Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

“Hai nhà” với cây phúc bồn tử

VĂN VIỆT
Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cùng nhà nông Huỳnh Trung Quân ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng đã thực nghiệm có kết quả sản phẩm “phúc bồn tử kép” gồm vườn mô hình canh tác giống cây thân trơn (không gai) và sản phẩm rượu vang chế biến từ dây chuyền máy móc hiện đại. Triển vọng nhân rộng những cánh đồng phúc bồn tử đang mở ra trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận.   

Nhân bản cây đột biến không gai
Từ năm 2008 đến nay, cây phúc bồn tử ( hay còn gọi là cây mâm xôi) không còn quá xa lạ với nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận. Bởi ngay những năm đầu nhân giống phúc bồn tử nguồn gốc từ châu Âu thành công tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh thuộc huyện Đức Trọng, chủ nhân Huỳnh Trung Quân đã tích cực chuyển giao giống, kỹ thuật chăm sóc cho những hộ nông dân trong vùng theo nhu cầu. Đặc biệt, khi phát hiện có cây phúc bồn tử thân không gai phát triển đột biến trong diện tích 2ha chuyên canh phúc bồn tử thân có gai (cây giống gốc), nông dân Huỳnh Trung Quân đã chủ động hợp tác với các nhà khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng chọn nhiều “đỉnh sinh trưởng” để nghiên cứu, nhân bản bằng cấy mô invitro. Kết quả từ phòng thí nghiệm đưa ra vườn trồng từ vài luống cây phúc bồn tử thân trơn đầu tiên vào giữa năm 2013, đến nay đã nhân rộng trồng trình diễn tập trung trên 500m² nhà kính công nghệ cao, cây đang xanh tốt với hơn 3 tháng tuổi. Xòe bàn tay nâng từng cây phúc tử thân trơn đang leo bò trên dây lưới, nhà nông Huỳnh Trung Quân nói: “ Từ cây con phúc bồn tử thân trơn cấy mô mới có hơn một cặp lá, qua hơn 3 tháng chăm sóc đã phát triển chiều cao trên dưới một mét. Dự kiến trong hơn 2 tháng tới sẽ đi vào thu hoạch, so với giống cây có gai thì năng suất bằng nhau, nhưng trái có kích thước lớn hơn, màu sắc cũng khác biệt hơn… ”
Tính riêng qua 3 năm ( 2013- 2015) thu hoạch cây phúc bồn tử thân trơn và thân gai canh tác chung một nhà kính đã cho “đáp số” năng suất tương đương với nhau (khoảng 1,5 tấn trái tươi/1.000m²/năm). Nhưng ưu điểm của phúc bồn tử thân trơn thường dễ chăm sóc và dễ thu hái trái tươi hơn, góp phần tạo thêm sản phẩm phong phú cho nhu cầu chọn lựa của người tiêu dùng. Và trong năm 2015 vừa qua, hạch toán chung trên  1.000m² nhà kính sản xuất cây phúc bồn tử thân trơn và thân gai ở Đà Lạt và các vùng phụ cận là: thu hoạch 1.500kg trái tươi, nhân với 150.000đồng/kg, thành tổng doanh thu 225 triệu đồng.
 Trừ khoảng 40% chi phí nước, phân, cần, giống…,còn lại lãi ròng 135 triệu đồng. Vì là loại cây nguồn gốc từ châu Âu được nhà nông Huỳnh Trung Quân và các nhà khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng thuần hóa trở thành như cây đặc hữu của cao nguyên Lâm Viên, nên lượng trái tươi thu hoạch ước tổng cộng trên diện tích 20ha các vùng Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương…của Lâm Đồng trong năm vừa qua chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ của nhu cầu thị trường.               
Lên men rượu vang phúc bồn tử
Nhà nông Huỳnh Trung Quân canh tác cây phúc bồn tử không chỉ dừng lại ở sản phẩm thu hoạch nguyên liệu tươi, mà đã liên hệ đặt vấn đề với các nhà khoa học ở Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng để được chuyển giao các quy trình chế biến những sản phẩm như mứt, mật, nước cốt, trà…và đặc biệt là rượu vang. Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm chế biến thành công rượu vang ở quy mô nhỏ ( khoảng 600lít), từ đầu năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã hỗ trợ 170 triệu đồng kinh phí, đồng thời bố trí các nhà khoa học xuống trực tiếp giúp nhà nông Huỳnh Trung Quân đầu tư, lắp đặt và hoàn thiện quy trình vận hành dây chuyền máy móc chế biến rượu vang phúc bồn tử, đạt công suất tối đa mỗi tháng từ 5.000- 6.000chai loại 750ml. 
Đến thời điểm tháng 01/2016, nhà nông Huỳnh Trung Quân cho biết, trung bình mỗi ngày thu hoạch đưa vào chế biến khoảng 60- 70kg trái phúc bồn tử tươi. Toàn bộ sản phẩm rượu vang và khoảng 7 loại sản phẩm chế biến khác được nhà nông Huỳnh Trung Quân chuyển đi tiêu thụ đến các đối tác trong hệ thống siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các vùng miền khác trong nước; một phần xuất khẩu thâm nhập ở thị trường các nước châu Á.
Kế hoạch sản xuất đến cuối năm 2016 của nhà nông Huỳnh Trung Quân sẽ mở rộng diện tích sản xuất phúc bồn tử thân trơn trong nhà kính khoảng 2ha nữa trên địa bàn huyện Đức Trọng (tận dụng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gắn với quản lý bảo vệ rừng được giao), nhằm tiếp tục chủ động nguồn nguyên liệu từ sản xuất đến chế biến rượu vang phúc bồn tử, tạo giá trị thu nhập tăng thêm trên đơn vị diện tích đất của mình./.
THÁNG 01/2016