VĂN
VIỆT
Đầu tháng 2/2018, tôi được mời ra
thủ đô Hà Nội nhận Giải B báo chí toàn quốc viết về nông thôn mới gắn với tái
cơ cấu ngành nông nghiệp. Dẫu đã nhiều lần nhận giải báo chí toàn quốc, nhưng
đây là lần đầu tiên tôi được cơ hội vinh danh tác phẩm viết về nghề nông của phố
hoa Đà Lạt giữa thủ đô Hà Nội, giúp độc giả trong và ngoài nước tiếp xúc từ những
mô hình có một không hai đến những chủ trương, chính sách đột phá phát triển
nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng.
5
năm trước, từ phóng viên nội chính điều chuyển sang mảng nông nghiệp, tôi bắt đầu
hướng đề tài viết về các mô hình công nghệ cao, góp phần cung cấp nguồn dữ liệu
từ thực tế ruộng đồng để các cơ quan chuyên ngành tham khảo, tổng hợp đề xuất bổ
sung chính sách, cơ chế quản lý, điều hành và định hướng sát hợp hơn. Nhưng chọn
mô hình ở đâu, cách tiếp cận thu thập thông tin bao lâu, thể hiện bằng thể loại
báo chí nào, văn phong viết ra sao…là những câu hỏi luôn đeo đẳng trong tư duy tác
nghiệp của tôi mỗi khi đi về với nhà nông bên những thửa rau, luống hoa trên 12
phường, 3 xã thuộc thành phố Đà Lạt.
Với
Đà Lạt thì tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng tiếp cận, nắm bắt nhanh nhạy
khoa học công nghệ vào sản xuất của nghề nông đã được khẳng định; vần đề xuyên
suốt còn lại là tôi phải “leo cao, luồn sâu” lên đồi nương, xuống thung lũng trải
nghiệm, thấu cảm và chia sẻ những nỗi buồn, niềm vui và trao đổi thêm những
kinh nghiệm sản xuất đã ghi chép được từ những hộ nông dân này đến những hộ
nông dân khác, qua đó nối dài mối quan hệ gần gũi đến từng nhà vườn. Cứ “năng
nhặt chặt bị” và “tích trữ” thường xuyên chất liệu như vậy, từ 1 năm đến 2 năm
rồi 5 năm, tôi chọn những mô hình đặc biệt nổi trội, mới lạ và khác biệt sáng tạo,
tô đậm trong sổ tay thành những nguồn thông tin chủ lưu, sau đó ngồi vào bàn
máy vi tính lên đề cương loạt 5 bài phản ánh với tiêu đề: “rau, hoa công nghệ
cao- nhân rộng cách nào ?” Trong đó mỗi bài (ở 4 bài đầu) đều nêu những giải
pháp phát huy và nhân rộng mô hình phù hợp; bài cuối ( bài 5) khẳng định những
chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của tỉnh Lâm Đồng trong định hướng,
điều hành theo từng giai đoạn phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa
bàn.
Viết,
đọc lại và tự biên tập, bổ sung dữ liệu tiêu biểu nhất trong 5 bài viết rồi
chuyển lên Ban Biên tập Báo Lâm Đồng. Nhờ chủ động lên trước đề cương và chuyển
bài đúng thời gian nên Ban Biên tập Báo Lâm Đồng cũng đã nhanh chóng phân công
biên tập viên duyệt theo quy trình đăng lên Báo Điện tử và Báo in Lâm Đồng trong
5 số báo liền kề. Sau khi đón nhận từng bài viết đăng tải trên 2 hình thức chuyển
tải này của cơ quan truyền thông Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, nhiều bạn đọc đã kết nối
với tôi để tìm hiểu quy trình, kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận các nguồn giống mới,
bày tỏ nguyện vọng tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm gắn với thị
trường…
Nhận
được phản hồi tích cực và tôi sẵn lòng kết nối giữa bạn đọc với chủ nhân những
mô hình phản ánh trong loạt 5 bài viết “rau, hoa công nghệ cao- nhân rộng cách
nào” của mình. Đó là kỹ thuật treo dâu tây Newzealan
trên không của chủ vườn dâu Tùng Nguyên
(anh Nguyễn Thanh Trúc, sinh năm 1975) với 4 năm khởi nghiệp ở Đà Lạt chuyển đổi
2.000m² diện tích cà phê cằn cỗi ở khu vực
Tây Hồ, phường 11, sau đó đúc kết kinh nghiệm nhân rộng ở phường 10 và xã Xuân
Thọ thành một “cơ ngơi” mới với tổng diện tích 9.000m² theo tiêu chuẩn VietGAP nhà kính, thu lãi ròng trong
