Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Hoa cúc chuyên canh ở Măng Lin


VĂN VIỆT
Trong khi nhiều vùng hoa cúc khác trong thành phố Đà Lạt liên tục giảm năng suất do bệnh sọc thân thì vùng hoa cúc Măng Lin vẫn đạt lợi nhuận hàng năm khoảng 1- 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Đi tiên phong đưa hoa cúc về trồng ở Măng Lin và áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp có hiệu quả gần 20 năm ở vùng Măng Lin này là nông gia Trần Ngọc Hòa, người vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng tuyên dương có thành tích xuất sắc đóng góp chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong 5 năm qua.
Từ 250m2 đất thuê trồng hoa cúc thử nghiệm
Qua “cầu nối” Hội Nông dân phường 7, Đà Lạt, một ngày đầu tháng 12/2018, phóng viên đến trang trại hoa cúc công nghệ cao của nông gia Trần Ngọc Hòa (gần 70 tuổi), tọa lạc bên kia đường đối diện Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt. Đây là khu nhà kính thiết kế bằng khung sắt, mái lợp lớp ni lông chịu nhiệt phía trên và lớp lưới đen điều hòa phía dưới, hệ thống béc tưới phun mưa lắp đặt thẳng hàng bên từng luống hoa cùng dãy đèn điện thắp sáng đung đưa giữa không gian rộng lớn đến gần 1ha.
Dừng lại bên khu vực hoa cúc kim cương bó gọn trong từng chiếc giỏ lưới, chủ nhân Trần Ngọc Hòa chia sẻ kinh nghiệm: “ Hoa cúc kim cương sau khi gieo trồng khoảng 2 ngày phải thắp điện sáng từ 20 giờ đêm hôm trước đến 2 giờ  sáng hôm sau. Thắp sáng liên tục đến 1 tháng sau là cây đạt chiều cao từ 25- 30cm. Hai tháng tiếp theo ngắt điện và ngắt bỏ những nụ hoa phụ để tập trung nuôi 1 nụ hoa phát triển thành một đóa hoa cúc kim cương thương phẩm…”
Cũng theo lời kể ông Hòa, quy trình sản xuất hoa cúc kim cương thương phẩm đạt giá trị cao trên thị trường hôm nay được hộ gia đình ông học hỏi bắt đầu từ trên đồng đất làm thuê ở các làng hoa Đà Lạt hai mươi năm trước. Đó là năm 1998, từ quê miền Bắc, ông Hòa một mình vào Đà Lạt làm thuê trồng hoa cúc nhà kính ở Làng hoa Đa Thiện Đà Lạt. Hai năm sau học được kỹ thuật cơ bản về làm đất, lên luống, xuống giống, chăm sóc hoa cúc nhà kính, ông Hòa tiết kiệm được một vài chục triệu đồng và bắt đầu thuê 250m2 đất dựng lên nhà kính “ra riêng”. 3 tháng sau, ông Hòa thu hoạch lứa hoa cúc chùm đầu tiên năng suất vượt ngoài mong đợi với 20.000 cành loại A/250m2.  Bán ra thu lời hơn 30 triệu đồng vào năm 2000.  Đến vụ hoa cúc thứ 3- tức 6 tháng sau đó, ông Hòa mở rộng diện tích đất thuê lên đến 2.500m2 ở vùng nông nghiệp Đa Thiện, thời hạn thuê trong 5 năm để dựng lên nhà kính chuyển sang trồng hoa cúc đóa kim cương. Kết quả những năm sau đó, nhờ không ngừng bổ sung kinh nghiệm canh tác chuyên canh hoa cúc ông Hòa ổn định mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ thu hoạch từ 70- 80.000 cành/1.000m2.
Đến thu nhập hoa cúc chuyên canh 1,5 tỷ đồng/ha/năm
Đáng kể đến năm 2002, từ khoản vốn tích lũy hàng năm và một khoản cho vay hỗ trợ từ người thân, ông Hòa mạnh dạn mua 5.000m2 đất ở khu vực Măng Lin, phường 7, Đà Lạt, bắt đầu “sự nghiệp” chuyên canh hoa cúc kim cương của mình. Lại tích lũy nguồn vốn và kinh nghiệm sau từng năm chuyên canh hoa cúc kim cương, đến năm 2017, hộ gia đình ông Trần Ngọc Hòa đã mua quyền sử dụng đến 5ha đất đang trồng rau ngoài trời tại khu vực Măng Lin, phường 7, Đà Lạt. Trong đó đã chuyển đổi 4ha chuyên canh hoa cúc nhà kính và 1ha làm vườn ươm giống hoa cúc bằng phương pháp giâm cành, tạo rễ mới.
Tính từ năm 2014 đến năm 2018, lợi nhuận hàng năm trên mỗi hecta hoa cúc kim cương chuyên canh của nhà nông Trần Ngọc Hòa liên tục tăng từ 500 triệu đồng đến 800 triệu đồng rồi vượt lên từ 1 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng. Riêng vườn ươm cây giống hoa cúc chất lượng cao với diện tích 1ha vừa nêu, không chỉ đáp ứng kịp thời và đầy đủ nguồn giống sản xuất tại chỗ, mà còn cung cấp theo nhu cầu của nông dân khu vực Măng Lin, phường 7, Đà Lạt, đạt lợi nhuận mỗi năm từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng.
“ Hàng ngày hộ gia đình tôi tiếp xúc nhiều hộ nông dân trồng hoa cúc của Đà Lạt đến trao đổi, bổ sung kinh nghiệm canh tác với nhau. Đúc kết chung về quy trình sản xuất hoa cúc chuyên canh giá trị cao ở khu vực Măng Lin của gia đình tôi là xuống giống, bón phân, tưới nước, phòng trừ dịch hại, thu hoạch đều phải đúng thời điểm, chọn lựa đúng thuốc, phối trộn liều lượng các thành phần dinh dưỡng phù hợp, cân đối…Nhờ vậy, hoa cúc chuyên canh của trang trại chúng tôi thường xuyên loại trừ các loại bệnh hại, trong đó đặc biệt đã loại từ dịch bệnh sọc thân ra khỏi khu vực Măng Lin, phường 7, Đà Lạt… ”, nông gia Trần Ngọc Hòa nói thêm.
Được biết, hiện tại nông gia Trần Ngọc Hòa làm Tổ trưởng Tổ sản xuất hoa cúc khu vực Măng Lin với 60 hộ thành viên. Dự kiến đây là số nông hộ nòng cốt để xây dựng Hợp tác xã sản xuất hoa cúc Măng Lin, Đà Lạt trong năm 2019./.
THÁNG 12/2018