Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Nhận diện nông nghiệp hữu cơ Lâm Đồng


VĂN VIỆT
Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV Lâm Đồng: Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 53.000ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng chỉ mới hình thành hơn 143ha sản xuất và chăn nuôi theo quy trình hữu cơ.
Điều này cho thấy quy mô nông nghiệp hữu cơ của Lâm Đồng hiện vẫn quá nhỏ so với nhu cầu phát triển ngày càng cao của chuỗi nông sản toàn cầu.
124 ha chè và 19ha rau sản xuất theo chuẩn hữu cơ
Đáng kể các loại cây trồng đã và đang ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng như: rau (gần 20.000ha); cà phê (hơn 20.000ha); chè ( hơn 6.300ha); lúa  (hơn 2.800ha); hoa (gần 3.700ha)...Có tất cả 8 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được công nhận là Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao toàn quốc với quy mô tổng diện tích gần 280ha.
Trong khi đó toàn tỉnh Lâm Đồng mới được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hơn 143ha. Cụ thể Công ty chè Vina Suzuky ( Di Linh)  với quy mô sản xuất 124 ha được tổ chức an toàn thực phẩm của nước Đức cấp Chứng nhận từ năm 2004. Còn lại diện tích rau hữu cơ các loại hơn 19ha (tổng sản lượng gần 312 tấn/năm) của 05 doanh nghiệp trên địa bàn. Đầu tiên vào năm 2014, Công ty TNHH Liên doanh Organic Đà Lạt đi đầu trong sản xuất rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ gần 3,7ha, bao gồm khoảng 150 loại rau, quả đặc trưng Đà Lạt. Đến năm 2016, Lâm Đồng có thêm 2 doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ sản xuất Tượng Sơn (2 ha), Công ty TNHH Florama Việt Nam (2,7 ha). Tất cả 3 công ty này đều được tổ chức Control Union Certifications cấp Chứng nhận sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Riêng Trang trại hữu cơ Huyền Thoại (Lạc Dương, 2,8 ha) được Công ty TNHH Công nghệ Nhonho có trụ sở chính ở Hà Nội theo dõi và cấp Chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ - Canada Organic từ cuối năm 2016. Bước sang năm 2017, Trang trại Vườn ươm Thiên Sinh (Đơn Dương, 8 ha) tiếp tục được tổ chức Control Union Certifications theo dõi đánh giá để cấp Chứng nhận theo tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ USDA của Mỹ.  Vườn ươm này bắt đầu sản xuất thử nghiệm các loại rau hữu cơ từ năm 2012 đến nay. Hiện Vườn ươm Thiên Sinh đã được cấp Chứng nhận hệ thống sơ chế đóng gói, bảo quản đạt tiêu chuẩn ISO 2200, HACCP của Châu Âu.
Ngoài ra cũng trong năm 2017, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam xây dựng Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt quy mô 70ha với 500 con bò sữa được tổ chức Control Union (Hà Lan) cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu.
Chuyển giao quy trình sản xuất hữu cơ đến từng nông hộ
Từ thực tế trên, Chi cục Trồng trọt &BVTV Lâm Đồng nhận định: “Lâm Đồng hiện có trên 3.500ha nhà kính và 1.000ha nhà lưới sản xuất rau công nghệ cao.  Đây là lợi thế để xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất rau hữu cơ thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hàng năm. Đồng thời Lâm Đồng đã tích lũy kinh nghiệm hình thành hơn 60 chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn thực phẩm, làm cơ sở để phát triển hiệu quả các sản phẩm hữu cơ trong những năm tới...”
Tuy nhiên cũng theo Chi cục này, sản phẩm rau sản xuất hữu cơ của Lâm Đồng      với quy trình nghiêm ngặt, luôn đạt năng suất thấp, nên giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với các sản phẩm rau sản xuất thông thường. Vì vậy chỉ cung cấp chủ yếu cho các bếp ăn gia đình người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các khách sạn lớn, công ty cổ phần, suất ăn các hang hàng không…Ngược lại phần lớn khách hàng có mức thu nhập trung bình trong nước vẫn chưa thể đưa vào thực đơn sử dụng đối với sản phẩm rau hữu cơ Lâm Đồng.      
Định hướng giai đoạn năm 2018-2025, Lâm Đồng gắn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với phát triển nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục khảo sát, xác định quy hoạch các vùng sản xuất rau hữu cơ tại huyện nông thôn mới kiểu mẫu Đơn Dương; xây dựng Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ nói riêng, tại các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt và vùng phụ cận nói chung. Trong đó ưu tiên sản xuất tiêu chuẩn hữu cơ trên cây rau, quả, chè, cà phê và chăn nuôi bò sữa.
Những giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trước hết xây dựng các mô hình, quy trình và cơ chế chính sách về sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau, quả, chè, cà phê, bò sữa…Đặc biệt Lâm Đồng chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo mô hình liên kết ổn định, gắn với việc tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Cụ thể thực hiện quy hoạch công nhận 08 khu và 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh Lâm Đồng để ưu tiên thu hút dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các doanh nghiệp, từ đó nhận diện những mô hình thiết thực, hiệu quả cao nhất để chuyển giao rộng rãi sản xuất, chăn nuôi, gia tăng thu nhập đối với kinh tế hộ nông dân trên địa bàn.
THÁNG 7/2018