VĂN VIỆT
Buổi sáng trong Quán Cà phê Là Việt bên
đường phố Nguyễn Công Trứ, Đà Lạt, chủ nhân Trần Nhật Quang hái trên cây xuống
mấy trái cà phê Arabica chín đỏ rồi bóc tách hết phần vỏ bên ngoài đưa tôi xem và
nói : “ Hai nửa hạt nhân lấy ra ở công đoạn này gọi là cà phê thóc. Hơn 2 năm
qua, Công ty TNHH Cà phê Là Việt đã hợp tác với 21 hộ nông dân Đà Lạt, Lạc
Dương để sản xuất, tiêu thụ ổn định sản lượng cà phê Arabica trên diện tích hơn
41 ha… ”
Qua 7 năm làm giảng viên du lịch cấp đại học ở Đà Lạt,
nam thanh niên Trần Nhật Quang ( thế hệ 8X) đã tích lũy những nguồn vốn quý khi
thường xuyên trải nghiệm cùng với sinh viên ra vùng ven đô Đà Lạt, tiếp cận với
cộng đồng sản xuất cà phê Arabica truyền thống. Những dòng cà phê đặc hữu này của
cao nguyên Langbiang nằm ở độ cao trên dưới 1.500m sau đó nhanh chóng chi phối
phần lớn vào suy nghĩ, trăn trở của giảng viên Quang. Vì sao nông dân vẫn chưa
thực sự đủ điều kiện để thâm canh chiều sâu, nâng cao hơn nữa chất lượng cà phê
Arabica Đà Lạt và Lạc Dương trên từng khu vực, địa hình sản xuất ? Và vì sao cà
phê Arabica Đà Lạt và Lạc Dương vẫn sản xuất theo cách “mạnh ai nấy làm”, chưa
có cơ hội tạo thành các chuỗi liên kết ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ,
đặc biệt là tiêu thụ đến các nước giàu có trên thế giới ? Phải mất một thời
gian với những câu hỏi tự mình đưa ra, giảng viên Quang mới tự mình tìm ra câu
trả lời bằng cách rẽ ngang làm nhà đầu tư trực tiếp nâng cấp trên 4ha cà phê
Arabica của gia đình “chuyển nhượng” lại ở vùng Măng Lin, Đà Lạt. “Vườn cà phê
Arabica của gia đình ở Măng Lin lúc đó đã hơn 8 năm tuổi, nhưng chất lượng hạt
nhân thu hoạch không đồng đều, nên cần phải tác động các biện pháp khoa học kỹ
thuật tiên tiến trên thế giới một cách phù hợp nhất với khí hậu, thổ nhưỡng của
cao nguyên Langbian nói chung, của từng địa hình thửa vườn nói riêng…”- Quang kể
lại định hướng ban đầu của mình.
Với kiến thức trang bị và nghiên cứu qua các tài liệu cập
nhật trên thế giới, đối chiếu với thực tiễn sản xuất trên mỗi hàng cây cà phê Aabica
ở Đà Lạt và Lạc Dương, Quang “chắt lọc” lại để triển khai và hoàn chỉnh tuần tự
các biện pháp canh tác mới trên diện tích 4ha cà phê Arabica của mình ở Măng
Lin gồm: làm cỏ, tỉa cành, tạo tán thông thoáng, giảm thiểu thấp nhất lượng
phân bón hóa học, tăng thêm nhiều hơn lượng phân bón hữu cơ sản xuất tại vườn bằng
nguyên liệu vỏ cà phê…Kết quả 2 niên vụ cà phê năm 2013 - 2014 và năm 2014-
2015, hộ gia đình Trần Nhật Quang “gặt hái” từ 1,5 tấn- 2 tấn nhân/ha. “Dù sản
lượng chỉ ở mức trung bình của vùng cà phê Arabica Đà Lạt, Lạc Dương, nhưng chiếm
tỷ lệ phần lớn đều đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời khi đưa vào chế biến
thành phẩm cà phê rang xay, pha chế có hương vị đặc trưng của cà phê Việt Nam…”-Quang
nói.
Và từ quy trình sản xuất hiệu quả của hộ gia đình, Quang chuyển giao cùng
lúc đến 21 hộ nông dân liên kết thâm canh 41ha cà phê Arabica ở các khu vực
thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Theo đó, ở mỗi vùng được áp
dụng các kỹ thuật sản xuất tương ứng, mục tiêu hướng đến sản phẩm chất lượng
cao, nhưng phải lưu giữ được hương vị cà phê Arabica khác biệt, độc đáo của
từng khu vực như: Trại Mát, Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành ( Đà Lạt) có vị
thơm đậm hòa lẫn với hương các loại trái cây mận, dâu, đào lông; Đạ Sar, Đạ
Nhim, Đạ Chais ( Lạc Dương) với vị chua thanh, hương cam, quýt; xã Lát (dưới
chân núi Langbiang) vị mật ngọt, hương chocolate…Tuân thủ quy trình sản xuất
nghiêm ngặt, 2 vụ mùa thu hoạch cà phê Arabica của tất cả hộ nông dân liên kết
ở đây, Quang đã thu mua, chế biến xuất khẩu mỗi năm từ 22 tấn – 25 tấn nhân đến
thị trường các nước lớn “khó tính”như Nhật, Mỹ, Đức…
Tính ra trong 2 năm qua, Quang chế biến, xuất khẩu cà
phê nhân thương phẩm chiếm 50% tổng sản lượng thu mua của nông dân; 50% còn lại
đưa vào chế biến rang xay, pha chế phục vụ “quan khách” tại chỗ ở Quán Cà phê
Là Việt trên đường Nguyễn Công Trứ, Đà Lạt. Trong Quán, chủ nhân Trần Nhật
Quang còn chăm sóc, trưng bày hàng chục chậu cà phê Arabica Đà Lạt, Lạc Dương
xanh tốt cành lá, ra hoa, đậu quả cho mọi người vừa “thưởng ngọn” phong cảnh
vườn cà phê thu nhỏ, vừa thưởng thức từng giọt cà phê màu mật ong chế biến qua
các dây chuyền máy móc hiện đại. Mục tiêu trong năm tới của chủ Quán Cà phê Là
Việt, Trần Nhật Quang sẽ mở rộng liên kết với khoảng 40 hộ nông dân Đà Lạt và
Lạc Dương để tiếp tục xây dựng khép kín quy trình sản xuất, chế biến và tiêu
thụ sản phẩm cà phê Arabica ổn định lâu dài ở thị trường trong và ngoài nước./.
THANG 9/2015