Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Khi “tưới nhỏ giọt” đi thi


VĂN VIỆT
Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” toàn quốc đã kết thúc sau 6 tháng phát động,  HTX Nông nghiệp Anh Đào Đà Lạt với dự án “sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ” được chứng nhận 1 trong 10 “tác phẩm” xuất sắc nhất. Công nghệ này đã và đang vận hành tiết kiệm, hiệu quả cao trên khá nhiều vùng nông nghiệp Lâm Đồng.

Giảm 90% chi phí nhân công tưới nước
Nhiều năm qua, phương pháp tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hòa tan áp dụng trên các vùng nông nghiệp Lâm Đồng từ cây cà phê đến cây rau các loại đã giảm đến 90% chi phí nhân công, tăng năng suất 30- 40% so với phương pháp tưới tràn vào gốc cây hoặc phun mưa qua hệ thống béc thông thường. Ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Anh Đào Đà Lạt bắt đầu thử nghiệm hệ thống tưới nhỏ giọt trực tiếp vào rễ cây rau từ đầu những năm 2010, đến nay đã vận hành đồng bộ trên diện tích khoảng 2 ha nhà kính trồng luân canh dưa leo, ớt ngọt, xà lách, bó xôi, cà chua…Và bên trên dãy cột sắt trong nhà kính cách mặt đất từ 2m trở lên, HTX lắp đặt song song các đường ống gắc bec tưới nước trên lá rau trong những ngày nhiệt độ trong nhà kính tăng cao.  
Cuối tháng 6/2018, phóng viên đã đến khu sản xuất rau 20ha của HTX Anh Đào theo tiêu chuẩn VietGAP nằm ven một khu thung lũng ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Tại đây, phóng viên được kỹ sư sinh học Đinh Tiến Đăng vừa giới thiệu vừa thực hành quy trình canh tác qua hệ thống cấp nước tưới nhỏ giọt trong nhà kính dưa leo baby gần 1.500m2. Điểm đầu của hệ thống là chiếc giếng ngầm khoan sâu dưới lòng đất khoảng gần 40m để khai thác nguồn nước tưới sạch. Bên ngoài hiên nhà kính lắp đặt lên kệ sắt một bể chứa nước 1.000 lít bơm lên từ giếng khoan lòng đất. Hòa tan một khối lượng phân bón tương ứng để dẫn nước từ bể chứa qua một bộ lọc trung tâm, sau đó phân phối qua các bộ lọc “vệ tinh” trên đường ống nhánh nhỏ, bố trí theo từng gốc cây rau với từng chiếc van nhỏ giọt.
Vận hành tiện lợi, nhanh thu hồi vốn đầu tư
Kỹ sư Đinh Tiến Đăng đo vừa đủ 2 gang tay (khoảng 40cm) kích thước giữa đường ống nhánh nhỏ giọt chạy song song; và 1 gang tay (khoảng 20cm) cự ly giữa 2 chiếc van nhỏ giọt. Từng chiếc ô tròn trên màng phủ ni lông là “nơi dừng chân” của từng chiếc van nhỏ giọt tưới nước kết hợp bón phân trực tiếp, đều đặn từng giọt xuống từng bộ rễ cây rau. Sau 1 giờ đồng hồ tưới nhỏ giọt buổi sáng cho cây dưa leo baby, kỹ sư Đăng ngắt nguồn điện và nói: “ Chờ đến 15 giờ chiều nay bật cầu dao điện lên tưới một lần nữa là đủ cấp nước trong một ngày cho dưa leo baby giai đoạn thả đọt, phát triển cành, lá. Kế tiếp ở giai đoạn dưa leo baby ra hoa, đậu trái thì mỗi lần tưới nhỏ giọt tăng thêm thời gian 30 phút. Riêng tưới phân hòa tan cứ 3- 4 ngày tưới nhỏ giọt 1 lần kéo dài 1 giờ đồng hồ. Tưới nhỏ giọt cũng có thể áp dụng đối với tất cả các diện tích rau VietGAP ngoài trời. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư lắp đặt cao hơn trong nhà kính ước khoảng 50% …”
Theo Phó Giám đốc HTX Anh Đào Nguyễn Thị Ánh Tuyết, tổng nguồn vốn lắp đặt nhà kính với hệ thống tưới tự động trồng rau VietGAP vào thời điểm tháng 6/2018 trên dưới 700 triệu đồng/ha, độ bền sử dụng hiệu quả đến hơn 5 năm sau. Trong khi cũng cùng thời điểm này, doanh thu 1 ha nhà kính trồng rau các loại ở HTX Anh Đào lên đến 800 triệu đồng/ha. Như vậy nếu trừ mọi chi phí sản xuất, thu hoạch rau liên tục khoảng hơn 18 tháng sau, HTX Anh Đào đã thu hồi đủ nguồn vốn đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt ban đầu. Và đặc biệt nhờ sản xuất rau VietGAP theo hợp đồng tiêu thụ ổn định đến hệ thống siêu thị trong nước, nhờ hệ thống tưới nước kết hợp với bón phân nhỏ giọt, HTX Anh Đào tăng năng suất hơn 30- 40%% vẫn đảm bảo đầu ra với giá thành luôn giữ ở mức cao so với giá bình quân thị trường.
Kế hoạch trước mắt đến cuối năm 2018, HTX Anh Đào Đà Lạt “nâng cấp” hệ thống tưới nhỏ giọt hiện có bằng thiết bị cảm biến tự động, điều khiển tương ứng với dữ liệu tích hợp hàng ngày từ điện toán đám mây. Những năm tiếp theo, HTX tiếp tục hoàn chỉnh mô hình này để nhân rộng trên diện tích rau VietGAP còn lại của mình cũng như những diện tích rau VietGAP mở rộng liên kết với nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận…/.
THÁNG 7/2018