Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Bước chuyển của kinh tế trang trại Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Giai đoạn 2011 - 2015, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho 420 lượt chủ trang trại, hỗ trợ gần 100 mô hình phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia hội chợ thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa... Kết quả này đã góp phần tạo điều kiện cho người nông dân phát huy lợi thế so sánh trong sản xuất, chăn nuôi trang trại, từ đó không ngừng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông phẩm Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước.

Phát triển nhiều loại hình trang trại
Thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đầu tư, tín dụng, khoa học, công nghệ và môi trường, xúc tiến thị trường, cộng với  nguồn hỗ trợ kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án khác nhau và nguồn vốn đối ứng của kinh tế hộ gia đình, từ năm 2011 đến năm 2015, Lâm Đồng đã tăng nhanh số lượng trang trại sản xuất, chăn nuôi với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Nhiều trang trại không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, cung ứng các nguồn giống mới chất lượng cao, mà còn tích cực mở rộng dịch vụ, kỹ thuật, làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng, góp phần tạo thêm nguồn nguyên liệu chất lượng cao để cung cấp cho các cơ sở, đơn vị chế biến trong nước và vươn ra thị trường xuất khẩu.
Tính đến đầu năm 2016, theo tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 760 trang trại (năm 2011 khoảng gần 380 trang trại) gồm: hơn 350 trang trại trồng trọt và gần 120 trang trại tổng hợp  (mỗi trang trại có diện tích tối thiểu 2,1ha và thu nhập 700triệu đồng/năm); hơn 290 trang trại chăn nuôi ( sản lượng hàng hóa đạt 1 tỷ đồng/trang trại/năm trở lên). Ở mỗi huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đều có trên 70% chủ trang trại được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý và tổ chức sản xuất. Hàng năm đã chọn ra 2 trang trại điển hình về sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tiếp tục hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, bổ sung những kinh nghiệm tích lũy cho những trang trại khác hoặc trang trại xây dựng mới.
Thu nhập bình quân 2,4 tỷ đồng/trang trại/năm
Thống kê diện tích đất trang trại ở Lâm Đồng hiện đang sử dụng gần 4.000 ha, tăng gần 2.000ha so với năm 2011, bình quân 1 trang trại sử dụng lên đến hơn 5ha. Trong đó, chiếm nhiều diện tích nhất là lĩnh vực trồng trọt với hơn 8ha/trang trại; kế tiếp là bình quân 4,8ha/trang trại tổng hợp; cuối cùng là lĩnh vực chăn nuôi với hơn 1,8ha/ trang trại. Tính riêng số lượng gia súc, gia cầm của trang trại trên địa bàn Lâm Đồng đến cuối năm 2015 gồm:  gần 125.000con trâu, bò; hơn 112.000con heo; hơn 1,3 triệu con gia cầm... 
Nhìn chung số trang trại ở Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015 đều đạt và vượt so với quy định về quy mô và giá trị sản lượng hàng hóa, đạt mức thu nhập bình quân trên 2,4 tỷ đồng/trang trại/năm. Hoạt động sản xuất ở các trang trại vẫn tiếp tục duy trì đầu tư kỹ thuật theo hướng từng bước ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt. Và trong chăn nuôi kinh tế hộ gia đình đã có sự chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ chuyển sang quy mô trang trại lớn ngày càng nhiều. Tổng số lao động thu hút thường xuyên của trang trại hơn 3.000người, lao động thuê ngoài thời vụ lên đến hơn 4.800 người, tăng lần lượt so với năm 2011 là hơn 190%  và hơn 180%...
Về những bước chuyển biến tích cực của kinh tế trang trại giai đoạn 2011-2015 nêu trên, ông Nguyễn Văn Châu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh: “Nhờ mở rộng ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế trang trại ở Lâm Đồng đã sản xuất ngày càng đa dạng sản phẩm với quy mô tập trung, giá trị hàng hóa bán ra thị trường ngày càng cao, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương, huy động nguồn vốn đầu tư khá lớn trong dân để đầu tư cho phát triển sản xuất. 
Nhiều trang trại đã sản xuất và cung cấp các loại giống vật nuôi, cây trồng chất lượng cao, đồng thời triển khai nhiều dịch vụ khoa học kỹ thuật, làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng, qua đó đã chung sức tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến địa phương phát triển, cũng như mở mang các ngành nghề dịch vụ nông thôn...”./.

THÁNG 01/2016