VĂN
VIỆT
Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (đường Hồ Xuân Hương,
Đà Lạt) vừa hoàn thành quy trình mới về sản xuất các giống khoai tây sạch bệnh,
năng suất cao, giá thành thấp, chuyển giao rộng rãi cho nông dân Đà Lạt và các
vùng phụ cận. Qua đó góp phần giảm đáng kể nguồn giống khoai tây nhập khẩu từ
nước ngoài với chi phí sản xuất tăng cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, định hướng phát triển diện tích khoai tây cả nước đến năm
2020 là 50.000ha, nhưng hiện tại nguồn giống mới chỉ đáp ứng được khoảng
10% cho nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, việc nhập khẩu giống khoai tây từ châu Âu như Công ty Pepsico mỗi
năm nhập khoảng 150 - 200 tấn với mức giá khá cao - khoảng 1.000 -1.100 USD/tấn, dẫn đến sản
phẩm thu hoạch đạt lợi nhuận xuống thấp hơn so với sản xuất nhiều loại rau cao
cấp khác.
Ở
Lâm Đồng, diện tích khoai tây sản xuất hàng năm trên dưới 1.500ha, tập trung ở
Đà Lạt và các huyện phụ cận như Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương. Trong đó bên cạnh
nguồn cây giống cấy mô đạt tiêu chuẩn chất lượng, hàng năm không ít số lượng củ giống khoai tây
do nông dân tự tuyển chọn chưa đúng kỹ thuật, dẫn đến chưa đảm bảo năng suất và
chất lượng theo yêu cầu.
Nhằm
góp phần khắc phục tình trạng sản xuất giống khoai tây chất lượng thấp trong nước
nói chung, trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng, từ năm 2016, Trung
tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp
miền Nam, trụ sở trên đường Hồ Xuân Hương, Đà Lạt) chủ trì triển khai Dự án “Xây
dựng mô hình và chuyển giao công nghệ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh, giá
thành thấp”.
Đến nay,
sau 3 năm thực hiện, Dự án đã xây
dựng 11ha mô hình sản
xuất khoai tây giống nguyên chủng tại 2 xã Tu Tra, Lạc Xuân (huyện Đơn Dương)
và xã Xuân Thọ (thành phố Đà Lạt). Qua đánh giá cho thấy, các giống khoai tây tham gia mô hình ở
đây sinh trưởng và phát triển tốt, thân cây mập, lá xanh đậm, độ đồng đều của
cây và độ che phủ giữa các luống 40-45 ngày sau trồng đạt 75-80% và giai đoạn
60 ngày sau trồng đạt 95-100% ít bị nhiễm một số sâu bệnh hại. Năng suất trung
bình của mô hình sản xuất giống khoai tây nguyên chủng đạt trên 19 tấn/ha,
tăng 20-27% so với các giống khoai tây trồng ngoài mô hình.
Với giống khoai tây
xác nhận, trong 3 năm qua, Dự án đã xây dựng 70 ha mô hình tại các xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) và
xã Xuân Thọ (thành phố Đà Lạt). Kết quả các giống khoai tây đạt độ
che phủ giữa các luống từ
75-80% sau khi trồng 40-45 ngày; và đạt
95-100% sau khi trồng 60 ngày. Tất cả diện tích đều ít bị
nhiễm một số sâu bệnh hại chính, năng suất bình quân mô hình đạt trên 21tấn/ha, tăng 17–
21% so với các giống khoai tây trồng thông thường tại địa phương.
Theo hạch toán của Trung tâm Nghiên
cứu Khoai tây, Rau và Hoa, sản xuất khoai tây giống nguyên chủng mỗi vụ (khoảng hơn
3 tháng) tăng 3.500kg/ha so với biện pháp sản xuất thông thường. Với
giá bán trung bình 9.000 đồng/kg thì mỗi hecta phát sinh thêm lợi nhuận 31,5
triệu đồng/vụ. Tương tự với giống khoai tây xác nhận, 1ha mô hình tăng 5.000kg/ha/vụ. Với giá bán 7.000 đồng/kg, kết
quả tăng thêm lợi nhuận trên 35,5 triệu đồng/ha/vụ.
Riêng giá khoai tây giống cấp xác nhận nhập khẩu hiện nay khoảng 20-22 triệu
đồng/tấn (từ 1.000 – 1.100USD/tấn). So sánh giá khoai tây giống sản xuất trong
nước (do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa thực hiện trong Dự án nêu trên) có chất lượng tương
đương, nhưng giá bán khoảng 17-18 triệu đồng/tấn, giảm được khoảng 30% nguồn vốn
đầu tư giống ban đầu. “Như vậy giống khoai tây sản xuất trong nước sẽ tạo điều
kiện cho người sản xuất chủ động về nguồn giống, cơ cấu mùa vụ, tạo điều kiện
gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế cao
nhất trên một đơn vị diện tích...”, Thạc sĩ Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa, nhận định.
Đáng kể thêm, trong
3 năm triển khai, Dự án tổ chức 3 hội nghị chuyên
đề sản xuất khoai tây giống với trên 300 đại biểu tham gia. Đồng thời triển
khai hàng chục lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất khoai tây giống các
cấp với 1.350 học viên tham
gia từ tỉnh Lâm Đồng đến các tỉnh phía Bắc như: Thái Bình, Hải
Dương, Hải Phòng Lào Cai.
Học viên gồm những cán bộ
khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông và nông dân chưa tham gia
làm mô hình tại các xã và một số địa phương lân cận khu vực triển khai Dự án.
Đặc biệt trong 3 năm thực
hiện Dự án, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa phối
hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến
nông, Phòng Nông nghiệp và PTN các huyện tổ chức 25 đoàn kiểm tra, bổ sung hoàn
thiện quy trình kỹ thuật sản xuất khoai tây giống đối với từng mô hình cho đến
khi đạt hiệu quả cao nhất./.
THÁNG 12/2018