Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Sầu riêng công nghệ cao - những giải pháp đồng bộ


VĂN VIỆT
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng vừa thông qua mục tiêu đến năm 2020 tăng thêm 880ha diện tích sầu riêng công nghệ cao chuyên canh ở địa bàn huyện Đạ Huoai. Cùng với đó, những giải pháp trọng tâm, trọng điểm trên từng vùng sinh thái đến từng hộ gia đình sản xuất sầu riêng cũng đặt ra để phối hợp triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao.    
 
Nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” tiêu thụ 500 tấn/năm
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, huyện Đạ Huoai sản xuất sầu riêng công nghệ cao từ năm 2014 đến nay với tổng diện tích gần 330ha, gồm các giống mới như: MonThong, Ri6, Chín Hóa, Dona...Đến năm 2015 đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu Chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” với diện tích 38ha, hàng năm tiêu thụ ổn định 500 tấn. Riêng sầu riêng VietGAP hiện có hơn 160ha với 85 hộ sản xuất, đạt thu nhập trung bình 730triệu đồng/ha, cao hơn 2,4 lần so với sản xuất sầu riêng theo phương pháp cũ.
Đánh giá mức độ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất sầu riêng Đạ Huoai cho thấy hầu hết diện tích đều chủ động nguồn nước tưới, trong đó 80% tưới phun mưa và 20% tưới xả tràn. Thời điểm tưới từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau (80 - 100 lít nước/gốc), mỗi năm tưới từ 16 - 20 lần. Trên địa bàn huyện Đạ Huoai có 2 cơ sở và 11 cửa hàng cung ứng các loại phân bón, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất. Tùy theo đặc điểm đất đai từng vùng chuyên canh sầu riêng ở các xã Hà Lâm, Phước Lộc của huyện Đạ Huoai, nông dân áp dụng công thức sử dụng phân bón kết hợp với tưới nước bổ sung dinh dưỡng cho cây. “Nông dân huyện Đạ Huoai trồng sầu riêng đang sử dụng phân bón hữu cơ với tỷ lệ 2 - 5 tấn/ha/năm. Ngoài ra nông dân còn sử dụng phân bón lá MKP; KNO3...để bổ sung dinh dưỡng cho cây thời kỳ ra hoa đậu trái (từ 2-4 lần/năm). Các loại phân bón ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng thu hoạch được khuyến cáo kịp thời cho nông dân không sử dụng...”, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thông tin.

Đáng kể huyện Đạ Huoai có 01 vườn sản xuất 2 giống sầu riêng ghép Ri6, Mon Thong  đầu dòng với diện tích gần 6.000 m2 tại xã Hà Lâm; và 1 vườn ươm khác sản xuất giống sầu riêng Musaking (Malaysia), cung ứng khoảng 100.000 cây/năm. Ngoài ra các cơ sở cung ứng cây giống sầu riêng ghép, chất lượng và năng suất cao từ các vùng nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lộc, Di Linh...cũng được người nông dân Đạ Huoai chọn mua về sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Cùng thời điểm năm 2014 bắt đầu sản xuất sầu riêng công nghệ cao, cơ sở Hoàng Minh Khôi ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai đi vào vận hành dây chuyền chế biến sầu riêng cấp đông, sản phẩm sử dụng thời hạn 1 năm. Ước trong một năm vừa qua, cơ sở này đã chế biến đến 20 tấn múi sầu riêng đóng hộp cung ứng thị trường trong nước, giá bán trung bình 240.000đ/kg. Bên cạnh đó, huyện Đạ Huoai có gần 20  hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở thu mua phần lớn sản lượng sầu riêng phân phối cho người tiêu dùng trong tỉnh Lâm Đồng và các chợ đầu mối tại Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang và xuất khẩu sang Trung Quốc...
Nhân rộng thêm 880ha sầu riêng ứng dụng công nghệ cao
Trong hơn 2 năm tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng phát triển thêm 880ha sầu riêng sản xuất theo hướng công nghệ cao tại huyện Đạ Huoai. Cụ thể, xây dựng 8 - 10 mô hình (1ha/mô hình) ứng dụng công nghệ tưới nước và bón phân tiết kiệm, quản lý dịch hại tổng hợp, xử lý ra hoa tập trung,... tại các xã trọng điểm về canh tác sầu riêng.  Tiếp tục thành lập các câu lạc bộ sầu riêng mới (mỗi câu lạc bộ từ 15 -20 nông dân) bên cạnh duy trì sinh hoạt 1 -2 tuần/lần của 11 câu lạc bộ hiện có, qua đó thường xuyên chia sẻ, nhân rộng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất sầu riêng; tổ chức 30 cuộc tập huấn, hội thảo sản xuất sầu riêng công nghệ cao, thu hút khoảng 50 người/cuộc; hỗ trợ chứng nhận sản xuất sầu riêng VietGAP và sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” trên diện tích 880ha; thành lập 10 -15 tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất và tổ chức tiêu thụ sầu riêng công nghệ cao cho nông dân, mở rộng thêm mô hình sản xuất và chế biến sầu riêng đóng hộp đạt công suất từ 50 – 100 tấn/năm.       
Những nhóm giải pháp cần phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp cùng các đơn vị kinh tế hợp tác, hộ gia đình để đạt được các mục tiêu sản xuất sầu riêng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đạ Huoai đến năm 2020 cần rà soát, đánh giá các diện tích sầu riêng năng suất, chất lượng để bình tuyển cây đầu dòng nhân giống; đồng thời đặt hàng các đề tài nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản và chế biến sầu riêng để hoàn thiện quy trình kỹ thuật, tổng kết nhân rộng phù hợp với 

từng vùng sinh thái địa phương.

 Đặc biệt huyện Đạ Huoai cùng các sở, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường các nhóm giải pháp chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại liên kết với nông dân mở rộng sản xuất và tiêu thụ sầu riêng công nghệ cao theo hướng ổn định lâu dài.../.


THÁNG 7/2018