VĂN VIỆT
Dự kiến trong khoảng ba năm tới, dưới
chân Đèo Mimosa sẽ xây dựng và đi vào hoạt động Trung tâm Giao dịch hoa Đà Lạt.
Khi đó, người sản xuất được bán sản phẩm hoa Đà Lạt của mình trực tiếp với đối
tác tham gia đấu giá, thay vì như lâu nay phải phụ thuộc giá bán qua nhiều khâu
trung gian sau một thời gian giao hàng khá dài.
Chi phí
trung gian làm tăng thêm giá thành hoa
Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, hầu
hết sản phẩm hoa Đà Lạt hiện nay thu hoạch từ nhà vườn nông dân đến khi giao
tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước đều phải qua đến 5 kênh thu mua
trực tiếp từ thương lái trong vùng, sau đó tiếp tục phân phối với nhiều khâu
trung gian khác nhau gồm: người bán lẻ, thương lái vùng khác, doanh nghiệp xuất
khẩu…Trong đó, mối quan hệ giao dịch giữa thương lái và nông dân thường không
bảo đảm theo hợp đồng, qua từng lứa hoa cứ thu hoạch xong thì giao thương lái
để cung ứng qua nhiều kênh khác nhau, sau thời gian khoảng hơn một tuần lễ mới
nhận được phản hồi về giá thành hoa theo từng chủng loại. Điều này, tiến sĩ Lê
Như Bích, Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt phân tích thêm: “Các kênh trung
gian thị trường cộng thêm các khoản chi phí phân loại, bảo quản, khoảng cách
vận chuyển và mức lợi nhuận mong muốn, dẫn đến sự chênh lệch đáng kể giữa giá
hoa tại nhà vườn với giá hoa tại cửa hàng và chợ bán lẻ… ” Như vậy, nếu trong
một thời điểm thu hoạch, thương lái tiến hành thu mua càng nhiều sản lượng hoa
của nông dân sản xuất phân tán thì chi phí trung gian càng tăng cao hơn.
Giải pháp thị
trường được đặt ra với ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần tăng cường hơn nữa vai
trò của Hiệp hội hoa, các Hợp tác xã và nhửng mô hình liên kết khác, nhằm làm
đầu mối tập hợp nông dân, tổ chức sản xuất theo kế hoạch, đồng thời đứng ra giao
dịch mua bán sản phẩm hoa tập trung, cố gắng tiết kiệm từ 3- 5% chi phí các khâu
trung gian thu mua. Khi thành lập Trung tâm Đấu giá hoa Đà Lạt, những tổ chức
đầu mối vừa nêu sẽ xác lập tư cách pháp nhân đứng ra bán đấu giá từng lô hàng hoa
cho nông dân…
Nông dân dễ
tiếp cận và phản ứng nhanh với giá cả thị trường
Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Phan Thanh Sang nhận
định: “ Hoa Đà Lạt luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng, chủng loại và doanh thu
bán ra thị trường nội tiêu và xuất khẩu, nhưng vẫn gặp nhiều hạn chế do giá cả
bấp bênh, nông dân bán hoa thường phải chịu giá sau…Đến cuối năm 2014, tin vui
đến với ngành hoa Đà Lạt khi tỉnh Lâm Đồng phối hợp với tổ chức Hợp tác quốc tế
Nhật Bản ( JICA) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam triển khai Dự án “ Hỗ
trợ tỉnh Lâm Đồng phát triển nông nghiệp theo hương tiếp cận đa ngành và cải
tạo môi trường đầu tư trong nông nghiệp”, trong đó có bước đi chiến lược là xây
dựng Trung tâm Giao dịch hoa…” Kết quả vào đầu tháng 10/2015, UBND tỉnh Lâm
Đồng đã lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan, cùng các doanh nghiệp và nông
dân trồng hoa để chọn một trong bốn địa điểm quy hoạch xây dựng Trung tâm Giao
dịch hoa, tọa lạc ở chân Đèo Mimosa, thuộc phường 3, Đà Lạt. Đánh giá chung cho
thấy, Trung tâm hoạt động ở khu vực đầu đường cao tốc Đà Lạt- Liên Khương, nên
gặp khá nhiều thuận lợi chung trong vận chuyển các sản phẩm hoa đến giao dịch từ
các vùng sản xuất của Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương. Đặc biệt, Trung
tâm được bao bọc bởi khu rừng thông xanh ngát, nhiệt độ quanh năm mát mẻ, phù
hợp với việc bảo quản hoa sau thu hoạch, cũng như sơ chế đóng gói, phân phối đi
khắp các chợ trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Dự kiến, Trung tâm Giao dịch hoa Đà Lạt được xây dựng
giai đoạn đầu tiên trên diện tích 10ha, giai đoạn tiếp theo có thể mở rộng lên
khoảng 20ha. Kinh phí đầu tư theo hình thức “công- tư”, theo đó, cơ quan nhà
nước đứng ra làm chủ đầu tư, sau đó cho hiệp hội hoa, cùng các đơn vị doanh
nghiệp, cá nhân…thuê vận hành những khu vực chức năng gồm: Phòng đấu giá hoa;
kho lạnh bảo quản hoa; sơ chế đóng gói, bán lẻ; các mô hình trình diễn, chuyển
giao khoa học kỹ thuật canh tác hoa hiện đại; ngân hàng; dịch vụ hậu cần; nhà
nghỉ; văn phòng đại diện các công ty lắp đặt nhà kính, cung cấp giống hoa, phân
bón, giá thể…Trong đó, hoạt động đấu giá hoa sẽ được diễn ra thường xuyên, bên
bán là người sản xuất gồm doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các tổ hợp tác liên kết
với nông dân, bên mua đấu thầu là các doanh nghiệp phân phối hoa trong và ngoài
nước. Từng lô hàng hoa sau khi đấu giá thành công, nông dân sẽ được nhận đầy đủ
số tiền tương ứng từ bên mua đấu thầu gửi đến tài khoản của mình trong khoảng thời
gian 3 ngày...
“Trung tâm Giao dịch hoa Đà Lạt khi đi vào hoạt động
sẽ giúp nông dân dễ tiếp cận và phản ứng nhanh với giá cả thị trường, đồng thời
cũng là nơi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất
cũ, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hoa cạnh tranh, mang lại lợi
ích thiết thực cho nông dân, doanh nghiệp trồng hoa nói riêng, tạo bước phát
triển đột phá của ngành hoa Lâm Đồng nói chung…”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà
Lạt, Phan Thanh Sang nhấn mạnh./.THÁNG 01/2016