VĂN VIỆT
Với hoa cúc kim cương ở làng hoa Thái
Phiên, đa phần nông dân chỉ trồng xen canh phân tán thì nhà nông trẻ Nguyễn
Thanh Hải ngày càng mở rộng diện tích chuyên canh khá thành công nhờ các biện
pháp kỹ thuật tự tìm tòi, khám phá. Giới nhà nông trẻ ở Thái Phiên đã dần quen
gọi tên anh gắn với tên hoa cúc kim cương thành biệt danh “Hải kim cương”.
Bí thư Đoàn phường 12, Đà Lạt, Trương Ngọc Anh dẫn tôi
đi trên đường lộ 723 khoáng đãng rồi rẽ xuống giữa lưng đồi san sát nhà kính
trồng các loại hoa công nghệ cao. Từ dưới thung sâu bước chân lên đón khách, một
nông gia trẻ hướng dẫn tôi đến bên luống hoa vừa kết nụ: “ Thu hoạch hoa ở khu
nhà kính bên này thì khoảng 10-15 ngày nữa, còn khu nhà kính bên kia đến 15- 20
ngày nữa. Mỗi cây chỉ giữ lại một nụ hoa khỏe mạnh nhất để chăm sóc cho đến khi
cắt cành bán ra thị trường… ” Tôi đang cảm nhận sự lôi cuốn ngay từ đầu câu
chuyện thì Bí thư Đoàn phường 12, Đà Lạt, Trương Ngọc Anh tranh thủ giới thiệu:
“ Đây là nhà nông trẻ Nguyễn Thanh Hải ( sinh năm 1979), hiện đảm trách vai trò
Tổ trưởng Tổ Hợp tác Sản xuất hoa thanh niên trực thuộc Đoàn phường chúng tôi. Trong
5 năm vừa qua, anh Hải đã mạnh dạn đi đầu trong Tổ Hợp tác để chuyển đổi 5.000m² diện tích nhà hính trồng các loại hoa cúc
thông thường sang trồng hoa cúc kim cương, đạt hiệu quả kinh tế cao, trở thành
một trong những mô hình tiêu biểu cho thanh niên trồng hoa ở Làng hoa Thái
Phiên. Từ đây, nhiều người quen gọi anh là “Hải kim cương…”
Câu chuyện trở thành “Hải kim cương” trải qua một hành
trình bắt đầu lúc vào đời 18 tuổi lập thân, lập nghiệp với hoa cúc chùm các
loại. Trên 1.000m² đất gia đình cho “ra riêng”,
Hải sản xuất bằng vốn liếng kinh nghiệm và niềm yêu thích của một người con
sinh ra, thừa hưởng nghề trồng hoa truyền thống ở Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt. Theo
thời gian canh tác qua 5 năm, 10 năm, Hải đã tự đúc kết những giải pháp kỹ
thuật mới để sản xuất đa dạng các loại hoa cúc theo hướng công nghệ cao, tăng nhanh
thu nhập qua từng vụ thu hoạch. Nhờ đó, Hải cũng đã tích lũy những nguồn vốn
lớn đầu tư mở rộng diện tích nhà kính lên đến 5.000m² vào cuối năm 2005. Giai đoạn từ 2005 – 2010, trong các
sắc màu vàng, đỏ, tím, xanh…của hoa cúc chăm sóc trong vườn, Hải quan tâm đặc
biệt đến loài cúc vàng hoa đơn, nở to bằng chén cơm ( gọi là cúc kim cương) bởi
rất tốn nhiều công nuôi dưỡng, nhưng mỗi bó hoa bán ra thị trường giá cao hơn
gấp 3 lần so với hoa cúc thông thường. Để biến dần những ấp ủ, dự định trong
mong ước hóa thành hành động thiết thực, Hải bố trí các sinh thái mới cho hoa
cúc kim cương từ “thân phận” xen canh sang luân canh và hướng tới chuyên canh. Không
ít “đồng nghiệp nhà nông” bấy giờ lo lắng cho Hải có tìm ra những giải pháp đột
phá mới để đảm bảo năng suất, chất lượng khi sản xuất tập trung loài hoa cúc kim
cương hay không ? Trong khi phần lớn nông dân Thái Phiên chỉ trồng hoa cúc kim
cương vài chục đến vài trăm mét vuông xen canh, chủ yếu vừa trồng vừa “lắng
nghe” những đòi hỏi sinh trưởng hàng ngày rất “khó tính” của loài hoa “cao sang”
này.
Năm 2010, sau những “đáp số” tự
nghiên cứu trồng trên từng luống đất nhỏ, Hải quyết định mua giống hoa cúc kim
cương cấy mô về cắt ngọn giâm trồng đại trà 10.000 cây trên diện tích 200m² chuyên
biệt trong nhà kính. Kết quả 4 tháng chăm chút từng gốc cây, ngọn lá, búp nụ,
Hải thu hoạch 7.000 cành hoa cúc kim cương ( đạt tỷ lệ 70%), đóng thùng gửi
xuống đối tác ở Sài Gòn phân phối hết nhanh trong vòng một ngày. Thị trường quá
rộng lớn ở đất phương Nam
đã mở thêm những cơ hội thôi thúc Hải giành tuần tự hết quỹ đất 5.000m² của
mình trồng toàn bộ hoa cúc kim cương. Cứ lấy thành quả mùa trước phát huy cho thành
quả mùa sau, hoa cúc kim cương đạt chất lượng tốt tươi quanh năm 3 vụ mùa, mang
lại doanh thu cho Hải hơn cả tỷ đồng/5.000m²/năm. Hỏi về “bí quyết”, “Hải kim
cương” chia sẻ: “Tất cả nông dân Đà Lạt đều có thể sản xuất, kinh doanh có lãi
cao từ hoa cúc kim cương, nếu như thực hành tốt các công đoạn làm đất tơi xốp,
bón phân, tưới nước cân đối, giữ đủ điện thắp sáng ban đêm, tỉa lá, ngắt bỏ nụ
nhỏ, đảm bảo mật độ sinh trưởng phù hợp cho cây… ” Cụ thể, chọn chồi cây phát
triển tốt nhất (từ 8- 10cm) dưới gốc cây mẹ đã cắt cành hoa để gieo ươm thành
cây giống mới cho mùa liền kề; thắp điện sáng từ 20giờ đêm hôm trước đến 3 giờ
sáng ngày hôm sau, kéo dài liên tục 50 ngày; đảm bảo cây cao từ 90- 100cm mới đồng
loạt ngắt bỏ nụ hoa phụ, tập trung nuôi nụ hoa chính; tăng cường lượng phân
chuồng bón lót và bón thúc; bám sát hàng giờ trên từng luống hoa để phát hiện,
phòng trừ kịp thời sâu bệnh, nhất là các thời điểm giao mùa…
Mục tiêu trong vài năm tới, “Hải kim
cương” sẽ “tích tụ” thêm 5.000m² đất ở Làng hoa Thái Phiên để nâng tổng diện
tích trồng hoa cúc kim cương của mình lên 10.000m². “ Khâu đầu ra cho hoa cúc kim
cương của Hải vẫn rất yên tâm. Bởi Hải vừa là Tổ trưởng vừa là 01/11 thành viên
của Tổ Hợp tác Sản xuất hoa thanh niên phường 12, Đà Lạt đã liên kết với nhiều
đối tác trong nước tiêu thụ ổn định lâu dài…”-Bí thư Đoàn phường 12, Đà Lạt,
Trương Ngọc Anh nhận định./.
THÁNG 9/2015