Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Dư địa tăng trưởng sản xuất nông nghiệp còn rất lớn


VĂN VIỆT
·       Lâm Đồng xác định rõ lĩnh vực, quy mô, địa bàn, các dự án ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 30/7, tại Đà Lạt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc cùng với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến thảo luận về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Hội nghị “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp” với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu đến từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế.
Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ:    Ngay từ đầu những năm 1980, cùng với các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp (Khoán 10, khoán 100) đưa nước ta từ một nước phải nhập khẩu lương thực, vươn lên thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã chỉ rõ: “Tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ, vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân. Phát triển mạnh doanh nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu... phục vụ nông nghiệp”.
Đến nay, cả nước có gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Một số mô hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: Tập đoàn TH, Vinamilk, DABACO, Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hùng Vương, VinGroup, đã thành công và có sức lan tỏa lớn.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ngành nông nghiệp với sức cạnh tranh thấp; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế;  phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản thấp…
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò đóng góp của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của cả nước. Đó là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi mô hình sản xuất tiên tiến; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng; liên kết chuỗi giá trị gia tăng; đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, cho xuất khẩu, tạo dựng thương hiệu nông lâm thủy sản Việt trên thị trường thế giới.
  Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cả nước trong thời gian qua đã gặp nhiều mắc cần sớm tháo gỡ. Cụ thể doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, còn nhiều loại thuế, phí làm tăng chi phí doanh nghiệp; thiếu các quy định thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vồn tín dụng; chưa được quan tâm hỗ trợ thích đáng cho doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại hóa sản xuất; phần lớn doanh nghiệp phải nhập khẩu giống, cây trồng, vật nuôi từ nước ngoài, trong khi nguồn giống vật nuôi, cây trồng nghiên cứu trong nước vẫn còn khó tiếp cận, nhận chuyển giao; thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ; nhân lực đa số trình độ thấp; ưu đãi về đầu tư công nghệ nông nghiệp chưa đủ mạnh; hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh chưa phát triển; nhiều thủ tục hành chính trong nông nghiệp còn bất hợp lý; g quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn bất cập, nhiều thực phẩm sạch, chất lượng tốt còn bị đánh đồng với thực phẩm bẩn, ảnh hưởng lơn đến mục tiêu nâng cao iá trị gia tăng  và sản lượng sản phẩm nông nghiệp.
Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho biết, đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 103 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 533,29 triệu USD, trong đó, có 77 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 267 triệu USD và khoảng 1.425 doanh nghiệp, cơ sở trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; 327 doanh nghiệp đang đầu tư 393 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 56.798 ha.
 Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 173 Hợp tác xã nông nghiệp, 249 tổ hợp tác, 949 trang trại sản xuất nông nghiệp; đã hình thành những vùng chuyên canh có quy mô sản xuất lớn, tương đối tập trung; trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 52.000 ha, góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích rau đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; hoa đạt từ 800 triệu-1,2 tỷ đồng/ha/năm; chè chất lượng cao đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm; cà phê đạt khoảng 240 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh Lâm Đồng đã 20 sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu chứng nhận và 09 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; trong chương trình hỗ trợ của Tổ chức Jica (Nhật Bản), tỉnh đã xây dựng và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành với những sản phẩm chính, gồm: Rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông.
Đạt được những kết quả như trên, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện một số giải pháp chính như: Việc thu hút các dự án đầu tư đều được thực hiện trên cơ cở các quy định và các văn bản hướng dẫn của Trung ương., trong đó xác định rõ lĩnh vực, quy mô, địa bàn, các dự án ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thường xuyên thực hiện tốt công tác thông tin và truyền thông đến doanh nghiệp; tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp định kỳ 2 lần/năm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh; chú trọng phát triển doanh nghiệp tại chỗ theo hướng khuyến khích các trang trại, hộ gia đình, các nhóm hộ có đủ điều kiện, năng lực hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ngay tại địa phương;
Hội nghị còn giành thời gian cho các đại biểu trình bày các tham luận tiêu biểu như: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp- khuyế nghị cho Việt Nam ( Giám đốc WB tại Việt Nam); nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê Việt Nam ( Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam); ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê Việt Nam ( Hội doanh nhân trẻ Việt Nam)…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thành tựu lớn nhất của Việt Nam đã phát triển nền nông nghiệp vươn lên đứng hàng đầu Đông Nam Á. Bởi vậy dư địa tăng trưởng sản xuất nông nghiệp Việt Nam là rất lớn. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác liên kết sản xuất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...  
“Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp còn là “lực lượng” thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong nông nghiệp hướng tới sản xuất các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn hơn, có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, tạo ra một môi trường cạnh tranh sôi động trong nông nghiệp...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Thứ nhất, Tập trung rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp. Khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (thay thế Nghị định 210).
Thứ hai, đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp từng bước chủ động được thị trường. Đẩy mạnh việc đàm phán ký kết thỏa thuận hợp tác về kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật song phương với cơ quan nông nghiệp ngoài nước để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng nông sản. Hỗ trợ doanh nghiệp có chiến lược đầu tư xúc tiến thương mại hàng nông sản vào các thị trường trọng điểm. Nghiên cứu cơ chế hợp tác công tư trong việc hình thành các quỹ đầu tư thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, cải cách cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; tập trung ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai theo hướng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp có mặt bằng xây dựng trụ sở, hạ tầng phục vụ sản xuất, nhận chuyển nhượng và thuê đất của hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hình thành vùng nguyên liệu tập trung.
Thứ năm, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp.
Thứ sáu, hoàn thiện, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi tín dụng, đặc biệt đối với các dự án nông nghiệp tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. Ban hành hướng dẫn thực hiện quy định các công trình xây dựng trên đất (bao gồm cả nhà lưới, nhà kính, nhà màng và công trình thủy lợi) của doanh nghiệp đầu tư được tính là tài sản để thế chấp vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Thứ bảy, rà soát, hoàn thiện và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp.
Thứ tám, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp.
Thứ chín, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng môi trường kinh doanh nông sản. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần phản ánh trung thực, kịp thời các trường hợp vi phạm, đảm bảo đủ tính răn đe nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến trong Hội nghị, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với lộ trình và giải pháp cụ thể, nhất là các cơ chế chính sách, giải pháp mới, đột phá để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, trình Chính phủ sớm ban hành.
THÁNG 7/2018