Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Hoa khô ven đô Đà Lạt

VĂN VIỆT

Nhặt những cành hoa, lá cỏ hoang dại từ vườn rừng, cơ sở hoa khô Hiếu ở cuối đường Trạm Hành, Đà Lạt đã đính ghép, sắp đặt thành hàng chục dòng sản phẩm tranh, hoa khô khác nhau, được thị trường trong nước và thị trường châu Á, châu Mỹ ưa chuộng suốt mười mấy năm qua.
Cơ sở hoa khô Hiếu nằm trên lưng đồi, có địa chỉ 05/01, Trạm Hành 2, Đà Lạt. Chủ nhân cơ sở là hai vợ chồng trung niên, người chính gốc Đà Lạt. Chồng vào đời từ nghề làm vườn, vợ làm nghề dạy chữ cấp tiểu học, cả hai đã gặp nghề tranh, hoa khô đều hết sức tình cờ. Người vợ- chị Nguyễn Thị Mai Ly kể lại rằng, những năm cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước, một người quen từ bên Mỹ về thăm quê Trạm Hành, Đà Lạt, bỗng gợi ý vợ chồng chị Ly (chồng tên là Nguyễn Trọng Hiếu) sản xuất tranh, hoa khô từ chính nguyên liệu hoa cỏ dại ở địa phương. Người Việt kiều còn nói ở Mỹ hoa khô chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Thái Lan với giá khá đắt, người khá giả mới có tiền mua về thưởng lãm. 
Nhìn kỹ những cành hoa, cọng cây, lá cỏ hoang dại mọc bên vườn nhà, rừng Trạm Hành, Đà Lạt với nhiều dáng vẻ thật đặc trưng, nếu ép sấy, trang trí thành tranh, hoa khô sẽ thật sống động không thua kém các loại tranh, hoa khô bày bán ở Mỹ. Nghe thuyết phục, anh Hiếu - chị Ly tự tìm tòi, nghiên cứu bằng nhiều nguồn tài liệu về những cách tạo ra những sản phẩm tranh, hoa từ hoa, lá khô trong vườn nhà mình. Kết quả sau mấy tháng tự học, tự làm, anh Hiếu - chị Ly cho ra đời 4 bức tranh bằng nguyên liệu hoa, lá khô của vùng ven đô Trạm Hành 2, Đà Lạt, diện tích mỗi bức tranh là 60cm x 80cm. Tất cả 4 bức tranh đều là tranh phong cảnh tự họa chính căn nhà của vợ chồng anh Hiếu- chị Ly hiện lên bên đồi dốc, có vườn cây trái, có hàng thông che mát một lối đi nho nhỏ vào nhà. Màu chủ đạo của tranh là màu xanh da trời, phối cảnh cùng 7 sắc màu khác. Cũng nhờ những người quen biết, vợ chồng anh Hiếu - chị Ly mạnh dạn đưa về Sài Gòn chào bán 4 bức tranh đầu tay này. Không ngờ độ hơn tuần sau, tin từ Sài Gòn, được cửa hàng không chỉ bán hết số tranh trên mà còn nhận lời cung cấp thêm cả chục bức tranh và hàng ngàn sản phẩm hoa, lá khô mới cho khách du lịch từ châu Mỹ nữa. “Mừng nhiều lắm. Nhưng cũng lo không ít là phải giao tranh, hoa đúng hẹn; và tranh, hoa giao phải đạt được theo yêu cầu đặt hàng của người ngoại quốc. Vậy là vợ chồng mình phải tập trung phác thảo từ bố cục, nội dung đến cách lắp ghép từng cọng cây, lá cỏ khô sao cho tranh, hoa mới lạ, mang đặc trưng của vùng ven đô Trạm Hành, Đà  Lạt” - chị Ly nhớ lại. Năm đó là cuối năm 1998.


Kết quả anh Hiếu - chị Ly đã khiến cho khách hàng châu Mỹ hấp dẫn bởi các sản phẩm tranh phong cảnh ghép vỏ thông với hoa khô, trái thông khô, dáng cây thông giáng sinh thu nhỏ, hoa khô cát tường, bình hoa nhiều đóa hoa và cỏ lá… Từ đó, thị trường tranh, hoa khô của cơ sở hoa khô Hiếu ngày một rộng mở và ổn định đến nay. Những năm cơ sở hoa khô Hiếu xuất khẩu tranh, hoa khô nhiều nhất là các năm 2003, 2005 với hàng ngàn sản phẩm trái thông khô, hoa khô cắm bình sang Nhật. Anh Hiếu - chị Ly xây dựng một nhà sản xuất với diện tích khoảng trăm mét vuông, thu hút hàng chục lao động địa phương đến vừa học nghề, vừa nhận tiền công hàng tháng mỗi người trên dưới 1,5 triệu đồng. Hoặc như năm 2007, anh Hiếu - chị Ly xuất khẩu sang Mỹ với hàng ngàn sản phẩm hoa cỏ khô khá độc đáo gồm: cành và hoa atiso, hoa lan rừng, hoa vạn tuế, cỏ đuôi phụng… Đến các tháng 9, 10 năm 2010 và đầu tháng 3/2011, tranh, hoa khô của anh Hiếu - chị Ly trở về trong nước tham gia trưng bày hàng trăm sản phẩm tại những hội chợ triển lãm từ Đà Nẵng đến Bình Dương và Vũng Tàu. Nhiều hợp đồng phân phối sản phẩm tranh, hoa khô của cơ sở hoa khô Hiếu  được thỏa thuận mới từ những hội chợ này.
Hiện tại cơ sở hoa khô Hiếu với doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, duy trì việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động ở vùng ven đô Trạm Hành 2, Đà Lạt. Người lao động có thể làm việc trực tiếp ơ cơ sở, hoặc có thể nhận nguyên liệu về nhà gia công. Giá các loại sản phẩm đang tiêu thụ  ở cơ sở hoa khô Hiếu gồm: bình hoa khô (từ 25 ngàn đồng đến trên dưới 01 triệu đồng/ bình); hoa khô (từ 1.200 đồng đến 8 ngàn/bông); tranh hoa lá khô ( từ 150 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/bức); cỏ khô (từ 50 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng/ bó)… “Hoa khô có ưu thế giữ được thời gian thưởng lãm dài. Hoa khô có chỗ đứng ổn định trên thị trường trong nước và xuất khẩu bởi cách giữ được dáng vẻ tự nhiên của hoa.” - Chị Mai Ly nói. Và cũng chính lợi thế của vùng nguyên liệu hoa, lá cỏ luôn luôn sẵn có ở vùng sinh thái ven đô Trạm Hành 2, Đà Lạt, đã làm nên một thương hiệu hoa khô Hiếu với nhiều triển vọng về nghề thủ công mỹ nghệ tiếp tục được mở ra.

Cập nhật lúc 14:36, Thứ Năm, 31/03/2011 (GMT+7)