành. “Mỗi ngày hoa trắng cà phê catimor Xuân Trường, Đà Lạt đã cho tinh chất mật ngọt cho đàn ong triệu con của chúng tôi sản xuất trên dưới 5 ký phấn sữa. Tất cả lượng sữa thu được đều đưa về cửa hàng đặc sản sữa ong cao cấp ở thành phố Bảo Lộc bán chủ yếu cho khách du lịch trong và ngoài nước. Nhưng nếu hàng ngày gặp khách đi đường ghé chân qua trại ong du mục của chúng tôi hỏi mua, chúng tôi đều bán bằng giá bán sỉ mỗi ký với số tiền trên dưới 700 ngàn đồng….”- Trường ước tính.
Trường cho biết đây là giống ong nguồn gốc nhập cư từ Ý về Lâm Đồng, sau đó gia đình anh đã tự tạo ong chúa rôi nhân số lượng đàn ong lên theo quy mô chăm nuôi của mình. Tất cả có 700 thùng tổ ong này, mỗi thùng ong có giá trị trên 600 ngàn đồng. Thùng đóng bằng gỗ, kích thước mỗi thùng bằng chiếc va ly xách tay, bên trong lắp đặt thành sáu, bảy vách ngăn cho ong làm tổ giữ mật và tạo sữa. Có chiếc máng nhỏ gắn bên ngoài đựng những hạt phấn ong sản xuất ra nhỏ như hạt cát. Khi bình minh lên, ong vỡ tổ đi tìm nhụy hoa, anh Trường và những nam thanh niên trong gia đình cả thảy 5 người cầm trên tay chiếc lon hun khói nhỏ để xua những con ong còn lại trong thùng bay ra xa. 
Từng cầu ong được đưa ra ngoài nhẹ nhàng để lấy sữa ong đọng lại trong từng hàng ô nhựa nhỏ bằng đầu ngón tay trỏ. “Với 700 thùng ong chăm nuôi hàng ngày trên vùng cà phê catimor Xuân Trường, Đà Lạt, việc lấy sữa ong tại chỗ của hộ gia đình 5 người chúng tôi phải hết 3 ngày mới xong một lượt. Lấy sữa ong đến đâu thì cấy gắp từng con ong ấu trùng bỏ lại trong từng cầu ong đến đó. Tỉ mỉ, cẩn trọng chăm nuôi trong ô sữa  hơn 10 ngày sau, ong ấu trùng nhỏ bằng sợi tóc sẽ phát triển to dần lên bằng đầu đũa, rồi mọc cánh và bay đi vù vù vào vườn cà phê lấy mật. Đây là một thế hệ ong mới khỏe mạnh được sinh sản ra từ kỳ lấy mật ở Xuân Trường, Đà Lạt này… ”- một thành viên nuôi ong của gia đình anh Trường nói.
HẸN NHỮNG MÙA HOA SAU 
Đến cuối tháng 4/2011 này, đàn ong triệu con của hộ gia đình anh Vũ Quang Trường tạm biệt một tháng lấy mật hoa cà phê catimor tạo sữa ở Xuân Trường, Đà Lạt để trở về khu vườn nhà ở xã Gia Hiệp, Di Linh, sau đó tiếp tục du mục cùng ong đến những cánh đồng trổ hoa bắp trong tỉnh Lâm Đồng. Nếu tính riêng một tháng đưa 700 thùng tổ ong lên Xuân Trường, Đà Lạt hút mật hoa cà phê catimor, Trường không phải mất 7 tấn đường nuôi sống cho ong, giá trị gần cả trăm triệu đồng. Trung bình số sữa ong khai thác hàng ngày của Trường ở Xuân Trường, Đà Lạt với trên dưới 5 ký, đạt tổng giá trị bằng tiền trên dưới 3,5 triệu đồng, trong đó bán tại chỗ cho khách hàng địa phương và khách du lịch vãng lai mỗi ngày khoảng hơn 01 ký sữa. 
“Hoa cà phê catimor nở nhiều và chất lượng như ở Xuân Trường, Đà Lạt trong mùa khô năm 2011, đàn ong 700 thùng chúng tôi chỉ hút mật qua hai mùa là gần đủ hoàn lại nguồn vốn đầu tư ban đầu. Hy vọng đến mùa năm sau, hoa cà phê catimor ở Xuân Trường, Đà Lạt sẽ nở bung với chất lượng đạt bằng hoặc cao hơn và số lượng hoa phát triển rộng đều khắp vùng, chúng tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội đưa đàn ong triệu con lên đây hút mật, sản xuất sữa với thời gian sẽ bắt đầu đến sớm hơn và kết thúc chậm hơn từ một đến hai tháng so với mùa này…”- Trường nói. Tháng 4/2011