VĂN VIỆT
Để phát
triển các làng hoa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của làng nghề truyền
thống, Đà Lạt đang chú trọng những nhóm giải pháp khắc phục hạn chế về hạ tầng,
công nghệ và kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Thiếu đồng
bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ hoa
Thống kê đến nay, tổng diện tích sản xuất các loại hoa
Đà Lạt gần 5.300ha, đạt tổng sản lượng hơn 1,7 tỷ cành, chiếm hơn 65% tổng diện
tích gieo trồng cây nông nghiệp và chiếm gần 70% sản lượng hoa toàn tỉnh Lâm
Đồng. Hoa Đà Lạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp
Chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu, nhờ đó đã từng bước nâng cao uy tín
sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay trên
địa bàn Đà Lạt đã được UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định công nhận 4 làng hoa đáp
ứng các tiêu chí chuyên canh tập trung thành làng nghề truyền thống. Đó là làng
hoa Thái Phiên ( phường 12), Hà Đông (phường 8), Vạn Thành (phường 5) và Xuân
Thành (Xuân Thọ) được công nhận lần lượt vào các năm 2009, 2010, 2011 và 2015,
tổng diện tích sản xuất các loại hoa khoảng 600ha, giải quyết việc làm thường
xuyên cho 3.200 lao động.
Kết quả tổng sản lượng hoa hàng năm của 4 làng hoa Đà
Lạt hơn 650 triệu cành, mang về thu nhập bình quân 800 triệu đồng/ha, cá biệt
có mô hình áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đạt thu
nhập 1- 3 tỷ đồng/ha.
“ Việc ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng và phát
triển làng nghề truyền thống, đã góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng loại hình
du lịch nông nghiệp; hàng năm đón trên 10.000 lượt khách tham quan thưởng lãm,
học tập mô hình canh tác hoa, tìm hiểu các giá trị truyền thống trong quá trình
hình thành và phát triển các làng nghề…”, báo cáo của Thành ủy Đà Lạt cho biết
thêm.
Tuy nhiên, cũng theo Thành ủy Đà Lạt, nếu so sánh với
tiềm năng và thế mạnh, 4 làng hoa Đà Lạt vẫn phát triển chưa tương xứng. Cụ thể
các cơ chế phát triển làng nghề trồng hoa truyền thống chưa được triển khai đầy
đủ; thiếu đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ hoa thương phẩm,
trong đó tỷ lệ xuất khẩu hoa còn thấp. Đáng kể, những điểm du lịch canh nông
còn đơn điệu các dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Thành ủy Đà Lạt đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến
những hạn chế vừa nêu là: hiện trạng sản xuất hoa ở các làng hoa Đà Lạt chủ yếu
vẫn mang tính nhỏ lẻ; các cơ quan chuyên môn của thành phố Đà Lạt còn lúng túng
trong định hướng phát triển cụ thể của từng làng nghề trồng hoa.
Làng hoa thu
nhập bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm
Mục tiêu phấn đấu các làng hoa Đà Lạt đến năm 2020 với
tỷ lệ hơn 90% diện tích canh tác đạt tiêu chí đồng bộ sản xuất hoa công nghệ
cao, thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm. Đồng thời kết nối 4- 5 tuyến du lịch nổi
tiếng của Đà Lạt đến với các làng hoa; ít nhất tỷ lệ 30% lao động ở làng hoa
được đào tạo nghiệp vụ du lịch; bình quân thu nhập đầu người ở làng hoa 120
triệu đồng/năm. Và mỗi làng hoa hình thành 1-2 hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết
sản xuất hoa công nghệ cao gắn với hoạt động du lịch canh nông.
Để đưa các mục tiêu nêu trên trở thành hiện thực,
Thành ủy Đà Lạt chỉ đạo các cấp ngành chức năng trong thành phố tích cực phối
hợp triển khai các giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Trong đó trước hết là tăng
cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng đề án, lập quy hoạch các làng hoa
trên cơ sở quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm
2050. Tiếp theo là giải pháp đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn xã
hội hóa để xây dựng hệ thống giao thông kết nối từ khu vực sản xuất, chế biến
đến khu vực trưng bày của các làng hoa, phục vụ nhu cầu tham quan thuận lợi của
du khách. Đặc biệt đáng quan tâm là xúc tiến việc đầu tư xây dựng Trung tâm
Giao dịch Hoa Đà Lạt.
Và những nhóm giải pháp còn lại, Đà Lạt tiếp tục kêu
gọi đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất hoa
thương phẩm; khuyến khích khảo nghiệm, nhập nội các giống hoa mới kháng sâu
bệnh, đạt giá trị kinh tế cao. Trên mỗi làng hoa nên tập trung phát triển các
loại hình du lịch trải nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa. Bên
cạnh đó, cần hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia
hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sản phẩm hoa các
loại. Ngoài ra phải phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Hoa, Hiệp hội Du lịch
Đà Lạt làm cầu nối phát triển liên kết hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ hiệu
quả giữa nhà nông ở các làng hoa Đà Lạt với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ
quan chuyên trách của nhà nước./.
THÁNG 5/2017