Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Nông thôn mới Đơn Dương với "3 Ban" đồng hành


VĂN VIỆT
Sự đồng hành của "3 Ban" chỉ đạo và phát triển nông thôn mới huyện Đơn Dương đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất và nâng cao đời sống thu nhập của người dân trên địa bàn, tạo nên bức tranh nhiều sắc màu trong 5 năm tới.

Hàng tháng, hàng quý giao ban, hàng năm sơ kết
Tiếp tục xác định là một nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự an toàn xã hội giai đoạn năm 2016- 2020, Huyện ủy, UBND huyện Đơn Dương đã kịp thời ban hành các văn bản chính sách để triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Tiêu biểu các văn bản của Huyện ủy Đơn Dương như: “Kết luận số 55, ngày 20/9/2016 về tiếp tục lãnh đạo giữ vững và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới năm 2016- 2020”; “Chỉ thị số 13, ngày 25/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh””…Và các văn bản điều hành của UBND huyện Đơn Dương gồm: “ Đề án số 1347, ngày 13/10/2016 về giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2016- 2020”; “ Quyết định 1346, ngày 12/9/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia huyện Đơn Dương giai đoạn năm 2016- 2020”; “Kế hoạch số 409, ngày 12/4/2019 về triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn năm 2019- 2025 ”…
Trên cơ sở văn bản ban hành của Huyện ủy, UBND huyện Đơn Dương trong từng giai đoạn thực hiện Chương trình Nông thôn mới nói trên, Ban Chỉ đạo ở cấp huyện, Ban Chỉ đạo ở mỗi xã và Ban Phát triển ở mỗi thôn đồng thời được thành lập, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Riêng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới huyện Đơn Dương cũng đã được thành lập với 14 thành viên, Phó Chủ tịch huyện phụ trách kinh tế làm Chánh Văn phòng, cơ quan thường trực là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Hàng năm Văn phòng Điều phối Nông thôn mới huyện Đơn Dương đều tổ chức khảo sát, đánh giá, hướng dẫn các xã thực hiện đầy đủ tiêu chí; xây dựng kế hoạch phân bổ vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động khác… ”, UBND huyện Đơn Dương cho biết.
Bên cạnh đó, việc giao ban công tác xây dựng nông thôn mới được duy trì định kỳ hàng tháng giữa Ban Chỉ đạo của từng xã với Ban Phát triển của từng thôn trên địa bàn. Từ đây báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh lên Ban Chỉ đạo huyện Đơn Dương tổng hợp sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm hàng quý, hàng tháng và hàng năm, đề ra những giải pháp hiệu quả hơn cho thời gian kế tiếp.
Tính chung giai đoạn 2016- 2019, Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Đơn Dương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Lâm Đồng tổ chức 11 lớp tập huấn cho 650 lượt cán bộ huyện, xã, thôn làm công tác xây dựng nông thôn mới. Và từ đội ngũ cán bộ này, “3 Ban” chỉ đạo và Phát triển nông thôn mới từ cấp huyện xuống 8 xã và 78 thôn đã tập hợp phân công phối hợp với các đoàn thể chính trị cơ sở  tiến hành các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú xuống cộng đồng dân cư, đưa các phong trào xây dựng nông thôn phát triển sâu rộng, thiết thực và hiệu quả như: “Dân vận khéo”, “Chương trình 5 không 3 sạch”, “Toàn dân tham gia Chương trình phòng chống tội phạm, mại dâm, ma túy”, “ Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Bức tranh nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh
Kết quả vận động từ “3 Ban” Chỉ đạo - Phát triển Nông thôn mới huyện Đơn Dương giai đoạn năm 2016- 2019 đã huy động tổng nguồn lực gần 11.815 tỷ đồng. Trong đó đóng góp của doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân lên đến hơn 44 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp xã và nông dân…Đến đầu năm 2020, toàn huyện Đơn Dương có 8/8 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2020 có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Lạc Lâm, Quảng Lập, Ka Đô, Lạc Xuân, trong đó 3 xã Lạc Lâm, Quảng Lập, Ka Đô đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
Giai đoạn 5 năm tới (2021- 2025), huyện Đơn Dương đặt mục tiêu huy động gần 7.600 tỷ đồng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Trong đó tỷ lệ các nguồn vốn cơ cấu gồm: hơn 50,6% vốn tín dụng; 29% vốn ngân sách nhà nước; 20,4% vốn doanh nghiệp, hợp tác, nhân dân đóng góp.
Bức tranh mới của huyện Đơn Dương được phác thảo đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 95% diện tích đất sản xuất 3 sản phẩm rau, hoa, bò sữa chủ lực; ít nhất 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 10 mô hình nông nghiệp thông minh; giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 240- 250 triệu đồng/ha…
Để hoàn thiện bức tranh đa sắc màu trong năm 2025 vừa nêu, “3 Ban”  Chỉ đạo và Phát triển nông thôn mới huyện Đơn Dươngvà tất cả 8 xã, 78 thôn trực thuộc đúc kết và tiếp tục phát huy những kinh nghiệm gặt hái thành công trong giai đoạn năm 2016- 2019 là: “ Toàn diện, đồng bộ giữa xây dựng quy hoạch gắn với tuyên truyền, vận động, phát động phong trào thi đua. Trong đó vận động người dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập là yếu tố tiên quyết cho việc thành công xây dựng nông thôn mới trên địa bàn… ”./.
tháng 4/2020