VĂN VIỆT
Chương trình giảm nghèo ở huyện Đam Rông hàng năm đều đạt và
vượt các chỉ tiêu đề ra. Dẫu vậy khi nhìn cận cảnh ở từng nhiệm vụ được giao vẫn
đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức cần có nhiều giải pháp bức bách để sớm
mang lại kết quả thực sự bền vững...
Theo số liệu tập hợp của phóng viên,
giai đoạn năm 2016- 2019, huyện Đam Rông thực hiện tổng cộng hơn 172 tỷ đồng
nguồn vốn phân bổ từ các chương trình 135, 30a để đầu tư xây dựng, nâng cấp,
duy tu bảo dưỡng khoảng 145 công trình hạ tầng cơ sở giao thông, thủy lợi, nước
sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng, cơ sở giáo dục, y tế, đa dạng hóa sinh kế,
nhân rộng mô hình giảm nghèo… trên địa bàn, tập trung phần lớn ở các xã, thôn
đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó với nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương
hơn 233 tỷ đồng, huyện Đam Rông đã thực hiện các chính sách đối với người nghèo
như: đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ tiền điện, mua thẻ bảo hiểm y
tế, đảm bảo an sinh xã hội…Riêng UBND và UBMTTQVN huyện Đam Rông đã huy động
hơn 7,7 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa để xây dựng và sửa chữa hơn 25 căn nhà
Đại đoàn kết và giúp đỡ, hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho hơn
14.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Qua khảo sát đến nay, toàn huyện Đam
Rông đạt 100% xã có đường giao thông ô tô đến nơi và đạt chuẩn quốc gia về y
tế; 93% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch; tỷ lệ phủ sóng phát
thanh, truyền hình từ 93- 96%...Tình trạng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu
số thiếu đất sản xuất đã cơ bản được giải quyết. Trong đó hơn 90% hộ nghèo ở
xã, thôn đặc biệt khó khăn được đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm và tăng
thu nhập…Cụ thể, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện
Đam Rông đã liên kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo và tuyển dụng lao
động sau đào tạo. Từ đó góp phần tăng thu nhập và tăng năng suất lao động cho
hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Thống kê trong 4 năm vừa qua, huyện Đam Rông đã
tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp về kỹ thuật chăn nuôi bò, sửa chữa máy
nông nghiệp, trồng và chăm sóc cà phê, dâu tằm…cho gần 1.100 lao động thuộc hộ
đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo…Ước tính hàng năm tỷ lệ đào
tạo nghề cho lao động huyện Đam Rông đạt hơn 30%, tăng gần 1,5% so cùng kỳ năm
trước.
Đáng kể nguồn vốn tín dụng chính sách
ở huyện Đam Rông đến hết năm 2019 với tổng dư nợ hơn 273 tỷ đồng, tăng 54,6% so
với năm 2016. Ở đây đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tăng mức
cho vay từ 26 triệu đồng/lượt/hộ lên 36 triệu đồng/lượt/hộ. Sau 4 năm thực
hiện, nguồn vốn chính sách huyện Đam Rông đã tạo việc làm, giảm nghèo cho gần
8.844 hộ gia đình, xây dựng hơn 1.500 công trình nước sạch đạt chuẩn quốc gia.
Kết quả sau 4 năm phối hợp thực hiện các giải
pháp chính sách tương đối đồng bộ, huyện Đam Rông đã có 3.320 hộ thoát nghèo,
chiếm gần 77,8% tổng số hộ nghèo trong thời điểm đầu năm 2016. Tính ra bình
quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Đam Rông giảm gần 5,8%. Tương ứng tỷ lệ hộ
nghèo từ hơn 37,1% năm 2016 giảm xuống còn 12,6% đến đầu năm 2020. Thành tựu
này đáng được ghi nhận, tuy nhiên, theo phân tích của UBND huyện Đam Rông thì: “Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của huyện Đam
Rông vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung của tỉnh Lâm Đồng. Đời sống của
người đồng bào dân tộc thiểu số tuy có bước cải thiện, nhưng vẫn còn khó khăn,
khả năng tự tổ chức sản xuất vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến gần
93,4% tổng số hộ nghèo toàn huyện Đam Rông…”
Để đạt mục tiêu giảm nghèo thực sự
bền vững trong thời gian tới, huyện Đam Rông đề xuất giải pháp tăng nguồn vốn
sự nghiệp hàng năm hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa
dạng hóa sinh kế để tiếp tục tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tập
trung ở các địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời tăng cường rà soát,
sửa đổi, bổ sung một số chính sách quy định tỷ lệ đóng góp tối thiểu của người
dân tham gia thực hiện các dự án đặc thù. Cùng với đó đề xuất bãi bỏ chính sách
hỗ trợ cấp phát để chuyển sang chính sách hỗ trợ có điều kiện, nhằm phát huy
những sáng kiến cải tiến kỹ thuật sản xuất của người dân phù hợp với đặc điểm
từng nhóm dân cư, từng địa bàn, đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn. Và để
đưa những chính sách mới về giảm nghèo bền vững nhnh chóng đi vào đời sống,
huyện Đam Rông chú trọng giải pháp “tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của người dân về tự lực, tự cường trong lao động sản xuất, vươn lên thoát
nghèo. Người nghèo, người cận nghèo luôn được xác định và thực hiện đầy đủ vai
trò vừa chủ thể, vừa đối tượng, vừa hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo bền
vững ở địa phương”./.
tháng 4/2020