Ghi chép VĂN VIỆT
Hàng ngày giữa trang trại hoa lily mùa
đông Đà Lạt, nông gia Nguyễn Hữu Trí ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ vừa thu hoạch
khu nhà kính bên này, nhưng lại vừa chăm sóc đặc biệt khu nhà kính bên kia để kịp
khoe sắc, tỏa hương trên thị trường hoa tết. Nếu ngày ấy ước được trồng hoa Đà
Lạt thì bây giờ, anh “Trí lily” ước được tiêu thụ nhiều hơn nữa hoa lily nói riêng
và các loại khác của Đà Lạt nói chung trên đất Sài Gòn.
Ngày đầu gặp hoa…đẹp quá
Liên lạc mấy lần, nông gia Nguyễn Hữu Trí ở thôn Đa
Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt mới bố trí được buổi sáng giáp tết Bính Thân để đưa
tôi đi tham quan, kể chuyện hoa lily trong 4ha nhà kính và 1ha ngoài trời trồng
hoa hướng dương, hoa cẩm tú cầu cùng các loại hoa giống mới nhập về. Anh Trí nói
cuối năm không chỉ đẩy mạnh khâu sản xuất mà còn phải tìm cách “điều nghiên”
thị trường, mục tiêu đến thời điểm khoảng mười ngày trước và sau tết, lượng hoa
cung- cầu của công ty gia đình anh chỉ dao động ở mức chênh lệch thấp nhất. Trong
“bối cảnh” này, anh Trí thường lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, gặp gỡ khách
và triển khai các công việc khác liên quan đến “đời sống” của các loài hoa
trước ít nhất một tuần lễ. Như sáng hôm nay, anh Trí nói chuyện với tôi trực
tiếp, nói chuyện với đối tác gián tiếp trên điện thoại và tranh thủ “chỉ đường”
cho khách quen và chưa quen tình cờ đến nhìn ngắm vườn hoa. “Đây là khu vực cắt
tỉa gọn gàng lần cuối cho hoa lily cắt cành, rồi ngâm nước trước khi đóng thùng
carton đưa thẳng xuống một khu chợ nhỏ ở Sài Gòn bán trong ngày. Nằm kế bên gồm
phòng lạnh để cất trữ củ giống hoa lily nhập về từ châu Âu và hoa lily thu
hoạch rộ. Cửa trước, cửa sau, cửa hông là những lối đi ra vườn hoa lily nhà
kính nối liền với diện tích các loại hoa canh tác ngoài trời, cự ly đi lại sản
xuất xa nhất khoảng một ngàn mét…. Anh
Trí khái quát.
Kiên nhẫn học nghề trồng hoa lily
Khép kín một vòng dạo bộ tham quan, anh “Trí Lily” mời
tôi vào phòng khách “nghỉ chân” bên những bình hoa lily vàng, đỏ, hồng thơm
ngát. Căn nhà xây dựng theo kiến trúc biệt thự này để “định canh định cư” lâu
dài với đồng hoa lily đã không “tuân theo” dự định ban đầu lên Đà Lạt của anh
Trí là kinh doanh bất động sản. Anh Trí nối tiếp câu chuyện: “Thấy hoa Đà Lạt
không chỉ đẹp quá mà còn có giá trị thương phẩm khá cao, từ đó tôi mua 1,7ha
đất ở thôn Đa Quý, Xuân Thọ không phải sử dụng vào mục đích kinh doanh, mà quyết
định chuyển sang mục đích sản xuất kiếm lời. Quê tôi ở tỉnh Bình Dương chỉ biết
trồng lúa và các loại cây màu ngắn ngày, nên vào nghề trồng hoa, tôi phải tìm
gặp nhiều nông dân Đà Lạt học hỏi kinh nghiệm thực tiễn và kỹ thuật sản xuất
hiện đại.
