Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Trở lại “phố cao lầu”

VĂN VIỆT

“Phố cao lầu” là tên gọi thân thiện của nhiều lữ khách trong nước, quốc tế mỗi khi nhắc đến ẩm thực phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới. Đầu đông vừa qua trở lại Hội An “điền dã” một ngày đêm tôi đã có những hiểu biết thêm về miền thương cảng này.

Qua sông Hàn từ cây cầu dây văng tráng lệ, tôi lên xe máy chạy dọc ven biển xuôi về phố cổ Hội An. Vùng ven đô Hội An mới mấy năm trở lại đã thay đổi khá nhanh với hệ thống resort “đẳng cấp sao”. Theo chiều dài đường thảm nhựa chưa đến 30 cây số là để lại sự náo nhiệt của phố phường hiện đại để đến với sự trầm mặc của nét phố rêu phong cổ kính. 
Đồng nghiệp của tôi ở đây bảo rằng Hội An là một kho tàng trầm tích bao điều chưa biết, ngay cả với người đã sinh ra và lớn lên nơi này. Thật lạ khi tôi nghe thấy những đứa trẻ phố Hội ríu rít tiếng Anh với người ngoại quốc. Một người phụ nữ chủ shop hàng mỹ nghệ ở đây nói. “Các cháu  lứa tuổi mẫu giáo chưa một lần tiếp xúc với chữ viết tiếng Anh. Chỉ nghe bố mẹ, người thân trong gia đình giao thương với người nước ngoài là chúng tự học theo đó mà !” Theo chị, việc sử dụng tiếng Anh nơi phố cổ thường xuyên như sử dụng tiếng Việt vậy. Bởi hàng ngày khách ngoại quốc vào ra tham quan dập dìu. Không nói được tiếng Anh thông dụng coi như mất nửa doanh thu bán hàng rồi !
Dãy phố bán tranh sơn dầu của phố Hội thường thu hút khá đông lượng khách quốc tế. Người phụ nữ trạc năm mươi tuổi, chủ Gallery 180, đường Trần Phú, kể chuyện học tiếng Anh của người Hội An khá đặc biệt. Không có những trung tâm ngoại ngữ chen chúc nở rộ ở phố Hội. Người dân tự học với nhau qua giao tiếp thường xuyên với người nước ngoài. 
Có thể từng nhóm thương nhân thuê giáo viên về giảng dạy tiếng Anh đàm thoại ở nhà; hoặc tập trung lên trung tâm học các lớp nâng cao buổi tối. Tất cả học viên lên lớp đều đã…nói được tiếng Anh. Còn trẻ em khi bi bô nói tiếng mẹ đẻ thì cũng đồng thời bập bẹ tiếng Anh qua môi trường tiếp xúc. Lớn lên vào cấp học phổ thông, học sinh Hội An luôn chiếm ưu thế về khả năng nói tiếng Anh trôi chảy hơn so với học sinh những địa phương khác. Bà chủ Gallery 180 nói: Người Hội An đều giao tiếp được tiếng Anh qua bán hàng. Nhưng để diễn đạt nhiều hơn khi bán hàng tranh sơn dầu cho khách nước ngoài như bà phải học thêm từ sáu tháng trở lên. Học theo giáo trình từ các trường đại học trong và ngoài nước mới tiến bộ nhanh được.
Bà chủ Gallery 180 tặng tôi tấm danh thiếp làm quen. Tôi đọc mãi mới hay trên đó không có dòng chữ nào ghi bằng…tiếng Việt. Tất cả từ sơ đồ đường phố, số điện thoại, các mặt hàng chuyên doanh đến tên cửa hàng và tên người chủ cửa hàng đều ghi bằng tiếng Anh. Bà chủ giải thích điều đó là cho thuận tiện trong giao dịch vì phần lớn khách hàng đến Hội An hàng ngày là người ngoại quốc. Tranh sơn dầu bán ở Hội An khá đa dạng về phong cách thể hiện. Phố có một trung tâm triển lãm tranh sáng tác từ đội ngũ họa sĩ ở đây mở cửa suốt ngày đến nửa đêm. Tranh phong cảnh, tĩnh vật, trừu tượng, cuộc sống con người…là chủ yếu. Ngoài ra còn có tranh thư pháp đang tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với khách phương Tây. Giá tranh phố Hội bán chung “khách ta” hay “khách tây” chỉ một giá. Một bức tranh phong cảnh mùa vàng rộng một mét; dài hai mét; chất liệu nền vải sơn dầu tại Gallery 180 có giá bán chưa tới 500USD. 
Giá cả ăn uống của “phố cao lầu” cũng tính bằng USD nhưng chỉ nằm ở mặt bằng trung bình của các đô thị du lịch trong nước. Nhà hàng Vĩnh Hưng trung tâm phố cổ ghi giá lên tấm bảng bằng gỗ: “Buffet only 2,5 USD every morning” ( Bữa ăn tự chọn mỗi sáng chỉ 2,5 đô la Mỹ). Nhân viên nhà hàng cho hay bữa ăn tự chọn khá nhiều món theo khẩu vị; có đủ nước uống trà, cà phê, sữa…Tôi nhẩm tính sang tiền Việt chỉ hơn 40 ngàn đồng cho mỗi buổi sáng giữa lòng phố Hội thì đâu quá “suy nghĩ” đối với khách du lịch mọi tầng lớp. Vào nhà hàng, tôi mở cuốn thực đơn để “kiểm tra” lại giá một tô mì cao lầu chỉ…10 ngàn đồng Việt Nam. Món cao lầu có lịch sử hơn 300 năm khi phố Hội An hình thành. Một tài liệu du lịch thể hiện năm 1990 một cuộc hội thảo quốc tế ở Hội An kết luận món cao lầu có nguồn gốc từ xứ Phù Tang - Nhật Bản. Nhưng bây giờ mì cao lầu Nhật Bản sản xuất bởi thiết bị máy móc hiện đại thì mì cao lầu ở Hội An vẫn sản xuất bằng phương pháp thủ công nhào, sấy, ủ, cán…khá độc đáo. Còn thịt heo ở Nhật là thịt heo tăng trọng công nghiệp; thịt heo ở Hội An được người dân ven đô nuôi thả rông, thịt nhiều nạc thơm và ngon hơn…
Chuyện “thẩm định”  món cao lầu của các nhà khoa học là vậy. Với tôi lúc này đây đang thưởng thức tô mì cao lầu của “phố cao lầu” không bốc khói mà vị đậm ngon của nó chắc còn “ám ảnh” mãi.! Hội An- Đà Lạt đầu đông 2006