Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Từ trại nuôi hươu đến cửa hàng trưng bày

VĂN VIỆT
Từ trại nuôi hươu quy mô hộ gia đình sau gần mười năm phát triển, chủ nhân 8X Lê Xuân Sinh đã mở rộng liên kết đến nhiều gia trại trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, tạo ra sản phẩm “nhung hươu Trường Sinh” cạnh tranh hiệu quả trên thương trường.

Mỗi năm sản xuất 30- 40 con hươu giống
Gần mười năm trước, nam thanh niên Lê Xuân Sinh (sinh năm 1982) lựa chọn khởi nghiệp bằng con đường ra các tỉnh Bắc miền Trung tìm mua hươu giống về thuần dưỡng trong vườn nhà ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Đến tháng 11/2014, lần đầu tôi đến tham quan trại hươu ở xã Tân Hà, Lâm Hà của Sinh khi đã thuần dưỡng và nhân đàn lên 40 con. Bên cạnh đó, Sinh đã cung cấp khoảng 45 con giống hươu nuôi liên kết với các hộ nông dân ở phường 11, Đà Lạt; xã Pró và xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, đồng thời mở rộng hợp tác bước đầu với một vài hộ ở vùng nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Hai năm rưỡi sau – vào tháng 5/2017, tôi trở lại gặp chủ nhân Lê Xuân Sinh mới hay thương hiệu “Nhung hươu Trường Sinh” đang chuẩn bị khai trương Showroom tại đường Tô Vĩnh Diện, thành phố Đà Lạt. Hướng của Showroom nhằm phục vụ trực tiếp nhu cầu của khách hàng địa phương và khách du lịch lên Đà Lạt chọn lựa sử dụng sản phẩm nhung hươu đặc trưng của vùng khí hậu cao nguyên Lâm Đồng. Sinh cho biết: “ Tính chung trong 3 năm gần đây, mỗi năm trại hươu Trường Sinh ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà sản xuất và cung cấp cho các hộ nông dân liên kết trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng từ 30- 40 con hươu giống, trong đó chiếm tỷ lệ từ 70- 80% con hươu đực nuôi lấy nhung…”
Sinh thống kê tổng đàn hươu liên kết nuôi kinh doanh đến tháng 5/2017 khoảng 400con với 24 khu vực chuồng trại. Trong đó, trại nuôi hươu chính trên diện tích 600m² của gia đình Sinh ở Tân Hà, Lâm Hà phát triển 60 con. Còn lại gồm các trại nuôi ở Đà Lạt, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng và nhiều huyện nông nghiệp tập trung thuộc các tỉnh lân cận như ĐắkLắk, Đắc Nông, Bình Phước. Phân bổ mỗi trại nuôi hươu liên kết với Sinh có diện tích trung bình 300- 400m².  
Và cộng chung sản lượng thu hoạch nhung hươu “toàn hệ thống” trại nuôi của Lê Xuân Sinh vào mùa chính trong năm qua (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau) khoảng 200 cặp, mỗi cặp cân nặng trung bình từ 0,5kg đến 0,6kg. Giá thị trường ổn định 25 triệu đồng/kg. Thời gian còn lại trong năm (từ tháng 5 đến tháng 11) là mùa phụ thu hoạch nhung hươu, nhưng thường vẫn đạt sản lượng đến vài chục ký.    
Hợp tác tỷ lệ 7- 3
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2017, Showroom “nhung hươu Trường Sinh” sẽ hoàn thành việc thiết kế, lắp đặt và đưa vào hoạt động trên phạm vi diện tích khoảng 50m² mặt đường Tô Vĩnh Diện, Đà Lạt. Lúc đó, toàn bộ sản lượng nhung hươu sản xuất liên kết ở từng hộ gia đình trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đều chế biến đưa về Showroom bày bán cho khách hàng đến mua theo sở thích và khả năng tài chính của mình.
  Hiện chủ nhân Lê Xuân Sinh đã đào tạo 6 kỹ thuật viên hướng dẫn hộ nông dân liên kết chăm sóc hươu, trực tiếp cắt nhung hươu và chế biến thành những dòng sản phẩm phong phú như: nhung hươu lát mỏng xay với mật ong làm thực phẩm cho trẻ em chống suy dinh dưỡng; hấp vào nồi cơm dùng vào các bữa ăn chính trong gia đình; ngâm rượu cùng với loại sâm Nam, sâm Bắc, sâm Hàn Quốc…dùng cho tất cả mọi lứa tuổi bồi bồ sức khỏe…
Mô hình liên kết sản xuất “nhung hươu Trường Sinh” triển khai trong nhiều năm qua theo thỏa thuận tỷ lệ 7- 3. Theo đó, chủ nhân Lê Xuân Sinh đầu tư nguồn con giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nhung hươu theo giá ổn định từ 22triệu đồng đến 25triệu đồng/kg. Hộ nông dân liên kết có diện tích đất xây chuồng trại nuôi hươu tối thiểu 200m², có công lao động chăn nuôi. Tất cả những rủi ro trong quá trình chăn nuôi đều do chủ nhân Lê Xuân Sinh chịu trách nhiệm. Một năm thu nhung hươu 2 lần, chia tỷ lệ thụ hưởng cho chủ nhân Lê Xuân Sinh 70% và hộ chăn nuôi 30%.
Hạch toán cho thấy: hộ nông dân liên kết chỉ cần bố trí 200m² diện tích đất, bỏ ra khoảng 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại thì có thể chăn nuôi 10 con hươu đực và 5 con hươu cái do chủ nhân Lê Xuân Sinh đầu tư. Sau một năm chăm sóc đúng kỹ thuật, 10 con hươu đực cho ra khoảng 6,5- 7kg nhung, thành tiền 150 triệu đồng. Và 5 con hươu cái sinh ra 5 con hươu giống, tổng giá trị 50 triệu đồng.
Cộng lại tổng doanh thu một năm đầu tiên khoảng 200 triệu đồng/200m² trại nuôi 10 con hươu. Kết quả nhân với tỷ lệ 30% thụ hưởng trên tổng doanh thu, hộ nông dân liên kết đã thu hồi 60 triệu đồng - gấp đôi nguồn vốn đầu tư ban đầu. Từ năm thứ 2 trở đi, sản lượng nhung hươu thu hoạch sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận nhân đàn, mang lại toàn bộ lãi ròng cho hộ gia đình chăn nuôi vì không còn phải khấu hao tài sản cố định nữa./.
THÁNG 5/2017