Năm thứ nhất làm quen nghề nông Đà Lạt với việc sản xuất các loại hoa
ngoài trời. Năm thứ hai mạnh dạn chuyển đổi thử nghiệm trồng hoa lily che lưới
đen trên 0,1ha. Năm thứ ba, thứ tư trở đi mới ổn định quy trình canh tác hoa
lily trong nhà kính của mình, sau đó dần dần mua thêm diện tích lên 4ha đến
ngày nay …”
Thuận lợi của hộ gia đình anh Trí là đã có một cửa
hàng bán sỉ và lẻ hoa Đà Lạt tại Sài Gòn hoạt động từ nhiều năm trước, nên
những lứa hoa thu hoạch “mở hàng” cơ bản không phải lo nhiều về tình trạng ứ
đọng tại vườn. Điều lo nhất bấy giờ là phải nắm bắt, hiểu thấu những “tính nết”
của từng loài hoa để chăm sóc, nuôi dưỡng thích ứng với điều kiện đất vườn của
mình. Với hoa ngoài trời thực hành liên tục vài ba lứa sản xuất là có thể “thành
nghề”, nhưng với hoa lily trồng trong nhà kính, một loại hoa cao cấp, vốn đầu
tư ban đầu không nhỏ, đòi hỏi qua mỗi ngày chăm sóc phải đạt các yêu cầu khắt
khe về nhiệt độ không khí, ẩm độ của đất nền và đất giá thể, cường độ ánh sáng
vừa đủ, dinh dưỡng cân đối, sử dụng cửa thông gió phù hợp…Bởi vậy, trong mấy
lứa hoa lily nhà kính “vạn sự khởi đầu nan” (mỗi lứa kéo dài khoảng từ 75- 90
ngày tùy theo loại giống), anh Trí thường gặp không ít bỡ ngỡ, lúng túng và thiếu
chuẩn xác trong mỗi công đoạn canh tác, hệ quả cây bị nhiễm bệnh chết với tỷ lệ
không nhỏ, năng suất thiệt hại khá nhiều. Thay vì hoang mang bỏ cuộc, anh Trí chọn
giải pháp khắc phục bằng cách chi trả mức lương cao để thuê một kỹ sư nông
nghiệp đã trải qua kinh nghiệm thực tế trồng hoa lily trong các doanh nghiệp
nước ngoài, cùng một nhà nông trồng hoa thuần tay nghề cao ở Đà Lạt về hàng
ngày cầm tay chỉ việc cho anh trên từng luống đất. Nhờ đó, hai năm sau, cơ bản anh
Trí đã tự mình trồng hoa lily đạt kết quả tương đối…không còn thua lỗ nữa. Nông
dân Xuân Thọ, Đà Lạt gọi “tên kép” là “Trí lily” xuất phát từ đây.
Lily đi thẳng xuống các chợ Sài Gòn
Nói về doanh thu trung bình trong năm qua, anh “Trí
lily” cho biết mỗi ngày “gặt hái” đều đặn đưa thẳng xuống cửa hàng của gia đình
ở Sài Gòn từ 20- 30 thùng hoa lily ( mỗi thùng khoảng 200 cành), những ngày lễ
thì tăng lên đến 100 thùng. Tết Bính Thân 2016, “Trí lily” sẽ xuất vườn khoảng
200.000 cành hoa lily. “ Gia đình chúng tôi đã khảo sát thị phần mua hoa lily
ngày tết ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, qua đó đang chuẩn bị các phương tiện để
vận chuyển hoa lily đến tận nơi khách hàng theo yêu cầu. Hoa lily chúng tôi sản
xuất và tiêu thụ trực tiếp, không thông qua các đầu mối trung gian, nên luôn
chủ động hầu hết sản lượng đầu vào- đầu ra…”- anh“Trí lily” chia sẻ. Còn về lợi
nhuận, anh Trí nói không hạch toán chi tiết, chỉ xác định qua 8 năm trồng hoa ở
đất Đa Quý, Xuân Thọ của phố hoa Đà Lạt, thu nhập phần lớn hàng năm đều tập
trung đầu tư mở rộng diện tích, kết quả từ 1,7ha ngày đầu sản xuất đến nay phát
triển lên hơn 5ha.
Năm mới 2016 với anh “Trí lily” mong muốn “sẽ tiếp tục
tăng thêm diện tích trồng hoa lily nhà kính khi hội đủ điều kiện, vì đây là
loài hoa tiềm năng của vùng nông nghiệp Đà Lạt có thể tạo ra bước đột phá về
thu nhập cho người nông dân dám nghĩ, dám làm, mặc dù vốn đầu tư sản xuất hàng
năm trên mỗi hecta là khá lớn…”./.
THÁNG 01/2016