Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Doanh nghiệp tạo thu nhập ổn định cho nông dân

VĂN VIỆT
Doanh nghiệp Trường Hoàng ở Liên Nghĩa, Đức Trọng đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ cao, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.

Hơn 6 tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp Trường Hoàng ước tính đã bao tiêu sản phẩm chanh dây của nông dân trong tỉnh Lâm Đồng lên đến 300 tấn/tháng, tương đương sản lượng thu hoạch trên tổng diện tích khoảng 40ha. Việc bao tiêu chanh dây ở đây thực hiện theo hợp đồng liên kết ổn định quanh năm giữa doanh nghiệp Trường Hoàng với 2 tổ chức kinh tế và gần 20 hộ nông dân, trong đó ấn định mức đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho người sản xuất từ 20% trên tổng doanh thu. Đáng nói là trong toàn bộ các khâu chọn giống chanh dây chất lượng cao và khâu kỹ thuật sản xuất đều do doanh nghiệp Trường Hoàng cung cấp, hướng dẫn và trực tiếp chuyển giao cho từng hộ nông dân liên kết. Để thiết lập và triển khai từng hợp đồng sản xuất chanh dây này, doanh nghiệp Trường Hoàng đã mất khá nhiều năm để đàm phán, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Đài Loan và các nước khác trong khu vực châu Á. Thời gian đầu xuất khẩu bằng sản phẩm chanh dây tươi nguyên quả. Sau này, doanh nghiệp Trường Hoàng đã xuất khẩu thêm các loại sản phẩm chanh dây chế biến tại 9 cơ sở nhà xưởng với 20 kho lạnh, tọa lạc trên nhiều địa bàn sản xuất tập trung nguyên liệu đầu vào trong tỉnh Lâm Đồng. Anh Trần Đức Anh, đại diện doanh nghiệp Trường Hoàng nói: “Trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu chanh dây Lâm Đồng, doanh nghiệp chúng tôi đã xây dựng phương án sản xuất và thực hiện tốt hợp đồng ký kết với nông dân, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thường xuyên theo dõi và đánh giá cao…”  Và kết quả tính riêng trong một năm vừa qua, doanh nghiệp Trường Hoàng đã “nghiêm túc” thực hiện hợp đồng thu mua chanh dây với giá 15.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cho đối tác nông dân và các tổ chức liê kết sản xuất trên mỗi héc ta từ 200 triệu đồng lên đến 400 triệu đồng.  
Đến nay, doanh nghiệp Trường Hoàng với đội ngũ nhiều kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp được tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế, thường xuyên sát cánh với người nông dân Lâm Đồng áp dụng các biện pháp canh tác ngày càng hiệu quả hơn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với tỷ lệ tăng lên, không chỉ đối với cây chanh dây mà còn có cả cây hoa lily cao cấp. Nếu như năm 2006, doanh nghiệp Trường Hoàng chỉ duy trì diện tích sản xuất hoa lily 3ha thì đến thời điểm tháng 7/2015 tăng lên gần 20ha. Với công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân tự động theo lập trình từng thời vụ sản xuất, đồng hoa lily của doanh nghiệp Trường Hoàng hàng năm đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Tiếp sau đó với 2 bước đột phá trong 2 năm ( năm 2012 và năm 2014) trồng lan hồ điệp theo công nghệ nhà kính châu Âu tổng diện tích 8.000 mét vuông, đã đưa Trường Hoàng trở thành 1 trong 4 doanh nghiệp Lâm Đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của quốc gia. Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, doanh thu tăng nhanh gấp nhiều lần, doanh nghiệp Trường Hoàng có thêm điều kiện tạo việc làm thường xuyên và việc làm trong những lúc nông nhàn cho hàng trăm lao động là người đồng bào thiểu số, người lớn tuổi, người nghèo ở xã Tu Tra (Đơn Dương), thị trấn Liên Nghĩa ( Đức Trọng) với mức thu nhập từ 120.000 đồng đến 160.000 đồng/người/ngày công.   
Tại Hội nghị điển hình tiên tiến của ngành nông nghiệp Lâm Đồng mới đây, doanh nghiệp Trường Hoàng chia sẻ những kinh nghiệm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân là luôn tập trung nghiên cứu những đòi hỏi của thị trường trong nước, xuất khẩu để triển khai kế hoạch sản xuất và cung ứng những sản phẩm chất lượng cao, giá cả phù hợp. Định hướng đến năm 2020, doanh nghiệp Trường Hoàng tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu chanh dây liên kết thành những chuỗi sản xuất, tiêu thụ lâu dài sản phẩm của đối tác nông dân Lâm Đồng từ 3.000- 3.500ha. Đạt được mục tiêu này chắc chắn sẽ có thêm cơ hội cho doanh nghiệp Trường Hoàng giải quyết việc làm mới cho hàng trăm lao động nông thôn Lâm Đồng./.      
THÁNG 7/2015