Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Mục tiêu mới cho hoa Đà Lạt

VĂN VIỆT
Sau 6 kỳ Festival Hoa Đà Lạt đã xác định mục tiêu mới của nghề hoa là tăng diện tích và sản lượng trung bình 15%/năm, đến năm 2020 đạt tỷ lệ 30% sản lượng hoa xuất khẩu. Nhiều giải pháp đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà nông, chuyên gia…cùng tham gia bàn thảo khá sát thực nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu này.

Chất lượng hoa chưa tương xứng với tiềm năng
Đà Lạt và các vùng phụ cận có điều kiện khí hậu và đất đai rất thích hợp để phát triển quanh năm các loại hoa ôn đới, á nhiệt đới với chất lượng khác biệt với các vùng miền trong nước về màu sắc, độ dày và độ tươi lâu của từng cánh hoa cắt cành. Thông qua những chương trình, dự án chuyển giao giống mới, kỹ thuật hiện đại để phát triển nghề hoa ứng dụng công nghệ cao, đến nay, Đà Lạt và các địa bàn được phép sử dụng nhãn hiệu hoa Đà Lạt đã và đang sản xuất hơn 400 loài hoa thương phẩm với hàng ngàn giống cây chất lượng cao xuất xứ từ các nước châu Âu ( Pháp, Hà Lan), châu Mỹ, châu Phi, châu Úc, châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan…). Trong năm 2015, diện tích trồng hoa toàn tỉnh Lâm Đồng (gắn nhãn hiệu hoa Đà Lạt, gọi chung là hoa Đà Lạt) đạt gần 7.600ha, trong đó địa bàn Đà Lạt sản xuất hoa chủ lực chiếm hơn 63% diện tích và 67% tổng sản lượng. Cơ cấu các giống hoa sản xuất tập trung, chiếm tỷ lệ nhiều nhất trên tổng diện tích canh tác là hoa cúc (hơn 29%) và hoa lay ơn (hơn 16%); tiếp theo gồm hoa hồng, đồng tiền, cát tường ( chiếm từ 3,5% đến 10%); hoa lily, hoa lan, cẩm chướng (chiếm từ gần 2% đến 2,5%); nhóm cây bonsai, cây trang trí chiếm hơn 1%. Ngoài ra gồm nhiều loại hoa khác sản xuất nhỏ lẻ chiếm khoảng 36%.
     Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tính chung 5 năm qua, gần 90% sản lượng hoa Đà Lạt do nông dân và các doanh nghiệp vẫn sản xuất trong điều kiện quy mô nhỏ lẻ, phân tán,  tiêu thụ ở thị trường trong nước (60% thị trường TPHCM, 30% thị trường các khu vực Hà Nội, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…). Tỷ lệ 10% sản lượng hoa còn lại mới đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc Bỉ, Hà Lan, Nga…Chủng loại hoa xuất khẩu phần lớn là cây giống ( gần 62%), hoa cúc ( gần 25%), phần nhỏ gồm các loại hoa hồng, cẩm chướng, cát tường, hoa lan, lá trang trí…với tổng kim ngạch cả năm 2015 đạt 26 triệu USD. 
Hoạt động xuất khẩu hoa vẫn thuộc về những thương  hiệu doanh nghiệp quen thuộc như Dalat Hasfarm, Rừng hoa Đà Lạt, Apolo, Bonnie Farm…Trong khi phần lớn những doanh nghiệp ngành hoa vẫn loay hoay với thị trường nội địa, chưa thể tạo ra chuỗi sản phẩm hoa chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng đất cao nguyên Lâm Viên để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu vì gặp hàng loạt “sự thiếu” như: vốn, hạ tầng kỹ thuật, chuyên gia tư vấn, hiểu biết thị trường, bảo quản sau thu hoạch, đóng gói sản phẩm, thiết kế bao bì, quảng bá, tiếp thị thương hiệu…   
Cập nhật giá hoa cho người sản xuất
Cụ thể hơn, nhà nông Tạ Minh Quân ở Làng hoa Hà Đông (Đà Lạt) cho biết, năm 2000, hộ gia đình ông sản xuất bán một cành hoa hồng trong nhà kính đạt hơn 1.000đồng nhưng đã bước sang năm 2016 vẫn giữ nguyên giá. Sau đó, gia đình ông có liên kết với một doanh nghiệp ở Đà Lạt xuất khẩu được “một ít” sản lượng thu hoạch hoa hồng thì ngưng luôn đến ngày nay. “Các cơ quan nhà nước sớm xây dựng tiêu chí chính thức về hộ gia đình sản xuất hoa xuất khẩu, giúp nông dân chúng tôi yên tâm giá trị sản phẩm đầu ra…” Tương tự nhà nông Trương Ngọc Huy trồng hoa hồng tiêu biểu ở huyện Lạc Dương nói: “ Nhà nông rất cần chuyển đổi giống mới, công nghệ sản xuất mới, nhưng lại thiếu vốn, thiếu điều kiện tiếp cận kỹ thuật, đề nghị nhà nước có thêm nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi vốn vay…”
Chia sẻ với những ý kiến đề xuất nêu trên của nông dân Đà Lạt, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM phân tích : “ Tình trạng nhà vườn sản xuất hoa Đà Lạt ngày càng tăng sản lượng và diện tích, nhưng giá trị hoa vẫn thấp là do chưa kịp thời đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Khắc phục khó khăn này, các ngân hàng cần vào cuộc, linh hoạt cho vay theo tín chấp hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoa đã ký kết, hoặc có thể bảo lãnh thanh toán nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất hoa công nghệ cao với lãi suất hỗ trợ cho người nông dân….” Cho biết thêm về kinh nghiệm sản xuất hoa giá trị cao của người Nhật, ông Ryoji Kato, đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại tại TPHCM nói: “ Giá hoa ở Nhật hàng ngày được công ty bán đấu giá cập nhật cho người nông dân tính toán sản xuất đạt lợi nhuận cao nhất trên khoảnh vườn của mình, bởi vậy không có tình trạng thường gặp là nguồn cung quá lớn, cầu quá nhỏ, trượt giá nhiều loại hoa như ở Đà Lạt- Lâm Đồng…”
Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhấn mạnh các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ hoa Đà Lạt, đặc biệt là thị trường xuất khẩu với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 30% sản lượng hoa đến năm 2020 là: “ Tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp để xây dựng ổn định trên từng chuỗi sản phẩm hoa đạt giá trị cao từ sản xuất đến tiêu thụ theo hợp đồng…”/.
THÁNG 01/2016