Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu

VĂN VIỆT
Để tạo môi trường đề kháng cho cây cà phê Lâm Đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng đang chủ động dự tính dự báo gắn với các biện pháp phòng trừ tổng hợp các loài dịch hại mới phát sinh.

Gia tăng 4 loài dịch hại phổ biến
Đến nay tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng ước gần 160.000ha, năng suất bình quân khoảng 3 tấn/ha, góp phần  tạo thu nhập ổn định đời sống cho người nông dân địa phương.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng đã gia tăng chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm, hàng năm xảy ra hạn hán và lũ lụt đã khiến cho nhiều loài dịch bệnh trên cây cà phê có môi trường sinh sôi nảy nở, gây ra những thiệt hại khó lường.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trong 3-4 năm vừa qua khi khí hậu biến đổi thất thường, các khu vực chuyên canh cà phê Lâm Đồng phát sinh 4 loài dịch hại phổ biến gia tăng liên tục sau từng mùa vụ là bệnh vàng lá, rệp sáp, sâu đục thân và bọ xít muỗi.
Như bệnh vàng lá do tuyến trùng gây hại cà phê mức độ nặng trong 3 năm gần đây với diện tích lần lượt từ gần 2.000ha lên gần 3.000ha và giảm xuống vẫn còn nhiễm bệnh gần 1.300ha.
Cụ thể hơn, trong 3 năm dịch hại rệp sáp xuất hiện các vùng cà phê Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, thì diện tích nhiễm bệnh ít nhất đã lên gần 1.800ha/năm; diện tích nhiễm bệnh nhiều nhất vượt hơn 9.300ha/năm.
Tiếp theo, bệnh sâu đục thân mình trắng tăng diện tích nhiễm bệnh nặng hàng năm trên diện tích cà phê chè ở Đà Lạt - từ 70ha năm 2014 lên 500ha năm 2015 và 810ha vào năm 2016.
Đáng chú ý với loài dịch hại thứ 4- dịch bọ xít muỗi gây hại và lây lan diện rộng các vùng cà phê chè từ Đà Lạt đến Lạc Dương và Đam Rông.  So với mốc thời gian năm 2013, bọ xít muỗi với chiều hướng tăng diện tích nhiễm bệnh theo từng năm liên tiếp gồm: 600ha năm 2014, hơn 2.800ha năm 2015 và 2.850ha năm 2016.       
Cần những giải pháp phòng trừ tổng hợp
Kết quả điều tra trên 8 vùng cà phê của Lâm Đồng gồm: Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lộc, mỗi vùng với diện tích từ 1.000- 9.000ha, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã xác định 9 đối tượng dịch hại xuất hiện hàng năm, cần phải dự tính dự báo định kỳ  gồm: bọ xít muỗi, vàng lá, nấm hồng, rệp sáp, sâu đục thân, mọt đục cành, ve sầu, rỉ sắt và khô cành khô quả.  
Trong đó tại 5 khu vực Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và Bảo Lộc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh vàng lá thối rễ cà phê”, qua đó tập trung xây dựng các mô hình khảo nghiệm và xác định chế phẩm sinh học Landsaver (hoạt chất tinh dầu quế) có hiệu quả phòng trừ tuyến trùng gây hại bộ rễ cà phê.
Và trong vườn ươm cây giống cà phê, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã khuyến cáo người sản xuất tích cực sử dụng các hoạt chất đặc trị để rải đều hoặc tưới trên bầu đất để phòng trừ tuyến trùng gây hại. Đó là các hoạt chất abamectin (tervigo 020SC, 1- 2 lít/200 lít nước); paecilomyces (palila 500WP, 5-10kg/ha); carbosulfan (vifu-super 5GR, 20- 30kg/ha; marshal 5G, 30kg/ha); ethoprophos (vimoca 10GR, 3kg/ha)…
Thống kê trong 4 năm vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tái canh trồng mới và ghép cải tạo hơn 37.000ha cà phê. Qua rà soát, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thường xuyên hướng dẫn nông dân luân canh các loại cây trồng khác trước khi xuống giống cà phê trồng mới tái canh. Đối với những vườn cà phê già cỗi, ít nhiễm sâu bệnh, khi nhổ bỏ xong phải vệ sinh sạch sẽ, sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo đất rồi mới đào hố, xuống giống cà phê trồng tái canh mới.
Đồng thời khuyến khích nông dân nhân rộng hình thức trồng cuốn chiếu tái canh cà phê ngay trong mùa mưa hàng năm - sau khi đã xử lý tuyến trùng và nấm bệnh trong đất, đào hố, bón lót phân chuồng...Hiện nay nhiều mô hình trồng cà phê tái canh không luân canh ở Lâm Đồng theo hình thức cuốn chiếu đã bước sang năm thứ 3, thứ 4, sinh trưởng tốt và thích ứng với nhiều biến đổi của thời tiết, khí hậu, dự báo những mùa thu hoạch ổn định, năng suất cao.
Ngoài ra với việc chọn nguồn giống mắt ghép sạch bệnh, khỏe mạnh, không lây nhiễm dịch hại, nhiều nông hộ đã thực hành các kỹ thuật ghép cải tạo vào những gốc cây cà phê dưới 20 năm tuổi, kết quả  cây phát tán cành trên phạm vi rộng, đề kháng nhiều loại bệnh tật do biến đổi khí hậu gây ra.
“Các biện pháp tái canh cà phê kết hợp với trồng cây che bóng, chắn gió, trồng cây đai rừng, cây che phủ đất hợp lý, đồng thời ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, chống xói mòn, rửa trôi đất, đã và đang mang lại thu nhập gia tăng cho người sản xuất ở Lâm Đồng… ”, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đánh giá. Và trên cơ sở này, kiến nghị cơ quan chức năng sớm hoàn chỉnh và ban hành các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy phạm sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ở Lâm Đồng./.
THANG 5/2017