VĂN VIỆT
Từ các mô hình sản xuất theo chuỗi bền
vững giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông ở vùng Xuân Trường, Đà Lạt và Nam Ban, Hoài
Đức, Lâm Hà, mở ra những triển vọng nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của
sản phẩm cà phê chè đặc trưng cao nguyên Lâm Đồng.
Kỹ thuật mới, năng suất tăng
Lâm Đồng với các tiểu vùng khí hậu Đà Lạt, Lạc Dương,
Lâm Hà, Đơn Dương…để phát triển các giống cà phê chè chất lượng cao. Đến nay, trên
diện tích hơn 16.300ha cà phê chè kinh doanh từng bước được ngành nông nghiệp Lâm
Đồng chuyển giao các quy trình kỹ thuật mới về cải tạo và bồi dưỡng đất, bón
phân cân đối, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, chắn gió, các biện pháp
chống xói mòn…đã tăng năng suất bình quân lên từ 2,6 – 3,2 tấn nhân khô/ha/năm.
Theo nhận định của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, mức
năng suất bình quân 2,6- 3,2 tấn nhân khô/ha cà phê nói trên vẫn chưa tương
xứng với tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu của cao nguyên Lâm Đồng. Bởi vậy,
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã tiếp tục xây dựng 90ha diện tích mô hình sản
xuất cà phê chè theo chuỗi liên kết bền vững giữa 192 hộ nông dân ở vùng Nam
Ban và xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, cùng với vùng Xuân Trường, thành phố Đà Lạt
với 2 nhà doanh nghiệp là Công ty TNHH thương phẩm Alantic Việt Nam và Công ty TNHH
Hải Phương Nam.
Đi vào khởi động mô hình liên kết, Trung tâm phối hợp
cùng 2 nhà doanh nghiệp vừa nêu tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền
vững theo tiêu chuẩn UTZ và 4C, đồng thời thường xuyên kiểm tra trên từng vườn cà
phê của nông hộ kết hợp với hướng dẫn cách ghi đầy đủ nhật ký sản xuất từ bón
phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến thu hái và bảo quản sau thu hoạch…để
làm căn cứ đánh giá mô hình.
Kết quả qua một vụ mùa canh tác cà phê chè theo mô hình
liên kết, anh Hán Quỳnh Châu, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Lâm
Đồng cho biết: “Qua các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo
tiêu UTZ và 4C ở các vùng Nam Ban, Hoài Đức, huyện Lâm Hà và Xuân Trường, thành
phố Đà Lạt, từng hộ nông dân đã nâng cao nhận thức và thực hành đầy đủ quy
trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí đầu vào…Đặc
biệt tiếp cận với thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm cà phê chè tại Công ty
TNHH thương phẩm Atlantic và Công ty TNHH Hải Phương Nam… ”
Ổn định đầu vào và đầu ra
Theo đó, các nông hộ chú trọng thực hành kỹ thuật tỉa
cành, tạo hình khung tán cho cây cà phê phát triển bền vững. Việc sử dụng phân
bón trên cây cà phê với hai mùa mưa- nắng. Bên cạnh đó còn tận dụng vỏ cà phê
để ủ làm phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng trở lại vườn cây. Trong quá trình phòng
trừ dịch hại tổng hợp đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, chỉ bơm phun
thuốc đối với những cây nhiễm bệnh. Tuyệt đối không bơm phun thuốc diệt cỏ,
thay vào đó cắt cỏ bằng máy hoặc bằng các dụng thủ công khác.
Theo dõi trong vụ thu hoạch vừa qua, cán bộ kỹ thuật
Hán Quỳnh Châu nói thêm: “ Việc thâm canh áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất bền
vững, đã tăng năng suất cà phê chè từ bình quân mỗi năm 2,6 – 3,2 tấn nhân
khô/ha lên 3,5 – 4 tấn nhân khô/ha. Đáng kể, Công ty TNHH thương phẩm Atlantic
Việt Nam và Công ty Hải Phương Nam đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê chè của
nông hộ, trong đó giá trị được cộng thưởng thêm 400- 600 đồng/kg nhân khô… ”
Một trong những giải pháp để tăng năng suất lên 3,5 –
4 tấn nhân khô/ha, đó là nông hộ đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thu hái cà
phê trong vườn cây trái đạt độ chín từ 90- 95%. Tình trạng thu trái cà phê hái
xanh không còn xảy ra ở vườn mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết bền vững. Cà
phê chín sau khi thu hái được phơi trên nền sân sạch, nên khi đưa vào chế biến
thành sản phẩm hạt nhân khô không bị hao hụt và đạt chất lượng khá cao.
“Những mô hình sản xuất cà phê chè theo chuỗi liên kết
bền vững ở vùng Nam Ban, Hoài Đức, huyện Lâm Hà và vùng Xuân Trường, thành phố
Đà Lạt có tác động tích cực đến những khu vực canh tác cà phê lân cận. Thống kê
hiện nay đã nhân rộng gần 18.600 hộ nông dân với gần 41.000ha diện tích cà phê
các loại tham gia tập huấn và thực hành bước đầu sản xuất bền vững theo tiêu
chuẩn 4C và UTZ của thế giới…”, theo báo cáo mới đây của Trung tâm Khuyến nông
Lâm Đồng./.
THANG 5/2017