Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Mắc ca "2 trong 1" ở Di Linh


VĂN VIỆT
Từ quy mô hộ sản xuất chuyển sang quy mô doanh nghiệp nông nghiệp  ở xã Hòa Trung, huyện Di Linh, anh Lưu Quốc Chính (sinh năm 1977) đã cùng với những “cộng sự gia đình”
chọn giải pháp chuyên canh cây mắc vừa thu hoạch quả khô chế biến tại chỗ vừa bình tuyển cây đầu dòng để nhân giống ghép mầm chồi, phục vụ nhu cầu phát triển cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp ở địa phương.
Thu lãi 200 triệu đồng/ha mắc ca xen canh
Hạ tuần tháng 4/2020, phóng viên về xã Hòa Trung, huyện Di Linh tham quan trang trại 3ha diện tích mắc ca của Công ty TNHH Mắc ca Việt khi đang vào mùa thu hoạch quả và thu hoạch cây giống kinh doanh xuất vườn. Phó Giám đốc Lưu Quốc Chính chỉ đường phóng viên chụp ảnh vườn cây giống mắc ca trải dài dưới những gốc cây…mắc ca trồng lần lượt 4 năm và gần 10 năm trước. Cùng lúc này đang có một số hộ nông dân quanh vùng đến công ty bán quả mắc ca vừa thu hoạch hoặc mua về cây mắc ca giống ghép để chuyển đổi, cải tạo vườn mắc ca xen canh của mình. “ Đây là lứa cây giống mắc ca sản xuất từ 2 năm về trước với 2 giai đoạn. Cụ thể năm đầu tiên chọn hạt giống năng suất, chất lượng cao nhất tại trang trại để gieo ươm, chăm sóc thành cây có chiều cao chừng nửa mét trước khi cắt bỏ phần thân, ngọn, giữ lại phần gốc. Sang năm thứ 2 ghép gốc cây ươm hạt với mầm chồi đầu dòng khai thác tại vườn, tiếp tục nuôi dưỡng cho cây đạt độ sinh trưởng theo yêu cầu mới đưa ra xuống giống trồng đại trà…  ”, Phó Giám đốc Chính chia sẻ.
Theo đó với quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm đúc kết gần 10 năm tại trang trại 3 ha ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh nói trên, anh Chính trực tiếp hướng dẫn nông dân quanh vùng canh tác cây mắc ca ghép do Công ty TNHH mắc ca Việt cung cấp sau hơn 3 năm đều vào mùa thu quả bói, trung bình khoảng 5kg /cây. Đến năm thứ 5 chính thức trở thành cây mắc ca kinh doanh, mỗi năm thu 2 lứa vào mùa hè và mùa thu, đạt tổng sản lượng mỗi cây trung bình từ 12- 15kg quả. Và tính bình quân mật độ trồng xen 200 cây mắc ca trên 1ha diện tích vườn cà phê, mỗi năm thu hoạch lên đến 3 tấn quả. Giá thị trường thu mua thời điểm tháng 4/2020 trên dưới 100.000 đồng/kg quả, trừ mọi chi phí, nông dân thu lãi trồng mắc ca mỗi năm hơn 200 triệu đồng/ha.  
Phó Giám đốc Lưu Quốc Chính còn cho biết thêm, sau 5 năm đưa ra thị trường, thương hiệu “Mắc ca Việt” đã đạt bán khoảng 400.000 cây giống mắc ca ghép cho 200 nông hộ trong và ngoài huyện Di Linh theo hình thức trả chậm. Như hợp đồng vào tháng 10/2017 giữa Công ty TNHH Mắc ca Việt ( Bên A) với một hộ nông dân ( Bên B) ở xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng thể hiện: “Bên A bán 200 cây giống mắc ca ghép, giá 50.000 đồng/cây cho Bên B. Bên A chịu trách nhiệm cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm hạt mắc ca. Bên A cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm mắc ca của bên B theo giá thị trường…” Đáng nói hợp đồng mua cây mắc ca giống được thanh toán thành 2 đợt trong thời hạn trong 3 năm, mỗi đợt thanh toán 50% tổng số tiền. Phó Giám đốc Chính lý giải mục đích hợp đồng hỗ trợ hộ nông dân liên kết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi đến năm thứ 3, giống mắc ca ghép bắt đầu có doanh thu quả bói, Công ty TNHH Mắc ca Việt bao tiêu sản phẩm mới trừ vào 50% số vốn đầu tư ban đầu.
Triển vọng cả ngàn ha mắc ca mới
Để tạo ra sản phẩm cây giống mắc ca đạt hiệu quả kinh tế vượt trội đối với người nông dân Lâm Đồng, hộ gia đình anh Lưu Quốc Chính đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha cà phê với năng suất 4- 5 tấn/ha sang trồng chuyên canh cây mắc ca từ năm 1995, 1996. Sau thời gian 5- 7 năm chăm sóc, mắc ca đi vào thu hoạch vụ mùa kinh doanh, hộ anh Chính vừa bán nguyên liệu thô cho thương lái vừa tự tìm hiểu các quy trình kỹ thuật chế biến. Ban đầu chế biến thủ công mỗi ngày 5- 10kg hạt. Đưa sản phẩm biếu tặng người thân quen trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng sử dụng, góp ý, hộ anh Chính dần dần bổ sung quy trình kỹ thuật chế biến đạt hương vị sản phẩm khác biệt hơn. Đến đầu năm 2015, sau khi thành lập Công ty TNHH Mắc ca Việt, quy trình chế biến mắc ca thủ công được nâng cấp thành dây chuyền máy móc chế biến khép kín từ rang sấy đến hút chân không và đóng gói sản phẩm, đạt công suất 200- 300kg/ngày. Đặc biệt đưa sản phẩm mắc ca chế biến ra thị trường siêu thị và các cửa hàng bán lẻ trong nước, thương hiệu “Mắc ca Việt” đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Từ đó Phó Giám đốc Chính và những cộng sự chọn ra những dòng giống mắc ca chế biến được ưa chuộng nhất để nhân giống, cung cấp cho hàng trăm hộ nông dân liên kết nói trên.
Kết quả khảo sát, kiểm tra, ngày 16/4/2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Nhật Thi đã ký văn bản: “thống nhất Công ty TNHH Mắc ca Việt phối hợp với các đơn vị chủ rừng, UBND các xã có rừng để hỗ trợ người dân cung ứng cây giống mắc ca và bao tiêu sản phẩm theo chỉ tiêu trồng xen cây lâm nghiệp trên địa bàn…” Thực hiện văn bản này, dự kiến trong 3 năm 2020, Công ty TNHH Mắc ca Việt cung cấp lần lượt cho nông dân 100.000 cây, 300.000 cây và 500.000 cây cho nông dân huyện Di Linh trồng xen với cây cà phê. Và như vậy triển vọng mở rộng cả ngàn ha xen canh mắc ca ở huyện Di Linh đang dự báo những tín hiệu khả quan trong tương lai gần…/.
tháng 4/2020