VĂN VIỆT
Nông dân Lâm Đồng đã và đang thực hành
chăn nuôi tốt (GAHP) với các hợp phần hỗ trợ vốn, kỹ thuật, chuỗi liên kết tiêu
thụ của Dự án Cạnh tranh Ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm ( LIFSAP), mang
lại những hiệu quả tích cực về phát triển kinh tế hộ gia đình và bảo vệ môi
trường.
Theo Ban Quản lý LIfSAP Lâm Đồng, từ năm 2010 trở về
trước, nhiều khu vực chăn nuôi trong tỉnh Lâm Đồng phát triển phân tán, nhỏ lẻ với
4- 6 con heo/hộ/lứa. Đa số có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên, nhưng thay vì chú
trọng các biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học thì các hộ chăn nuôi vẫn áp dụng
theo các phương pháp chăn nuôi truyền thống như: chăn nuôi heo bên cạnh với các
gia súc, gia cầm khác; chưa xây dựng hố khử trùng, hố ủ phân, hố biogas; tiêm
phòng vật nuôi không đầy đủ; chăn nuôi tự cung tự cấp con giống chất lượng không
cao…Bên cạnh đó, người chăn nuôi rất ít thời gian được tham gia tập huấn về khoa
học kỹ thuật chăn nuôi, chưa gắn lý thuyết với thực hành; các dịch vụ thú y cơ
sở còn hạn chế; thị trường đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái buôn bán
nhỏ. Có tất cả hơn 370 điểm giết mổ ở quy mô hộ gia đình chỉ đạt công suất giết
mổ 3-5 con/điểm/ngày, nhưng lại thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy
định. Toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 65 chợ bán thực phẩm tươi sống, trong đó hầu
hết các sản phẩm thịt giết mổ không được kiểm tra các điều kiện vệ sinh thú y
và kiểm dịch an toàn…
Để từng bước khắc phục tình trạng chăn nuôi thiếu bền
vững, Dự án LIFSAP Lâm Đồng khi vào giai đoạn đầu đã thực hiện điều tra, khảo
sát, lựa chọn hộ chăn nuôi hội đủ các điều kiện thực hành theo tiêu chuẩn GAHP.
Kết quả đến quý 3/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng quyết
định thành lập 4 vùng GAHP tại 4 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm
với 800 hộ chăn nuôi tham gia. Trong 5 năm qua (2010- 2015), tại 4 vùng GAHP
này, Dự án LIFSAP Lâm Đồng triển khai gần 360 lớp tập huấn về quy trình GAHP, về
công tác thú y, kỹ thuật giết mổ gia súc, tăng cường quản lý vệ sinh an toàn
thực phẩm…với hơn 10.450 lượt người tham gia. Đồng thời tổ chức 160 hội nghị,
hội thảo đánh giá về hoạt động phát triển GAHP, hoạt động giết mổ gia súc và
kinh doanh doanh thực phẩm tươi sống với gần 6.800 lượt người tham dự. Ngoài ra
còn tổ chức 3 đợt cho các hộ chăn nuôi trực tiếp ra ngoài tỉnh Lâm Đồng trao
đổi, học tập kinh nghiệm chăn nuôi tại các vùng GAHP ở thành phố Hồ Chí Minh,
Đồng Nai, Long An…
Đặc biệt, Dự án đã hỗ trợ từng mô hình chăn nuôi trên địa bàn
gồm: mức tối đa 5,6 triệu đồng/hộ cho 40 hộ chăn nuôi mẫu và 2 triệu đồng/hộ
cho 725 hộ chăn nuôi thành viên cùng đầu tư sửa chữa chuồng trại; 200USD/hộ cho
990 hộ chăn nuôi xây dựng 305 hầm biogas và 685 hố ủ phân; trang bị dụng cụ
chăn nuôi và các thiết bị an toàn sinh học cho 800 hộ chăn nuôi như: máy bơm,
bình xịt thuốc khử trùng, xe rùa, máng ăn, máng uống…Dự án còn triển khai với nguồn
kinh phí đáng kể khác để xây dựng, nâng cấp 28 cơ sở giết mổ và 26 khu chợ bán
thực phẩm tươi sống, từ đó hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản
phẩm chăn nuôi ổn định tại 4 vùng GAHP trong tỉnh Lâm Đồng. Qua kiểm tra, giám
sát nhiều đợt, đến nay đã có 770 hộ chăn nuôi ở Lâm Đồng được cấp Chứng nhận
chăn nuôi an toàn.
Thống kê giai đoạn 2010- 2015 với các hợp phần hỗ trợ
nói trên, Dự án LIFSAP Lâm Đồng đã giải ngân hơn 86,6 tỷ đồng, trong đó gồm
nguồn vốn IDA (gần 72,6 tỷ đồng), vốn ngân sách của tỉnh ( hơn 6,2 tỷ đồng) và
vốn tư nhân đóng góp ( hơn 7,8 tỷ đồng). Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Ban Quản
lý LIFSAP Lâm Đồng đánh giá: “ Các hoạt động của Dự án đã góp phần thay đổi tư
duy, quan điểm và hành vi chăn nuôi an toàn trong và ngoài 4 vùng GAHP ở Lâm
Đồng. Những lợi ích mang lại từ Dự án phù hợp với chương trình tái cơ cấu ngành
nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, của cả nước nói chung…”
Từ nay đến năm
2018, LIFSAP Lâm Đồng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ đào tạo các hộ gia
đình thực hành chăn nuôi tốt; hỗ trợ cơ quan thú y các cấp trong việc kiểm tra,
giám sát quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến lò mổ và các chợ
thực phẩm tươi sống, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của sản phẩm
chăn nuôi GAHP trên địa bàn./.
THÁNG 9/2015