một năm khoảng 2,5 tỷ đồng. Hay với chủ nhân Nguyễn Định (Định Farm, sinh năm
1986, đường Vòng Lâm Viên, phường 8, Đà Lạt) với 5ha nhà kính đạt tiêu chuẩn
VietGAP, đạt thu nhập 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Ở đây, trong mỗi thời vụ canh tác
trong nhà kính, Định Farm đều bố trí các thiết bị đo nhiệt độ ánh nắng mặt trời
hấp thụ trong ngày hoặc vận hành hệ thống quạt gió để phân phối thích nghi trên
từng luống rau. Đặc biệt đối với các loại rau dài ngày như: dưa pepino, ớt
chuông, cà chua, dưa leo…được áp dụng kỹ thuật “thả đọt chính” rồi treo thẳng
phát triển lên độ cao từ 3,5 - 4m…
Trong bài 2 giới thiệu anh Nguyễn Văn Dương
(sinh năm 1980), thạc sĩ tài chính- ngân hàng, hiện đang làm Giám đốc Công ty
TNHH Đà Lạt Rau thủy canh. mở cửa tham quan khu nhà kính 2ha rau thủy canh, bao
bọc xung quanh 3ha sản xuất hàng chục loài hoa nguồn gốc từ châu Âu đua nhau khoe
sắc hàng ngày giữa làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt. Anh Nguyễn Văn Dương đã mất gần
20 năm mua lần lượt 5ha đất hoa hồng Vạn Thành, Đà Lạt và huy động thêm 100 tỷ
đồng xây dựng toàn bộ những hạng mục rau, hoa nhà kính, trong đó “điểm nhấn” là
2 ha trồng 50 loại rau thủy canh phục vụ khách tham quan, ngày cao điểm đón
4.000 lượt người, ngày trung bình đón 500 lượt người...
Đến
bài 3, tôi nêu vấn đề về “vương quốc hoa Đà Lạt” : “Trong vòng 6 năm qua, diện
tích hoa Lâm Đồng từ hơn 5.500ha tăng lên gần 8.400ha, sản lượng tương ứng đạt
1,1 tỷ cành đến gần 3 tỷ cành. Trong đó vùng sinh thái Đà Lạt chiếm khoảng 65%
diện tích và 67% sản lượng. Do thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất đồng bộ công nghệ
cao và thiếu các nguồn giống hoa bản quyền trong nước và nhập khẩu, dẫn đến sản
lượng hoa Lâm Đồng xuất khẩu mỗi năm chỉ đạt từ 10- 15%...” Rồi bài 4 với tiêu
đề “Giải pháp chuỗi liên kết và phát triển thương hiệu”, tôi trích lời tiến sĩ
Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh 4 nguyên tắc đạt thành tựu
nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn gần 15 năm qua: “Nông dân làm chủ thể,
doanh nghiệp làm nòng cốt, khoa học công nghệ làm then chốt và liên kết sản xuất
để phát triển bền vững”.
Và
bài 5 (bài cuối) “3 giai đoạn và 6 bài học kinh nghiệm” mang lại những giá trị
to lớn của nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt. Theo đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành
các văn bản chỉ đạo: thứ nhất, Quyết định số 56, ngày 02/4/2004 phê duyệt
Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2010. Thứ hai, Nghị
quyết chuyên đề số 05, ngày 11/5/2011 đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao đến năm 2015. Thứ ba, Nghị quyết số 05, ngày 11/11/2016 về phát
triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại đến năm 2020.
Đồng
thời đúc kết 6 bài học kinh nghiệm là : Thứ nhất, xác định vai trò của nhà nước
về hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm, định hướng sản xuất. Thứ hai, xây dựng và triển
khai quy hoạch phù hợp với điều kiện sinh thái, lợi thế cạnh tranh của từng địa
phương. Thứ ba, từng địa phương tổ chức sơ kết, đánh giá để chỉ đạo triển khai
hiệu quả với từng giai đoạn phát triển. Thứ tư, phát huy vai trò tiên phong của
doanh nghiệp. Thứ năm, trang trại và hộ nông dân gắn sản xuất với thị trường
tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Thứ sáu, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ,
ngành Trung ương trong việc định hướng quy hoạch, tạo điều kiện nhập khẩu các
loại vật tư nông nghiệp đặc thù.
THÁNG 6/2018