Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Đẩy mạnh phát triển liên kết, tiêu thụ nông sản


·        Mở rộng 20ha siêu quả Magic- S trong năm 2019
·        VĂN VIỆT
Ngày 7/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì Hội nghị thông qua các giải pháp đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản đến năm 2023.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương Lâm Đồng; 10 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng; Phân viện Công nghiệp thực phẩm TPHCM tham dự Hội nghị.
Hội nghị đánh giá, từ năm 2010, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã chọn HTX Anh Đào và Trang trại Phong Thúy xây dựng mô hình điểm về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, sau đó nhân rộng trên địa bàn. Tính đến đầu tháng 12/2018, toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển 125 chuỗi liên kết, tham gia gồm 80 doanh nghiệp; 80 hợp tác xã; 13.000 hộ nông dân. Trong đó các sản phẩm rau, củ, quả tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết đã tăng giá trị lên từ 20- 25%.    
Từ nay đến năm 2023, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh phát triển lên 200 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với tất cả các loại nông sản chủ lực, đạt tăng trưởng bình quân toàn ngành nông nghiệp từ 4,7% đến 5,2%/năm.  
Đặc biệt trong năm 2019, Lâm Đồng khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cây siêu quả Magic-S, một loại cây trồng mới đang thích nghi với nhiều vùng sinh thái Lâm Đồng, đạt năng suất và chất lượng cao. Cụ thể trong năm 2019 sẽ mở rộng trồng mới từ 15ha đến 20ha Magic-S, nâng tổng số diện tích Magic-S Lâm Đồng lên từ 60ha đến 65ha.
Trong năm 2018 vừa qua, diện tích Magic-S phát triển gần 45ha, đạt năng suất bình quân trên dưới 10 tấn/ha. Phần lớn nông dân sản xuất Magic-S với nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn (cung cấp từ các đơn vị trong ngành nông nghiệp Lâm Đồng) đều thu hoạch quả đạt chất lượng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng cạnh tranh đặt hàng thu mua để phân phối các kênh siêu thị trong nước; hoặc chế biến thành các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng như: rượu vang, mứt, bột trái cây, nước giải khát…
Ngược lại vẫn còn không nhỏ diện tích trồng cây Magic- S ở Lâm Đồng với nguồn giống mua trôi nổi, không đảm bảo kỹ thuật và chất lượng, được sản xuất từ khoảng 20 cơ sở ươm giống trái phép trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Hệ quả những diện tích Magic-S này thu hoạch quả kém chất lượng, dẫn đến ách tắc khi đưa ra thị trường.
Hiện tại các doanh nghiệp như Công ty TNHH Nông sản LangBian chỉ thu mua mỗi tuần từ 400- 500kg quả Magic- S, bằng 20% nhu cầu phân phối của mình. Hoặc Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng đang thiếu nguyên liệu Magic- S để chế biến. Chưa kể nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm khác trong nước đang liên hệ với ngành nông nghiệp Lâm Đồng để liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ siêu quả Magic-S này.
Hạch toán với thởi điểm giá đầu tháng 12/2018, trên trên 1 hecta diện tích Magic-S mỗi năm đầu tư giống, phân bón, công…khoảng 50 triệu đồng. Năng suất bình quân 10 tấn, nhân với giá 50.000 đồng/kg, thành tổng doanh thu 500 triệu đồng. Trừ 50 triệu đồng đầu tư, mỗi hecta còn đạt lãi 450 triệu đồng/năm, cao hơn 4- 5 lần trồng cà phê, chè, tiêu…trên cùng đơn vị diện tích đất. Chưa tính đến cây Magic- S ở Lâm Đồng từ năm thứ 3 trở đi, năng suất dự báo tăng lên hơn 20 tấn/ha/năm. 
“ Nếu thị trường Magic-S giảm xuống 30.000 đồng/kg, người nông dân vẫn còn lãi 300 triệu đồng/ha/năm, nhưng quy trình canh tác rất dễ áp dụng theo hướng hữu cơ bền vững… ”, ông Võ Duẫn, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Nông nghiệp HHL (xã Tu Tra, Đơn Dương) nói.
Và như vậy, hội nghị nhận định diện tích sản xuất siêu quả Magic- S đạt chất lượng hiện mới đáp 20% nhu cầu của các doanh nghiệp phân phối và chế biến trên địa bàn Lâm Đồng.
Để đạt mục tiêu đến năm 2023 phát triển 200 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung, cây siêu quả Magic- S mới trồng nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chỉ đạo Sở NN&PTNT Lâm Đồng tiếp tục tăng cường công tác khuyến nông, kịp thời khuyến khích, hỗ trợ các mô hình liên kết mở rộng thị trường đầu ra trong nước và xuất khẩu. Đồng thời giao Sở NN&PTNT Lâm Đồng sớm hỗ trợ các thủ tục pháp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Công ty cổ phần đầu tư Nông nghiệp HHL nói trên xây dựng hoàn thành vườn sản xuất giống Magic-S đầu dòng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cơ sở để đáp ứng theo nhu cầu sản xuất của nông dân trên các vùng sinh thái phù hợp./.
THÁNG 12/2018