VĂN VIỆT
Ứng dụng công nghệ GIS ( hệ thống thông
tin địa lý), thành phố Đà Lạt đã thiết lập hệ thống bản đồ phân bố dịch hại trên
cây dâu tây Đà Lạt, làm cơ sở đưa ra các giải pháp phòng trừ hiệu quả, kịp
thời.
Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, bước vào tháng 8 và tháng 9
hàng năm, Đà Lạt thường xuống giống trồng dâu tây các loại. Thời gian hơn 3
tháng chăm sóc là bắt đầu thu hoạch thời vụ chính, kéo dài đến tháng 4 tháng
sau, đạt năng suất bình quân từ 7- 10 tấn/ha. Tuy nhiên trong vòng 5 năm trở
lại đây, diện tích dâu tây Đà Lạt biến động thất thường, từ 60ha tăng lên 180ha
và ngược lại. Có nhiều nguyên dẫn đến thực trạng này như: quy mô sản xuất nhỏ
lẻ, chưa áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu chọn tạo
giống và trong quá trình canh tác, thiếu dự báo, khuyến cáo thường xuyên cho
nông dân phòng trừ dịch hại tổng hợp. Trong khi đó, nhiều nông hộ vẫn còn sử
dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng đã làm tăng tính kháng thuốc của một
số loài dịch hại.
Để góp phần đánh giá sát hợp theo mức độ bùng phát của
dịch bệnh trên cây dâu tây Đà Lạt (nặng, vừa và nhẹ), Phòng Kinh tế Đà Lạt đã ứng
dụng công nghệ GIS để xây dựng hoàn thành hệ thống bản đồ hiện trạng các vùng
canh tác. Theo đó, cây dâu tây Đà Lạt sản xuất ổn định ở độ tuổi trên dưới 3
năm; phân bố ở độ cao từ 1.400- 1.535m so với mặt biển; chủ yếu trồng trên đất
đỏ và đất nâu đỏ; sử dụng các nguồn nước sông suối, giếng và ao hồ để tưới, phủ
luống với các vật liệu cỏ khô, lá thông, màng phủ nông nghiệp; cơ cấu 6 loại
giống chính ( đá chồng, dâu Pháp, mỹ đá lai, mỹ đá thuần, mỹ hương địa phương
và mỹ hương lai); mật độ trồng phổ biến từ 3.670 – 4.660 cây/1.000m²…Qua khảo sát từ những thông tin trên bản đồ
cho thấy: Với tỷ lệ 73,7% diện tích dâu tây vẫn còn tưới nước sông suối là điều
kiện thuận lợi để phát sinh các nguồn dịch hại; mật độ cây dâu trồng đa số vẫn khá
dày so với quy trình kỹ thuật khuyến cáo làm giảm khả năng kháng bệnh; việc bón
phân các loại vẫn chưa thực sự cân đối, hợp lý, dẫn đến năng suất dâu tây nhiều
khu vực đạt thấp.
Nhưng đáng chú ý nhất với cây dâu tây là các loại bệnh
phân bố khá nhiều trên bản đồ công nghệ GIS Đà Lạt. Cụ thể, trên diện tích dâu tây của 100 hộ được điều tra ( mỗi hộ sản
xuất 1.000m² trở lên), hầu hết xuất hiện
bệnh thán thư và bệnh thối trái, chiếm tỷ lệ nhiều
nhất ở địa bàn phường 7; ít nhất ở địa bàn phường 6. Tiếp theo là bệnh gây hại
từ các loài côn trùng nhện đỏ, bọ trĩ trên vườn dâu của hơn 85 hộ. Còn lại gây
hại rải rác trên vườn dâu của khoảng 20 hộ với các loại bệnh hại như: vàng lùn
xoắn lá, thối rễ, sâu xanh, sên nhớt. Phạm vi gây hại tập trung ở 2 giống dâu
mỹ đá và mỹ hương lai. Giống dâu đá chồng chỉ duy nhất bị ảnh hưởng của bệnh thối
rễ, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến 2 loại bệnh phổ biến gây thiệt hại nặng
trên cây dâu tây vừa nêu là bệnh thối trái và bệnh thán thư.
Kết quả ứng dụng công nghệ GIS để dự
báo, khuyến cáo sâu bệnh gây hại trên cây dâu tây Đà Lạt, Phòng Kinh tế Đà Lạt
đề xuất quy trình sản xuất dâu tây mới, phù hợp hơn. Đó là việc chọn giống dâu
tây từ cây ngó ( cây con tách ra từ thân cây mẹ) đạt tiêu chuẩn chiều cao từ 8
– 12cm, gồm 6- 12 lá, trên thân cây mẹ dưới 1 năm tuổi, đang phát triển trong
khu vườn sạch bệnh. Tiếp theo, công đoạn làm đất, xử lý vôi từ 100-
150kg/1.000m²; lên luống với chiều cao từ 20- 25cm, chiều rộng từ 1,1 – 1,2m, cây
cách cây 25- 30cm; bón lót các loại phân chuồng đã ủ hoai mục hay phân hữu cơ
vi sinh kết hợp với phân lân để giúp rễ cây con phát triển nhanh; xử lý nấm
bệnh bằng chế phẩm nấm đối kháng Tricoderma (3kg/1.000m²).
Đến giai đoạn kinh
doanh, việc bón phân cho cây dâu cần theo nguyên tắc bón ít, nhưng bón nhiều
lần để không ảnh hưởng đến hệ rễ. Bên cạnh đó, nhằm gia tăng khả năng kháng
bệnh của cây dâu tây, có thể sử dụng một trong những chế phẩm bơm phun từ 10-
15 ngày mỗi lần như: bloom, growmore, fetrilon combine, kali, botrac, canxibo,
super hume, super fish, protifer, k-humat. Ngoài ra cũng rất cần thiết áp dụng
các biện pháp canh tác khác để phòng ngừa các loại bệnh hại, chẳng hạn nên ngắt
bỏ chùm hoa bói đầu tiên để tăng cường sinh trưởng, thu hoạch trái lớn hơn; tỉa
thân, lá, đảm bảo mật độ phát tán cây dâu từ 3- 4 thân/gốc…
Mới đây, những dự báo và đề xuất quy
trình mới trong sản xuất, phòng trừ bệnh hại trên dâu tây Đà Lạt thông qua công
nghệ GIS đã được UBND thành phố Đà Lạt công nhận kết quả nghiệm thu, chuyển
giao ứng dụng trong thực tế./.
THÁNG 9/2015