VĂN VIỆT
Công tác giữ rừng trong
phố Đà Lạt trong 5 năm qua đã đạt những hiệu quả tích cực, nhưng so với yêu cầu
đặt ra cần tăng cường
hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương
cũng như sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành chức năng và đơn vị chủ rừng
trên địa bàn.
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Chỉ thị số
30/CT-TU, ngày 26/3/2015 về tăng cường sự lãnh đạo trong công tác quản lý bảo
vệ rừng, Thành ủy Đà Lạt đã thông qua Nghị quyết số 02 và UBND thành phố Đà Lạt
xây dựng kế hoạch triển khai mục tiêu đến năm 2020 đạt độ che phủ rừng trên địa
bàn 51,5%. Mục tiêu này so sánh với thời điểm hiện tại tăng 3,7%.
Đi vào thực hiện mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền thành phố Đà
Lạt tập trung kiện toàn Đội thường trực kiểm tra truy quét tội phạm phá rừng;
củng cố các Ban Lâm nghiệp cấp xã có rừng trên địa bàn; phân công cụ thể trách
nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt,
chính quyền thành phố Đà Lạt đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình
Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016- 2020. Từ đó thường
xuyên xây dựng các chuyên đề bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao vai trò, trách
nhiệm cán bộ, đảng viên, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết 02 của Thành
ủy Đà Lạt. “Căn cứ tình hình thực tế của các đơn vị và năng lực, phẩm chất đạo
đức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức để phân công, bố trí, giao nhiệm vụ cụ
thể, hàng tháng kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đã xây dựng…”, theo
UBND thành phố Đà Lạt.
Nhiệm vụ trước tiên của Ban
Chỉ đạo là phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong
thành phố Đà Lạt về Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Nghị quyết 02 của Thành
ủy Đà Lạt về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác quản
lý, bảo vệ rừng. Sau đó, Ban Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cộng
đồng dân cư với nhiều hình thức gồm: tổ chức gần 70 buổi trực tiếp tuyên truyền
với gần 1.750 lượt người tham gia; gần 60 đợt tuyên truyền lưu động bằng hệ
thống loa phóng thanh….Qua đó vận động người dân sống gần rừng ký hơn 1.515 bản
cam kết không phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp…
Đồng thời thông qua công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất, Ban Chỉ
đạo đã đôn đốc, hướng dẫn 5 đơn vị chủ rừng nhà nước và 90 cá nhân, tổ chức thực
hiện đầy đủ phương án phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên diện tích rừng được giao. Kết
quả đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 92 doanh nghiệp thuê gần 4.624ha
rừng, đất rừng để đầu tư dự án; 12 doanh nghiệp, 2 tập thể và 405 hộ gia đình
nhận khoán quản lý bảo vệ rừng trên tổng diện tích hơn 15.264ha. Tính chung
giai đoạn năm 2015- 2019, diện tích rừng tái sinh và trồng mới bổ sung trên địa
bàn Đà Lạt gần 870ha, tương ứng độ che phủ rừng tăng từ 47,8% lên 51%.
Đáng kể hàng tuần, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thành phố Đà Lạt
cùng các phòng, ban, đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra, chỉ đạo kịp thời các
giải pháp quản lý bảo vệ rừng hiệu quả ở địa phương, nhất là đối với các địa
bàn rừng trọng điểm cần tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh các đối
tượng vi phạm. Theo đó trong 5 năm vừa qua, các lực lượng chức năng của thành
phố Đà Lạt đã tuần tra, phát hiện 505 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ
rừng. Trong đó chiếm tỷ lệ 97% số vụ xử lý hành chính và 3% số vụ xử lý hình
sự. Tổng số tiền xử phạt và bán lâm sản tịch thu qua xử lý hơn 3,2 tỷ đồng.
Ngoài ra còn tịch thu 35 cá thể động vật hoang dã và hơn 50 phương tiện phạm
pháp…
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác quản lý bảo vệ rừng
trong phố Đà Lạt vẫn bộc lộ nhiều tồn tại như tình trạng ken cây rừng đổ hóa
chất với thủ đoạn tinh vi, mức độ thiệt hại lớn; một số đơn vị chủ rừng xử lý thiếu
cương quyết đối với tổ chức, cá nhân để những diện tích rừng giao khoán bị phá,
đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trong khi đó việc tổ chức trồng rừng, khoanh nuôi
xúc tiến tái sinh rừng vẫn chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.
Để nâng cao độ che phủ rừng trong phố Đà Lạt lên 51,5% vào cuối
năm 2020, giải pháp trọng tâm cần tiếp tục được triển khai là “tăng cường sự
lãnh đạo cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các
cấp, vai trò chính quyền cấp xã, duy trì hoạt động Ban Lâm nghiệp, thực hiện
tốt chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia bảo vệ và
phát triển rừng…”, UBND thành phố Đà Lạt nhấn mạnh./.
THÁNG 4/2020