VĂN VIỆT
Thông qua các chương
trình, dự án hỗ trợ, nông dân Lâm Đồng đã tích cực cải tạo, thâm canh nhiều
giống cà phê vối và cà phê chè đạt năng suất và chất lượng cao, đồng thời thực
hành hiệu quả các biện pháp giảm tổn thất sau thu hoạch, từng bước đáp ứng yêu cầu
chế biến cà phê trong nước và xuất khẩu.
Mở lớp tập
huấn kỹ thuật
Theo thống kế của Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng,
tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng đang sản xuất hơn 157.000ha, trong đó
diện tích cà phê vối chiếm hơn 87%; diện tích cà phê chè khoảng gần 11%, còn lại gần 2% diện
tích cà phê mít. Nếu như năm 2010, tổng sản lượng cà phê của tỉnh Lâm Đồng đạt hơn
332.000tấn thì đến cuối năm 2015 ước tăng lên gần 400.000tấn (tỷ lệ tăng gần 20%).
Tính
riêng trong 4 năm 2012- 2015, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng
đã phối hợp với Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Trường Đại học Nông
Lâm thành phố Hồ Chi Minh tổ chức 13 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cà
phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ, RTA... cho 750 lượt nông dân ở thành phố
Đà Lạt, Bảo Lộc, các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương,
Di Linh, Bảo Lâm; cấp phát 500 cuốn cẩm nang giới thiệu về máy móc thiết bị sơ
chế, giảm tổn thất cà phê sau thu hoạch, 1.500 tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật thu
hái cà phê yêu cầu chất lượng. Kết quả, diện tích cà phê Lâm Đồng được cấp các chứng
nhận chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế như 4C, UTZ, CERTIFIED, RTA... tăng từ 23.400 ha (năm 2012) lên
40.000 ha (năm 2015); đồng thời đã và đang thiết lập bản quyền 3 chứng nhận nhãn hiệu tập thể
gồm: Cà phê Robusta Di Linh; cà phê Arabica Lang Biang - Lạc Dương, cà phê chè
Cầu Đất - Đà Lạt.
Xây dựng và
nhân rộng mô hình
Để dần khắc phục tình trạng nông
dân thiếu máy móc, thiết bị sơ chế cà phê đảm bảo chất lượng, Chi cục Phát
triển nông thôn Lâm Đồng còn phối hợp với chính quyền địa phương ở các vùng sản
xuất cà phê trong tỉnh, tổ chức 05 hội thảo giới thiệu và nhân rộng mô hình máy
sấy cà phê theo công nghệ tĩnh vĩ ngang đảo chiều do Trung tâm Năng lượng và Máy
nông nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh thiết kế. Trong
đó gồm lò sấy đốt cấp nhiệt trực tiếp áp dụng cho sản phẩm cà phê vối và lò sấy
đốt cấp nhiệt gián tiếp áp dụng cho sản phẩm cà phê chè, đạt công suất 15-16
tấn cà phê quả tươi/mẻ sấy. Chi cục đã tổ chức chuyển giao 12 mô hình ưu tiên các
xã khó khăn về hạ tầng điện, giao thông gồm: xã Đinh Trang Thượng (Di Linh), xã
Đạ K’Nàng (Đam Rông), xã Lộc Bắc (Bảo Lâm).... Bên cạnh đó, Chi cục đã triển
khai đề án hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình sân phơi cà phê cải tiến với diện
tích 200m2/mô hình (tương đương 01 tấn cà phê vỏ thóc khô/mẻ) để
phơi cà phê chè vỏ thóc trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương; xây dựng 1.200 m2 sân phơi bằng xi
măng và 50.400m2 tấm bạt nhựa phơi cà phê vối trên các địa bàn Lâm
Hà, Di Linh, Bảo Lâm và Đức Trọng.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chi cục
trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết thêm: “Đến nay, có tất cả
30 mô hình sản xuất, bảo quản chế biến cà phê bền vững khép kín trên các địa
bàn Lâm Đồng đã được nghiệm thu và bàn giao đưa vào sản xuất, góp phần giảm tổn
thất cà phê sau thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là những mô
hình điểm để làm cơ sở nhân rộng trong sản
xuất. Các tổ chức, cá nhân được lựa chọn hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình (dưới
100 triệu đồng/mô hình) làm nòng cốt để hình
thành các mô hình liên kết trong quá trình sản xuất, thu mua chế biến, bảo
quản, tiêu thụ sản phẩm cà phê nhằm tạo ra mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau, đem
lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành viên trong chuỗi liên kết...”
Theo đó, trong 4 năm qua, Lâm Đồng
đã hình thành khá nhiều hình thức liên kết trong sản xuất, sơ chế, chế biến và
tiêu thụ sản phẩm cà phê, góp phần giảm
tỷ lệ sơ chế cà phê quả tươi theo phương pháp truyền thống tại nông hộ từ 85%
xuống 70%; tăng tỷ lệ chế biến cà phê nhân tại địa phương từ 75% lên 92%; tăng
tỷ lệ chế biến tinh cà phê lên 50%; tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp cà phê
đạt khoảng 30% sản lượng với tổng kim ngạch 181 triệu USD/năm. Cụ thể
những hình thức liên kết gồm: Nông dân với nông dân đổi công chăm sóc, thu hái cà
phê, cung cấp thông tin giá bán sản phẩm; nông dân với các đại lý thu mua cà
phê thông qua việc ứng vốn, vật tư để sản xuất và thanh toán sau khi thu hoạch;
nông dân với cơ sở chế biến sản phẩm cà phê nhân có chất lượng và giảm tổn thất
sau thu hoạch; doanh nghiệp với doanh nghiệp thu mua chế biến cà phê xuất khẩu...
Đáng kể như: Hợp tác xã cà phê Lâm
Viên với 88 thành viên, sản xuất ổn định khâu đầu vào và tiêu thu sản phẩm đầu ra trên
tổng diện
tích 100ha cà phê; Công ty TNHH Thuý Thuận liên kết cung ứng vốn sản xuất, thu
mua sản phẩm cà phê chè trực tiếp từ nông dân các vùng Đà Lạt, Lạc Dương, Đam
Rông… với năng lực sơ chế 500 tấn cà phê nhân/ngày; Công ty Cà phê ACOM hàng
năm tập huấn sản xuất cà phê chất lương cao và bền vững cho 5.000 hộ nông dân, thu mua, sơ chế 1.000tấn cà phê nhân/ngày…/. *THÁNG 01/2016